Startup

Những startup mở cánh cửa 2020

Hoàng Anh Thứ Năm | 23/01/2020 17:55

Sau màn gọi vốn triệu đô, các startup Việt này được kỳ vọng sẽ tạo nên những dấu ấn đột phá trong năm 2020 trên hành trình trở thành những kỳ lân.

Theo thông tin chia sẻ tại Hội thảo “Kết nối và phát huy các nguồn lực để startup Việt nhìn ra thế giới” tại TP.HCM mới đây, tổng nguồn vốn đầu tư vào khởi nghiệp Việt Nam trong năm 2019 lên đến hơn 800 triệu USD. Đáng chú ý là chất lượng startup của Việt Nam ngày càng tốt hơn so với trước đây, cho nên tỉ lệ đầu tư thành công cho các startup tại Vietnam Silicon Valley đạt khoảng 36-40%. Đây là tỉ lệ cao so với các nước trong khu vực.

Số vốn đầu tư cho các ý tưởng startup cũng đã tăng gấp 5 lần trong 7 năm gần đây. Năm 2012, các dự án startup công nghệ chỉ được đầu tư, hỗ trợ vốn khoảng 10.000USD cho mỗi ý tưởng, hiện nay con số này đã tăng lên đến 50.000USD. Sau 5 năm, hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam đã phát triển rất mạnh. Năm 2019, sự tham gia, hiểu biết của các doanh nghiệp khởi nghiệp thế giới chia sẻ với Việt Nam đều tăng hơn những năm trước. Cụ thể, trong năm nay, số lượng nhà đầu tư cho các startup Việt Nam đã tăng gấp 1,5 lần so với năm 2018.

Sự hòa nhập với cộng đồng startup thế giới cho giới trẻ khởi nghiệp Việt Nam tầm nhìn rộng hơn về thị trường và công nghệ. Đối với những nhà sáng lập, việc nắm bắt và theo kịp các xu hướng mới nhất là một trong những yếu tố quan trọng để đi tới thành công. Theo đó, ABCD được dự báo sẽ trở thành xu thế khởi nghiệp trong những năm tới với công nghệ nhận dạng giọng nói, trí tuệ nhân tạo (A.I), Blockchain, dữ liệu lớn (Big Data) và công nghệ đám mây (Cloud).

Từ tầm nhìn này, trong năm 2019, nhiều startup Việt đã trở thành những startup triệu đô sau nhiều vòng gọi vốn thành công và nhận được sự chú ý của cộng đồng đầu tư thế giới.

Telio 25 triệu USD

 

Nền tảng thương mại điện tử B2B Telio được thành lập tháng 11.2018 bởi một đội ngũ doanh nhân dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực dịch vụ công nghệ, bán lẻ, vận tải và tài chính. Nhà sáng lập và CEO Telio, ông Bùi Sỹ Phong, có trên 10 năm kinh nghiệm làm việc tại các đơn vị viễn thông và ngân hàng tại Pháp và Việt Nam.

Mới đây, Telio công bố nhận vốn 25 triệu USD trong vòng Series A, được dẫn dắt bởi Tiger Global, cùng các nhà đầu tư khác là Sequoia India, GGV Capital và RTP Global. Thế mạnh của Telio là chỉ cần sử dụng smartphone, chủ cửa hàng bán lẻ có thể dễ dàng tìm kiếm, lựa chọn và đặt các sản phẩm từ hàng loạt thương hiệu và nhà phân phối khác nhau. Với sản lượng bán hàng lớn, Telio có thể đưa ra mức giá tốt hơn và minh bạch hơn.

Nền tảng thương mại điện tử B2B Telio đã phát triển mạnh với doanh số tăng 70% theo từng tháng, phục vụ hơn 3.000 cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội và TP.HCM, cung cấp hơn 1/3 hàng hóa hằng tháng cho các cửa hàng bán lẻ này. Ngoài ra, trung bình mỗi tháng các cửa hàng này có 7 đơn hàng đặt qua nền tảng của Telio. Telio hiện có kế hoạch mở rộng tại 4 thành phố khác, ngoài Hà Nội, TP.HCM và đặt mục tiêu phục vụ 15.000 cửa hàng bán lẻ trước tháng 6.2020.

Elsa Speak  7 triệu USD

 

Với đợt gọi vốn thành công vòng series A, Elsa Speak nâng tổng mức gọi vốn đầu tư lên 12 triệu USD từ các quỹ nổi tiếng.

Elsa Speak là ứng dụng học nói tiếng Anh ra đời năm 2015, do cô gái người Việt Văn Đinh Hồng Vũ (Văn Vũ) và Tiến sĩ người Bồ Đào Nha Xavier Anguera, chuyên gia A.I và nhận diện giọng nói, đồng sáng lập. Elsa hiện có 4 triệu lượt người dùng từ hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới, lọt vào top 5 các ứng dụng A.I hàng đầu, cùng với Cortana của Microsoft và Google Allo của Google. Trong năm 2018, Công ty ghi nhận lượng học viên tăng 350% so với năm trước.

Sự hỗ trợ và nguồn lực từ Gradient Ventures rất phù hợp với trọng tâm chiến lược của Elsa là phát triển A.I hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nhận diện giọng nói. Nhà sáng lập cho biết Elsa đã xây dựng thành công A.I độc quyền trong nhận diện giọng nói với công nghệ học sâu (Deep Learning) đạt chính xác trên 95%.

Jio Health 5 triệu USD

 

Mỗi năm, người tiêu dùng Việt Nam chi trả khoảng 5 tỉ USD cho các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ và ước tính tăng khoảng 8-10% hằng năm. Đây là tiềm năng khiến các nhà đầu tư rót 5 triệu USD cho Jio Health trong vòng gọi vốn Series A do quỹ đầu tư mạo hiểm Monk’s Hill Ventures dẫn đầu. Jio Health cho biết Công ty sẽ sử dụng số tiền được đầu tư để tiếp tục mở rộng các dịch vụ và đáp ứng kỳ vọng tăng trưởng. Startup này cũng chia sẻ đang tìm cách mở rộng quy mô đội ngũ cung cấp dịch vụ chăm sóc và hoạt động tại Việt Nam.

Được thành lập vào năm 2014, Jio Health tận dụng công nghệ để cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo yêu cầu với giá cả phải chăng, bao gồm thăm khám bác sĩ tại nhà, điều dưỡng chăm sóc, tư vấn sức khỏe từ xa và quản lý bệnh án điện tử. 
Nguyễn Hoài Nam, Tổng Giám đốc Công ty Jio Health, cho biết sau hơn 2 năm có mặt tại Việt Nam, ứng dụng này đang từng bước tạo ra thói quen thăm khám tại nhà, góp phần kéo giảm tình trạng quá tải bệnh viện, hạ nguy cơ lây nhiễm chéo trong các đợt dịch.

Luxstay 4,5 triệu USD
 

 

Luxstay gây thêm sự chú ý trong năm rồi với việc công bố khoản đầu tư từ ca sĩ Sơn Tùng M-TP trong tư cách Chủ tịch Công ty M-TP Entertainment. Ra đời năm 2016, Luxstay là nền tảng kết nối cho thuê nhà ngắn hạn có mạng lưới chỗ ở (chung cư, biệt thự, homestay) ở phân khúc trung và cao cấp tại Việt Nam. Công ty đặt mục tiêu cán mốc doanh thu hằng năm trên 300 triệu USD vào năm 2023, chiếm lĩnh khoảng 30% thị phần thị trường home-sharing (chia sẻ nhà ở) tại Việt Nam.

Startup này vừa hoàn tất vòng gọi vốn Bridge với sự tham gia của 2 nhà đầu tư mới đến từ Hàn Quốc là GS Home Shopping (GS Shop) và Bon Angels, nâng tổng số tiền gọi được trong vòng này lên 4,5 triệu USD. Trước đó, Luxstay thông báo nhận được 3 triệu USD từ quỹ CyberAgent Ventures, Y1 Ventures và một số nhà đầu tư khác trong vòng Bridge, đồng thời cho biết có thể mở rộng tới 5 triệu USD do nhiều nhà đầu tư quan tâm. Bên cạnh đặt phòng, Luxstay cũng vừa ra mắt dịch vụ cho thuê xe có lái, đưa đón sân bay bằng xe VinFast sau khi CEO Nguyễn Văn Dũng đặt mua 36 chiếc năm 2019.

Rever  4 triệu USD
 

 


VinaCapital Ventures, thành viên của công ty quản lý quỹ VinaCapital, công bố đầu tư 4 triệu USD vào Rever, một công ty công nghệ môi giới bất động sản.

Rever được thành lập từ tháng 7.2016 bởi 3 thành viên Mạnh Phan, Lợi Võ và Minh Phan. Startup cung cấp các công cụ so sánh giá bằng cách sử dụng hệ thống phân tích dữ liệu thị trường, theo dõi danh sách tài sản đang niêm yết, kết hợp với công nghệ truyền thông tương tác, quản lý giao dịch trực tuyến. Công ty còn trang bị cho các môi giới hệ thống quản lý khách hàng (smart CRM) và cơ sở dữ liệu.

Ngoài môi giới bất động sản, Rever còn dự kiến bổ sung vào nền tảng của mình nhiều công cụ và dịch vụ có giá trị hơn, như giới thiệu cho vay mua nhà, thử nội thất kỹ thuật số, giải pháp nhà thông minh. 

Rever với khoảng 400 nhân viên môi giới đã thực hiện gần 2.000 giao dịch trong năm 2019.

Utop 3 triệu USD

 

Tập đoàn FPT của Việt Nam và Tập đoàn dịch vụ tài chính Nhật SBI Holdings đã cùng thành lập và đầu tư 3 triệu USD vào startup Utop, một ứng dụng kết nối mạng lưới doanh nghiệp, quản lý, hoán đổi điểm thưởng.

Utop được phát triển dựa trên akaChain - nền tảng công nghệ Blockchain (lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian). Nền tảng akaChain của FPT đang được triển khai và ứng dụng ở nhiều nước khác nhau trong nhiều lĩnh vực như tài chính, bảo hiểm, bán lẻ và chuỗi cung ứng...

Các doanh nghiệp và cửa hàng nhỏ lẻ hợp tác với Utop sẽ được tham gia vào mạng lưới kinh doanh rộng khắp cả nước, giúp kết nối hệ thống điểm thưởng với nhau. Khách hàng được sử dụng điểm thưởng tại bất cứ cửa hàng nào trong mạng lưới thành viên liên kết.

Theo ông Phạm Nguyên Vũ, Giám đốc nền tảng Utop, ứng dụng này được triển khai thí điểm trong trong hệ sinh thái của FPT cũng như các lĩnh vực bán lẻ, bảo hiểm và tài chính.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày