Thương mại hóa bóng đá được chưa?

Thủy Ngọc Thứ Ba | 29/01/2019 14:00

Sau nhiều thành công, Đội tuyển Việt Nam đang nhận được sự quan tâm rất lớn của người hâm mộ. Ảnh: Zing

Bước tiến "kỳ diệu" của đội tuyển bóng đá Việt Nam mang lại giá trị thương mại rất cao.
Sau nhiều thành công, Đội tuyển Việt Nam đang nhận được sự quan tâm rất lớn của người hâm mộ. Ảnh: Zing

Nhìn lại sau chiến thắng

Những trận thắng liên tiếp của Đội tuyển quốc gia Việt Nam ở các đợt thi đấu bóng đá quốc tế như AFF Cup, ASIAD, U23 châu Á... hay gần đây nhất là giải Asian Cup đã làm nức lòng các cổ động viên. Tuy nhiên ít ai biết, lương của các cầu thủ khá thấp, dưới 10 triệu đồng/tháng, tức chưa tới 500 USD/tháng. Ngay tại sân chơi V.League, với sự trợ lực của các doanh nghiệp lớn như Hoàng Anh Gia Lai, Gạch Đồng Tâm, Becamex Bình Dương, gắn với các ông bầu (bầu Đức, bầu Thắng, bầu  Hiển…), mức lương trung bình của cầu thủ nội cũng chỉ tầm 1.000 USD/tháng.

Trong khi đó, các cầu thủ ở các nước Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia... có thu nhập cao gấp nhiều lần. Chẳng hạn, lương của tiền vệ Stephan Schröck khoảng 20.000 USD/tháng, còn Phil Younghusband  (Philippines) là 16.000 USD/tháng. Thực tế này đã lý giải vì sao đa số cầu thủ Việt Nam đều nằm trong danh sách nhận lương dưới mức trung bình thế giới, theo nghiên cứu của FIFPro.

Thuong mai hoa bong da duoc chua?
 

Còn Steve Darby, chuyên gia bóng đá Đông Nam Á, nhận định: “Những cầu thủ trẻ như Quang Hải, Đoàn Văn Hậu... nên mạnh dạn ra nước ngoài thi đấu”. Bởi vì, ngoài việc được cải thiện chuyên môn, mức lương nhận về sẽ hậu hĩnh. Chẳng hạn, tháng 2.2018, tiền vệ Nguyễn Hữu Khôi từng sang Hàn Quốc và khoác áo đội tuyển Siheung City FC ở hạng nghiệp dư. Mức lương Siheung City FC trả cho Khôi là 45 triệu đồng/tháng (khoảng 2.000USD), cao gấp 4 lần so với những gì anh nhận tại Việt Nam.

Trước đó, nhiều cầu thủ như Lê Huỳnh Đức, Lương Trung Tuấn, Nguyễn Việt Thắng, Lê Công Vinh, Nguyễn Hữu Thắng, Nguyễn Tuấn Anh, Lương Xuân Trường... từng ra nước ngoài thi đấu. Trong đó, các đội bóng nước ngoài đã trả cho Công Vinh mức thu nhập khá cao. Chẳng hạn, đội bóng Nhật đã trả Công Vinh 35.000USD tiền lương cho 5 tháng.

Tính ra, Công Vinh được trả 7.000  USD/tháng. Hiện tại, với sự thành công vượt bậc, nhiều cầu thủ trong đội tuyển quốc gia cũng được nhiều câu lạc bộ bóng đá nước ngoài nhòm ngó. Thủ thành Đặng Văn Lâm đã xác nhận sẽ chuyển sang Câu lạc bộ Thái Muangthong Utd thi đấu với mức lương 10.000 USD/tháng cùng nhiều điều kiện hỗ trợ hấp dẫn khác về nhà, xe riêng...

Tuy nhiên, số cầu thủ xuất ngoại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng các cầu thủ có thể đầu quân về các câu lạc bộ bóng đá tư nhân để đạt thu nhập tốt. Cách đây 8-9 năm, trung vệ Như Thành đã được trả lương 80 triệu đồng/tháng, mức cao nhất dành cho cầu thủ loại 1 của đội bóng The Vissai Ninh Bình. Hay ở thời điểm năm 2011, Công Vinh đã nhận được lương 50 triệu đồng/tháng khi trở lại với Câu lạc bộ Hà Nội T&T.

Con số 40-70 triệu đồng/tháng cũng là mức lương mà nhiều ngôi sao bóng đá như Tấn Trường, Quang Hải, Trọng Hoàng... được nhận. Đó là chưa tính đến các mức thưởng sau mỗi trận thắng. Các cầu thủ xuất sắc như Công Vinh, Hồng Sơn, Văn Quyến... đều có thể bỏ túi trên dưới 1 tỉ đồng cho mỗi mùa thi đấu ở thời kỳ đỉnh cao.

Thuong mai hoa bong da duoc chua?

Vận hành cỗ máy thương mại chuyên nghiệp

Ngoài tiền lương, thưởng, các cầu thủ còn có thể kiếm thêm tiền từ những nghề tay trái. Đó là tham gia quảng cáo. Lê Huỳnh Đức từng là gương mặt sáng giá khi bất ngờ hợp tác với Pepsi, Philips. Năm 2003, Văn Quyến cũng được hàng loạt Công ty xếp hàng mời quảng cáo sau dấu ấn quá lớn tại SEA Games 22. Trong đó, đáng chú ý là hợp đồng ký kết giữa Văn Quyến và LG có giá trị lên tới 13.000USD. Văn Quyến cũng từng nhận quảng cáo cho hàng loạt nhãn hiệu như xe máy Hamun, nước uống tăng lực Super Horse...

Càng về sau, khi bóng đá Việt Nam có nhiều thành công và chuyên nghiệp hơn, thì các cầu thủ càng trở thành đối tượng được nhiều thương hiệu, nhãn hàng săn đón. Đặc biệt, trong mùa giải U23 châu Á vừa qua, một số cầu thủ như Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Quang Hải trở nên tỏa sáng đã thu hút rất nhiều nhãn hàng. Tập đoàn Kido đã ký hợp đồng độc quyền với 2 cầu thủ này. Riêng Quang Hải còn là đại sứ thương hiệu cho Tân Á Đại Thành. Hay Samsung và Ngân hàng Shinhan đã chọn thầy trò Park Hang Seo, Lương Xuân Thành làm đại sứ cho họ.

Có thể thấy, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cũng đang rất chuyên nghiệp trong việc xây dựng và kinh doanh hình ảnh các cầu thủ khi tiền tài trợ, thưởng đang lên những con số kỷ lục trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Ví dụ, số tiền thưởng mà đội tuyển Viêt Nam nhận được cho hành trình tiến vào tứ kết Asian Cup 2019 đang là 11 tỉ đồng.

Trước đó, thủ môn Bùi Tiến Dũng trở thành tâm điểm dư luận khi một công ty truyền thông báo mức giá sử dụng gương mặt ngành hàng của anh lên tới hơn 123.000USD (hơn 2,7 tỉ đồng). Hiện nay, giá các hạng mục quảng cáo như chụp hình, khai thác hình ảnh đăng trên các kênh truyền thông trong 1 năm cùng với vài status trên Facebook của các cầu thủ đang nổi tiếng như Duy Mạnh, Văn Hậu hơn 1 tỉ đồng, còn với ngôi sao Quang Hải có thể gấp đôi.

Đặc biệt, với hàng triệu người theo dõi trên các phương tiện truyền thông và trên mạng xã hội là cơ hội tốt để các cầu thủ mở rộng kinh doanh riêng. Tiền đạo Anh Đức hiện là ông chủ kinh doanh thành công nhất. Năm 2008, tiền đạo Anh Đức mới 22 tuổi đã khởi đầu bằng việc kinh doanh và sản xuất quần áo thể thao (cửa hàng AD Sports). Sau đó, anh lấn sân sang kinh doanh nhà hàng, khách sạn, nhà trọ, xuất khẩu nông sản. Công Phượng thì chọn cách mở quán cà phê CP10 tại thành phố  Pleiku. Hay Hồng Duy và Duy Mạnh nổi tiếng với nghề bán hàng online...

Thực tế, đời cầu thủ thường ngắn ngủi, chỉ kéo dài 8-10 năm với rất nhiều thăng trầm. Vì thế, nếu có thêm những cách kiếm tiền khác, đó cũng là cách giúp họ chủ động, an tâm với cuộc sống. Hệ thống lương thưởng và thương mại hóa rất hấp dẫn này đang thiết lập một ngành công nghiệp bóng đá chuyên nghiệp hơn tại Việt Nam


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày