Tài Chính

Dòng vốn dồi dào chảy vào thị trường chứng khoán?

Vũ Hoài Thứ Sáu | 08/05/2020 09:04

Ảnh: Quý Hòa

Vừa qua, Bộ Tài chính đã đề xuất tăng hạn mức tín dụng cho ngành chứng khoán so với mức quy định 5%...
Ảnh: Quý Hòa

Theo báo cáo của Bộ Tài chính về “các giải pháp, đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp, tái khởi động nền kinh tế ứng phó với dịch COVID-19”, cơ quan này đề xuất một số giải pháp hỗ trợ thị trường chứng khoán.  

Các giải pháp này bao gồm lùi thời hạn tổ chức đại hội cổ đông thêm 3 tháng, tức hạn cuối cùng các doanh nghiệp tổ chức đại hội cổ đông là ngày 30.9.2020; giảm thời hạn công bố thông tin mua cổ phiếu quỹ (từ 7 ngày xuống còn 1-2 ngày); cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nếu đủ điều kiện được niêm yết trên thị trường chứng khoán; và tăng hạn mức tín dụng cho ngành chứng khoán so với mức quy định không lớn hơn 5% vốn điều lệ ngân hàng theo quy định hiện hành.

Những giải pháp này tác động ra sao đến thị trường chứng khoán Việt Nam?

 

Đối với đề xuất tăng hạn mức tín dụng cho ngành chứng khoán, báo cáo tài chính các ngân hàng hiện không bóc tách dư nợ tín dụng cho lĩnh vực chứng khoán. Tuy nhiên, theo nguồn từ Ủy ban Chứng khoán và Ngân hàng Nhà nước thì số dư nợ này hiện vào khoảng 30.452 tỉ đồng; trên tổng vốn điều lệ của hệ thống các tổ chức tín dụng là 612.288 tỉ đồng (cuối năm 2019 bao gồm cả ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần và khối ngân hàng liên doanh nước ngoài).

Như vậy dư nợ cho lĩnh vực chứng khoán trên tổng vốn điều lệ các tổ chức tín dụng theo 2 số trên đã xấp xỉ mốc trần 5% theo quy định hiện hành. Điều này cho thấy mốc 5% đang là rào cản cho dòng vốn tín dụng từ ngân hàng vào lĩnh vực chứng khoán. Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đánh giá việc được nới ra theo đề xuất của Bộ Tài chính sẽ giúp nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng chảy vào lĩnh vực chứng khoán dồi dào hơn.

Mặc dù vậy, KBSV đánh giá mức độ tác động cụ thể cần chờ xem đề xuất của Bộ Tài chính có được chấp thuận hay không và mức nới lên thêm bao nhiêu so với mức 5% trên vốn điều lệ như quy định hiện hành. Trước mắt, các hiệu ứng tích cực mới chỉ về mặt tâm lý.

Đối với đề xuất liên quan đến việc niêm yết các doanh nghiệp FDI, trên thực tế trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có khoảng 10 doanh nghiệp FDI niêm yết, đa phần là các doanh nghiệp vốn hóa vừa và nhỏ, niêm yết cách đây hơn 10 năm. Theo KBSV, đây là con số vô cùng thấp so với số lượng hàng chục ngàn doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam.

Việc nới lỏng các cơ chế, chính sách giúp kích thích các doanh nghiệp FDI quy mô lớn lên sàn niêm yết sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng hàng hóa chất lượng cao trên thị trường chứng khoán Việt Nam, giúp không chỉ thu hút nguồn tiền trong nước mà còn hướng đến nhóm nhà đầu tư nước ngoài vốn đang gặp khó khăn trong việc lựa chọn cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam do rào cản room ngoại.

Các cổ phiếu đều có lý do tăng giá, chiến lược hiện tại là gì?

Về diễn biến của thị trường chứng khoán hiện tại, chứng khoán Việt tiếp tục có phiên tăng điểm mạnh trong phiên 7.5 sau khi Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Xuân Phúc, cho phép mở cửa các dịch vụ kinh doanh không thiết yếu (ngoại trừ karaoke và vũ trường) và sau khi Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng 21 ngày qua.

 

Phản ứng trước thông tin trên, bộ đôi cổ phiếu bia SAB (+7%) và BHN (+3,3%) đồng loạt tăng giá mạnh trong phiên giao dịch 7.5. Các cổ phiếu ngành hàng không như VJC (+2,8%), HVN (+1,1%) cũng tăng giá sau khi Bộ Giao thông Vận tải cho phép bỏ giới hạn tần suất khai thác và các quy định về giãn cách hành khách từ ngày 7.5.

Cổ phiếu ngành thép như HPG (+6,3%), NKG (+1,8%) và cổ phiếu ngành hạ tầng như C4G (+13,6%), HBC (+4,4%) tiếp tục giao dịch khởi sắc sau khi số liệu của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy kết quả giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm của bộ này đạt hơn 99% kế hoạch đặt ra.

Cổ phiếu ngành chứng khoán như SSI (+1,9%), HCM (+3%) cũng giao dịch khởi sắc trong phiên 7.5 sau thông tin Bộ Tài chính đề xuất nới trần tín dụng cho lĩnh vực chứng khoán.

Về mặt phân tích kỹ thuật, KBSV đánh giá chỉ số VN-Index tiếp nối đà tăng điểm với diễn biến tăng tích cực về cuối phiên 7.5 giúp chỉ số tiến sát đỉnh cũ quanh khu vực 800 điểm.

Theo đánh giá của công ty chứng khoán này, cơ hội vượt đỉnh ngắn hạn tăng lên khi chỉ số nhận được thêm sự đồng thuận từ chỉ số VN30 (vượt cạnh trên mẫu hình tam giác và cũng đang tiếp cận đỉnh cũ). Tuy nhiên, KBSV cho rằng nhịp điều chỉnh theo dạng đi ngang vừa qua chưa đủ tạo nền tảng bền vững để có thể giúp thị trường tiếp nối đà tăng một cách ổn định.

Do đó, nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua đuổi, tạm thời đứng ngoài hoặc chờ nhịp tăng vượt đỉnh (vùng kháng cự mạnh kế tiếp đặt tại quanh 820 điểm) để đóng các vị thế ngắn hạn còn lại theo kỳ vọng.

* Có thể bạn quan tâm 

►Thị trường chứng khoán: Các hiệu ứng theo mùa sẽ không hiệu quả trong năm nay

► Chính thức giảm 50% phí, lệ phí chứng khoán


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày