Tài Chính

Dầu lên, PLX cũng lên

Vũ Quỳnh Thứ Năm | 16/01/2020 14:00

Ảnh: Lê Toàn

Thay đổi của giá dầu thế giới khiến petrolimex (Plx) phải lên kế hoạch cho diễn biến mới của thị trường.
Ảnh: Lê Toàn

Ngay những ngày đầu năm, Mỹ đột ngột không kích và hạ sát tướng Iran  Soleimani, rồi Iran trả đũa Mỹ bằng cách phóng tên lửa vào các căn cứ không quân của Mỹ tại Iraq... Ngay lập tức, mặt hàng chiến lược dầu thô cũng tăng vọt lên 70 USD/thùng. Diễn biến này khiến các mã cổ phiếu xăng dầu như PLX, GAS, PVC, PVB... đều có đợt tăng ấn tượng bất chấp thị trường chứng khoán Việt Nam rung lắc.

Nổi trội với vị thế là doanh nghiệp xăng dầu hàng đầu Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã PLX) hiện bán ra hơn 50% sản lượng tiêu thụ xăng dầu cả nước. Theo Công ty Chứng khoán MBS, trong 9 tháng đầu năm 2019, Petrolimex đạt doanh thu hơn 140.000 tỉ đồng, bằng 99% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù giá dầu trung bình năm 2019 chỉ dao động ở mức 62 USD/thùng so với mức 75 USD/thùng năm 2018. Tính đến hết quý III/2019, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn đạt 4.369 tỉ đồng (tăng 11% so với cùng kỳ).

 

Năm 2018, Petrolimex cung cấp ra thị trường gần 13 triệu tấn xăng dầu, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt từ 4-6%/năm. Trong đó, sản lượng nội địa đạt gần 9,9 triệu tấn năm 2018, với CAGR 2015-2018 là 3,5%. Doanh nghiệp này hiện sở hữu mạng lưới cửa hàng, đại lý trên 63 tỉnh thành trên cả nước, với các vị trí giao thông thuận tiện, lưu lượng xe lớn. Hệ thống cửa hàng bán lẻ của Petrolimex gồm 2.700 cửa hàng bán lẻ trực tiếp và 2.800 cửa hàng thương mại khác. Doanh nghiệp này hiện có 22 cảng biển tiếp nhận tàu từ 1.000-150.000 DWT; 20 cảng sông tiếp nhận tàu 250-5.000 DWT; kho ngoại quan tiếp nhận tàu vận tải 150.000DWT; và hệ thống kho tàng có sức chứa 2,245 triệu m3 xăng dầu; hệ thống đường ống dẫn dầu trên 570km cùng đội ngũ xe bồn có tổng dung tích 200.000m3.

Ngoài cổ đông trọng yếu là Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước (chiếm gần 84%), Petrolimex còn có cổ đông chiến lược nước ngoài là Nippon Oil & Energy (JX NOE) đến từ Nhật. Đây là lợi thế của Petrolimex khi tiếp cận được kinh nghiệm vận hành quốc tế, cũng như nguồn tài nguyên vốn dồi dào từ đối tác chiến lược này. Đây còn là cửa ngõ để Petrolimex xuất khẩu xăng dầu vào thị trường Nhật, cũng như  các thị trường quốc tế, điều mà các đối thủ như PVOIL, MIPEC hay Saigon Petro chưa có lợi thế tương xứng.

Bên cạnh việc bán lẻ cho mục đích thông thường, Petrolimex còn kinh doanh xăng máy bay, thông qua Công ty Cổ phần Nhiên liệu bay Petrolimex Aviation (PA). Hiện PA là doanh nghiệp cung cấp 100% nhiên liệu cho đội bay Vietjet tại các sân bay Việt Nam, cũng như là đối tác mặt đất trọng yếu của các hãng bay như Emirates, Air France, Singapore Airlines.

Theo MBS, đầu tư vào Petrolimex có những điểm chú ý sau: (1) Petrolimex là doanh nghiệp có thị phần trọng yếu tại thị trường Việt Nam, vượt xa doanh nghiệp đứng thứ 2, trong khi Petrolimex đã phát triển được hệ thống cơ sở hạ tầng khép kín từ dự trữ đến bán lẻ; (2) hiệu quả kinh doanh vượt trội của hệ thống cửa hàng bán lẻ trực tiếp, trung bình khi Petrolimex triển khai từ 80-100 cửa hàng/mỗi năm; (3) tình hình tài chính lành mạnh, chính sách cổ tức tiền mặt hấp dẫn; và (4) nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tăng cao khi nền kinh tế phát triển, dự báo trung bình 4%/năm.

Tập đoàn đang có 6 dự án lớn trong đó có đầu tư dự án khí tự nhiên LNG. Đây là dự án phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để phát triển năng lượng sạch. Hai bên đã ký biên bản ghi nhớ để hợp tác. Tổng quy mô dự án khoảng 700 triệu USD. Thời gian tiến hành 5 năm (2021-2025) nếu được thông qua triển khai.

Năm 2020, MBS dự phóng sản lượng kinh doanh của Petrolimex tiếp tục tăng trưởng khoảng 4,2%, giá dầu dự kiến ở mức 68 USD/thùng. Doanh thu dự kiến đạt 209.950 tỉ đồng, tăng 11% so với năm 2019; lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt dự báo đạt 6.360 tỉ đồng và 5.088 tỉ đồng, tăng trưởng 8,4%. Dự phóng tới năm 2025, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn sẽ đạt 285.490 tỉ đồng và 6.931 tỉ đồng, tăng trưởng bình quân gần 6% và 8% trong giai đoạn 2018-2025.

 

Theo dự toán định giá của MBS, giá trị cổ phiếu PLX tiệm cận trong vùng 65.000 đồng/cổ phiếu. Giá trị trên là kết quả tổng hòa của các phương pháp định giá như chiết khẩu dòng tiền FCFE, EV/EBITDA, P/E và P/B. Theo thống kê của MBS, P/E trung bình ngành trong khu vực là 22,7x.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa công bố báo cáo nhận định về cổ phiếu sẽ được thêm mới hoặc loại ra trong rổ VN30 tại kỳ đánh giá tháng 1.2020. Theo tính toán của BVSC, VFMVN30 sẽ thực hiện mua vào khoảng 1,2 triệu cổ phiếu PLX và 4,6 triệu cổ phiếu POW, tương ứng tỉ trọng là 0,99% và 0,80%.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thị trường xăng dầu sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố xuất phát từ bên trong lẫn bên ngoài nền kinh tế. Có thể thấy giá xăng dầu và đồng USD vẫn là ẩn số khó lường. Giá xăng dầu đang có xu hướng phụ thuộc nhiều vào tình hình tại khu vực Trung Đông mà tâm điểm là căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Điều này sẽ tác động không nhỏ tới kế hoạch kinh doanh của Petrolimex trong năm 2020.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày