Tài Chính

Chứng khoán Yuanta: Việt Nam gần như không có rủi ro về khả năng thanh toán

Vũ Hoài Thứ Sáu | 11/10/2019 17:53

Việt Nam gần như không có rủi ro về khả năng thanh toán. Nguồn: VietnamFinance

Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết ở thời điểm hiện tại, về cơ bản Việt Nam gần như không có rủi ro về khả năng thanh toán...
Việt Nam gần như không có rủi ro về khả năng thanh toán. Nguồn: VietnamFinance

Ngày 10/10 vừa qua, hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s vừa đưa ra thông báo là sẽ xem xét hạ xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam, hiện đang ở mức Ba3. Việc xem xét sẽ diễn ra trong 3 tháng.

Nguyên nhân được đề cập là hãng này lưu ý về việc Chính phủ Việt Nam trì hoãn thanh toán một số nghĩa vụ nợ (không có thông tin chi tiết là nghĩa vụ nào) do những điểm yếu về thể chế. Thông tin cho thấy chủ nợ không có thiệt hại hoặc thiệt hại ở mức rất thấp. Moody’s đề cập khoảng trống điều tiết và các thủ tục hành chính dẫn đến việc chậm trễ thanh toán ảnh hưởng đến tín nhiệm và điều này có thể không phù hợp với mức xếp hạng hiện tại là Ba3.

Trong báo cáo cập nhật của mình, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) lưu ý rằng đây không phải là thông báo hạ tín nhiệm, thông báo chỉ nêu là sẽ xem xét đưa Việt Nam vào diện hạ bậc tín nhiệm. Và việc điều tra xem xét sẽ diễn ra trong vòng 3 tháng. Moody’s sẽ hạ tín nhiệm của Việt Nam nếu quá trình điều tra xem xét kết luận khoảng trống về hành chính vẫn tồn tại và gây ra rủi ro về việc chậm trả nợ trong tương lai.

Theo đánh giá của YSVN, việc bị hạ tín nhiệm sẽ ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn của quốc gia và doanh nghiệp, cụ thể là chi phí/lãi suất huy động vốn của chính phủ và các doanh nghiệp trong tương lai sẽ cao hơn do phần bù rủi ro cao hơn để có thể hấp dẫn nhà đầu tư. Theo đó, việc tăng chi phí vốn sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của đầu tư công và tăng trưởng kinh tế.

YSVN cho biết ở thời điểm hiện tại, về cơ bản Việt Nam gần như không có rủi ro về khả năng thanh toán do:

- Thứ nhất, dự trữ ngoại hối dồi dào ở mức xấp xỉ 70 tỷ USD, tương đương gần 14 tuần nhập khẩu;

- Thứ hai, cán cân thanh toán quốc tế thặng dư kỷ lục với 7,2 tỷ USD trong quý I/2019 nhờ thặng dư thương mại và đầu tư nước ngoài cao

 

- Thứ ba, việc thanh toán các nghĩa vụ nợ (khác) của Việt Nam vẫn đang diễn ra bình thường. Cụ thể là trong quý II/2019, Việt Nam đã thanh toán nợ gốc ngắn hạn 4,2 tỷ USD và dài hạn 1,4 tỷ USD (gồm tư nhân và chính phủ), theo đó cán cân tài chính giảm từ 7,2 tỷ USD xuống còn 0,8 tỷ USD;

- Thứ tư, thặng dư cán cân thương mại trong quý III/2019 tiếp tục duy trì ở mức cao (xấp xỉ 4 tỷ USD) cùng với đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng trưởng ổn định sẽ tiếp tục giúp Việt Nam mở rộng cán cân thanh toán quốc tế trong quý III/2019 qua đó nâng cao khả năng thanh toán. 

 

Theo thông tin mà YSVN cung cấp, Việt Nam được 3 tổ chức xếp hạng đánh giá là Moody’s, Fitch và S&P, riêng DBRS vẫn chưa đánh giá xếp hạng Việt Nam. Mức xếp hạng và đánh giá đều được cải thiện đáng kể nhờ sự cải thiện và ổn định vĩ mô của nền kinh tế trong 3 năm qua. Đồng thời, yếu tố này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động trái phiếu quốc tế với chi phí huy động thấp.

Bảng xếp hạng Việt Nam của các tổ chức. Nguồn: YSVN tổng hợp
Bảng xếp hạng Việt Nam của các tổ chức. Nguồn: YSVN tổng hợp

YSVN đánh giá với mức đánh giá tổng quan hiện tại, Việt Nam đang được đánh giá là thị trường mang tính chất đầu cơ và chưa thể đầu tư cho nên dòng tiền dịch chuyển vào Việt Nam sẽ luân chuyển nhanh, đặc biệt là thị trường chứng khoán. Do đó theo YSVN, Việt Nam cần cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, đặc biệt là trong thể chế và tăng độ mở của nền kinh tế như điều kiện tỷ lệ sở hữu cho các nhà đầu tư nước ngoài ở nhóm ngành kinh doanh có điều kiện.

Cũng xoay quanh vấn đề này, Công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) nhận xét, do hạng tín dụng của Việt Nam đang bị đánh giá lại, một số ngân hàng đứng đầu cũng có thể bị giảm hạng tín dụng khi Moody’s chỉ cho phép mức điểm tín dụng cao nhất của ngân hàng trong một quốc gia ngang bằng với hạng mức tín dụng của quốc gia đó. Cụ thể là: ACB, MBB, TCB, VCB.

Hơn nữa, việc điểm tín dụng bị suy giảm sẽ khiến mức lãi suất của các nhóm trái phiếu hay các khoản CDS tăng mạnh lại do nhà đầu tư ngoài nước sẽ đòi hỏi mức lãi suất cao hơn với các khoản nợ vay rủi ro. Điều này có thể sẽ gây tác động tiêu cực với các nhóm doanh nghiệp, tổ chức hoặc cơ quan chính phủ đã và đang phát hành trái phiếu cho các nhà đầu tư ngoài nước. Đặc biệt là trong công đoạn quản lý dòng tiền của hoạt động kinh doanh, hoạt động tài chính và các dự án trọng điểm.

Còn phía Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) việc Moody’s đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi hạ tín nhiệm là một thông tin đáng tiếc khi các chỉ báo riêng đo lường chất lượng tín dụng của các cổ phiếu ngân hàng trong danh mục theo dõi của VCSC đã ghi nhận sự cải thiện ổn định trong 2 năm qua. Ngoài ra, nếu việc điều chỉnh bậc tín nhiệm chính thức diễn ra, diễn biến này sẽ không phản ánh hợp lý các tiến bộ mà các ngân hàng đã thực hiện được.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày