Tránh dịch lên rừng làm nông nghiệp vĩnh cửu

Kim Thuỳ Chủ Nhật | 05/04/2020 10:00

Ảnh: TL

Một số doanh nghiệp đã đóng cửa, sa thải nhân viên do dịch COVID-19, trong khi số khác cho nhân viên… lên rừng làm nông nghiệp.
Ảnh: TL

“Có những bạn sẽ tạm chia tay cuộc sống văn phòng để được điều động lên các trang trại của VietHealthy để tạm thời làm công việc của những người nông dân thực thụ”. Lời chia sẻ đầy cảm động của ông Hoàng Đức Huy, Giám đốc Công ty Du lịch TransViet, đã nhận được sự đồng cảm của không chỉ trên 1.000 nhân viên mà còn rất nhiều chủ doanh nghiệp đang trong tình trạng tương tự. 

TransViet là một trong số nhiều đơn vị lữ hành chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, vốn đã khiến ngành du lịch Việt Nam mất đi hàng tỉ USD. Ngày 13.3 vừa qua, sau một khoảng thời gian dài kiên trì cầm cự hỗ trợ nhân viên, TransViet, công ty lữ hành có hơn 24 năm hoạt động ở khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam, mới chính thức thông báo tạm “ngủ đông”. 

Theo ông Hoàng Đức Huy, với mục tiêu đảm bảo an toàn cho du khách lên hàng đầu nên Công ty đã chủ động dừng các tour trong và ngoài nước. Không có nhiều việc làm nên Công ty phải tạm thời cắt giảm 60% nhân sự. Trong đó, một số nhân viên sẽ về làm việc ở một số trang trại của Công ty tại Đà Lạt, những người còn lại sẽ luân phiên làm việc để không ai phải ở nhà.

 

Cũng như ông Huy, nhiều chủ doanh nghiệp, nhân viên thất nghiệp cũng đã chuyển hướng chú ý tới việc rời thành phố về quê làm nông nghiệp sinh thái. Thống kê từ Vườn rừng sinh thái - Permaculture, Việt Nam đã đạt trên 7.460 thành viên, trong đó số lượng thành viên mới tham gia từ tháng 1.2020 đến nay đã tăng hơn 26% so với cùng kỳ.

“Mô hình nông nghiệp vườn rừng sinh thái được xây dựng dựa trên những mối ràng buộc của các quần thể cây và động vật và chu kỳ vận động tuần hoàn của tự nhiên tại một vùng nhất định, vừa có lợi cho con người mà không tàn phá hệ sinh thái tại vùng đó”, ông David Holmgren, nhà sáng lập tổ chức Permaculture Toàn cầu, chia sẻ.

Trên cơ bản, mô hình vườn rừng sinh thái hay nông nghiệp vĩnh cửu là làm nông không dùng hóa chất, không thâm canh, không cày xới, tận diệt cỏ dại, các thực vật trong vườn trao đổi năng lượng và bảo vệ lẫn nhau. “Việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và bảo vệ thực vật gây hại cho đất và nguồn nước ngầm. Số lượng côn trùng quan trọng trong hệ sinh thái cũng bị tiêu diệt gây ảnh hưởng không hề nhỏ tới cân bằng hệ sinh thái”, ông Bill Mollison, đồng sáng lập tổ chức Permaculture, cho biết thêm.

 

Ở Việt Nam, nhiều nông dân đã thử xây dựng mô hình Permaculture nhưng trên 80% là tự phát và không thể kiên trì quá 3 năm. Trong khi đó, theo các chuyên gia, mô hình nông nghiệp vĩnh cửu Permaculture rất khó đại trà một cách nhanh chóng, vì phụ thuộc vào vị trí địa lý, khí hậu và nhu cầu của địa phương mà những mô hình này sẽ có các hệ sinh thái khác nhau. Người phát triển mô hình này phần nhiều vì nuôi dưỡng tinh thần chứ chưa hẳn vì mục tiêu kinh tế. Vô tình đây lại là mô hình gây chú ý trong thời dịch như hiện nay. 

Tuy nhiên, nếu vì mục tiêu kinh tế thì nông nghiệp vẫn là một lựa chọn đầu tư tốt trong giai đoạn này, khi vấn đề an ninh lương thực đang ngày càng trầm trọng do lệnh cách ly mở rộng trên 190 quốc gia khiến việc sản xuất và cung cấp lương thực bị đình trệ. Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Didier Guillaume, chẳng hạn, mới đây đã phát đi thông điệp, khuyến khích những lao động bị thất nghiệp vì lệnh phong tỏa phòng chống COVID-19 đến giúp đỡ các nông dân trồng trọt và chăn nuôi khi mùa thu hoạch sắp tới. 

Vào ngày 12.3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có buổi làm việc với các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn để chia sẻ khó khăn, đồng thời lắng nghe những sáng kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19. Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco), cho biết: “Dù bối cảnh dịch bệnh khó khăn nhưng vẫn có cơ hội cho doanh nghiệp đầu tư phát triển, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp”.

“Thế giới đang có một sự sụp đổ lớn xảy ra. Có rất nhiều loại khủng hoảng và giải pháp cho tất cả những điều đó chính là cách chúng ta sắp xếp lại các hành động của mình đối với thế giới tự nhiên, từ đó chúng ta trở thành một nhân tố có ích cho Trái đất. Nông nghiệp vĩnh cửu Permaculture có kế hoạch thiết kế mà chúng ta cần”, Geoff Lawton, giảng viên Viện Nghiên cứu Permaculture, New South Wales, Úc, nhận xét.

Dịch bệnh như một lời cảnh cáo của thiên nhiên đối với loài người, mọi tầng lớp, quốc gia, tôn giáo đều không ngoại lệ. Toàn cầu như vào đợt ngủ đông âm thầm chờ đợi sự trở lại kỳ diệu của mùa xuân. Trân trọng mẹ thiên nhiên, trồng thêm cây, yêu thương thêm nhiều mầm sống, nuôi dưỡng trái tim biết ơn để vươn mình mạnh mẽ ngày COVID-19 rời xa.

*Bạn có thể theo dõi nội dung của bài viết trên kênh YouTube của Nhịp Cầu Đầu Tư:


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày