Tài Chính

Cổ đông VIB chuẩn bị nhận cổ phiếu thưởng

Việt Hà Thứ Bảy | 29/05/2021 08:42

Hình ảnh tại Ngân hàng VIB. Ảnh: TL.

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (mã VIB) vừa thông báo về việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Hình ảnh tại Ngân hàng VIB. Ảnh: TL.

Theo đó, VIB dự kiến phát hành hơn 443,7 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỉ lệ 40%. Tức là với 10 cổ phiếu VIB, cổ đông sẽ nhận thêm được 4 cổ phiếu mới.

Nguồn vốn phát hành được trích từ Quỹ Dự trữ bổ sung vốn điều lệ và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của VIB tại thời điểm 31.12.2020. Theo thông tin được công bố, ngày 10.6 sắp tới sẽ là ngày đăng ký cuối cùng để phân bổ quyền. Như vậy, sau giao dịch vốn điều lệ của VIB sẽ tăng từ mức hơn 11.093 tỉ đồng lên mức hơn 15.531,4 tỉ đồng.

Trên thị trường, cổ phiếu VIB thuộc vào hàng top những cổ phiếu tăng mạnh nhất kể từ đầu năm 2021 đến nay. Cụ thể, lũy kế đến phiên 28.5, cổ phiếu VIB đã tăng hơn 98,5%, vượt qua mức tăng bình quân của các cổ phiếu ngân hàng 56,8% trong thời gian qua. Hiện tại, cổ phiếu VIB đang được giao dịch quanh mức giá 64.300 đồng/cổ phiếu, trở thành 1 trong 3 cổ phiếu ngân hàng có thị giá cao nhất (VCB, VPB và VIB).

 

Trong giai đoạn 2017-2020, VIB ghi nhận mức tăng trưởng bình quân 71,6% về lãi sau thuế, vượt trội hơn so với các ngân hàng cùng thế hệ 9x và cùng quy mô. Góp phần không nhỏ trong tốc độ tăng trưởng vũ bão này là tỉ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của VIB luôn duy trì mức khá cao trong suốt nhiều năm qua.

Tỉ lệ NIM cao được cấu thành do cơ cấu vốn của VIB rất đặc biệt so với các ngân hàng khác. VIB là một trong những ngân hàng có tỉ lệ vốn liên ngân hàng trong tổng nguồn vốn huy động cao nhất hệ thống, mặc dù đã giảm gần một nửa từ năm 2016, nhưng tỉ lệ này vẫn đang chiếm 19,2% trong cơ cấu huy động. Lãi suất “mềm” của thị trường liên ngân hàng đã giúp chi phí huy động vốn (COF) của VIB duy trì ở mức khá thấp, tính bình quân 5 năm chỉ ở mức 3,98%.

Không những sở hữu chi phí đầu vào thấp, VIB còn duy trì lãi suất đầu ra khá cao chủ yếu do dư nợ bán lẻ chiếm 84% tổng dư nợ toàn hàng, mức đột biến và là cao nhất trong toàn hệ thống. Trong đó phần lớn là các khoản vay trung, dài hạn mua nhà và ô tô, vì các khoản vay này có rủi ro và tỉ lệ lệch hạn cao hơn so với cho vay ngắn hạn, do đó lãi suất cho vay tương đối hấp dẫn.

Theo Công ty Chứng khoán VietinBank (CTS), tỉ lệ hộ gia đình sở hữu ô tô ở Việt Nam vẫn còn rất thấp (khoảng 2%). Dự phóng tăng trưởng của ngành ô tô trong thời gian tới ở mức 10,5-15%/năm. Với vị thế cho vay ô tô số 1 Việt Nam kể từ năm 2017 cho tới nay, VIB sẽ tiếp tục được hưởng lợi trực tiếp từ sự tăng trưởng của ngành ô tô.

* Có thể bạn quan tâm 

► Cổ phiếu ngân hàng dậy sóng nhưng BID vẫn 'giậm chân tại chỗ'

 Công thức tăng trưởng của VIB


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày