Tài Chính

Đường lui của ATM

Hoàng Hà Thứ Hai | 29/08/2022 14:00

Trong thời gian tới, các ngân hàng cũng có thể tính toán việc cân đối lại mạng lưới ATM. Ảnh: Quý Hòa

Sự bùng nổ của các dịch vụ ngân hàng trực tuyến, fintech đang thu hẹp chỗ đứng của các cây ATM.
Trong thời gian tới, các ngân hàng cũng có thể tính toán việc cân đối lại mạng lưới ATM. Ảnh: Quý Hòa

Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), tỉ trọng các giao dịch rút tiền mặt qua ATM trên tổng các giao dịch xử lý qua hệ thống của NAPAS giảm mạnh từ 26% năm 2020 xuống còn 12%.

Ở chiều ngược lại, trong năm 2021 hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đạt mức tăng trưởng cao. Trong đó, kênh internet tăng 48,8% về số lượng và 32,6% về giá trị, qua kênh điện thoại di động tăng 76,2% và 87,5%; thanh toán qua QR Code lên đến 200% so với năm 2020.

Theo Vụ Thanh toán, trong 6 tháng đầu năm 2022, có 68% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng; 5,5 triệu tài khoản và khoảng 8,9 triệu thẻ ngân hàng được mở bằng phương thức điện tử eKYC (tính đến tháng 6/2022); 1,77 triệu tài khoản mobile money (tiền di động) đã được mở, trong đó hơn 67% được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa... 

 

“Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy các ngân hàng thương mại phải triển khai nhanh quá trình chuyển đổi số để thích ứng. Các ngân hàng đã có nhiều chính sách, giải pháp phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ trên nền tảng số”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký VNBA, cho biết.

10 năm trước, ngân hàng đầu tư hàng chục ngàn USD cho mỗi cây ATM và mở rộng phủ sóng ATM để thu hút khách hàng. Ngoài tiền mua thiết bị, họ còn phải chịu các chi phí khác như vận hành thiết bị, bao gồm mặt bằng, khấu hao, bảo trì thiết bị, chi phí quản lý và nhân sự, phần mềm. Tuy nhiên, thời điểm đó, bình quân mỗi cây ATM một năm đã cho ngân hàng thu lợi hàng trăm triệu đồng. Đó là chưa kể với tổng giá trị giao dịch đạt gần 200.000 tỉ đồng, mang về khoản phí không nhỏ từ các giao dịch liên mạng. Do vậy, ATM trở thành kênh huy động, luân chuyển tiền mặt hiệu quả của các ngân hàng. Ở thời kỳ phát triển, trên cả nước có gần 19.000 cây ATM.

Tuy nhiên, sau 1 thập kỷ, các ngân hàng Việt Nam đang trên đà đẩy mạnh chuyển đổi số để tăng lợi thế cạnh tranh so với các tổ chức tài chính và công ty fintech. Nhiều ngân hàng Việt Nam chuyển đổi số ở Top đầu hiện đã đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số. Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 đạt 70% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số.

Ở
Ở thời kỳ phát triển, trên cả nước có gần 19.000 cây ATM. Ảnh: Quý Hòa

Trước xu thế của mobile money, livebank, các ATM đã tỏ ra lỗi thời, buộc ngành ngân hàng phải tính lại bài toán ATM. Đây cũng là xu hướng toàn cầu, khi theo  Retail Banking Research, lượng máy ATM trên thế giới đã giảm lần đầu tiên trong năm 2018 xuống mốc 3,24 triệu máy. Từ đó đến nay, khách hàng ngày càng sử dụng nhiều các dịch vụ ngân hàng trực tuyến khiến sự phụ thuộc vào chi nhánh vật lý giảm xuống.

Theo lãnh đạo của Vietcombank, khách hàng giao dịch qua các kênh số của ngân hàng này đạt gần 9 triệu khách hàng, tăng hơn 5 triệu kể từ năm 2019 đến nay. Hiện quy mô giao dịch bình quân đạt gần 3 triệu giao dịch/ngày với khoảng 200 sản phẩm/dịch vụ/tiện ích số được cung ứng trên nền tảng số VCB Digibank.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank, cho hay, việc vận hành tiền mặt cũng như số lượng lao động để phục vụ các giao dịch về lưu thông tiền mặt chiếm một khoản chi phí tương đối lớn của Agribank. Vì vậy, thanh toán không dùng tiền mặt phát triển sẽ giúp tiết kiệm chi phí đáng kể.

 

Theo ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, cuộc cạnh tranh chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục trong nhiều năm tới. Điều này không chỉ phù hợp với xu hướng của thế giới mà còn thúc đẩy các ngân hàng liên tục phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ và thu hút khách hàng.

Một kết quả khảo sát tại các tổ chức tín dụng Việt Nam của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, số hóa giúp các ngân hàng tiết kiệm đến 60-70% chi phí. Trong thời gian tới, các ngân hàng cũng có thể tính toán việc cân đối lại mạng lưới ATM, chuyển một số ATM về vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn - những nơi thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn khó khăn trong triển khai và việc tiếp cận của người dân với các dịch vụ ngân hàng hiện đại chưa được tốt.

Đối với các khu vực nông thôn và nhóm khách hàng cao tuổi, đây là một vấn đề lớn do khu vực nông thôn thường thiếu cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để hỗ trợ thanh toán trực tuyến và khách hàng cao tuổi thường có thói quen sử dụng tiền mặt nhiều hơn. Bên cạnh đó, vẫn còn hàng triệu người, bao gồm cả người già, người khuyết tật và một số trường hợp đặc biệt vẫn chưa sẵn sàng với chuyển đổi số và vẫn cần đến máy ATM. Tuy nhiên, với chi phí vận hành ATM ngày càng lớn, các máy ATM lỗi thời sẽ sớm được thay thế.

Ngoài việc giảm số lượng ATM, nhiều ngân hàng cũng đang nâng cấp hệ thống ATM hiện đại. Chẳng hạn, nhiều cây ATM của Vietcombank đã được trang bị thêm tính năng mới là nộp tiền, rút tiền nhanh chóng bằng thẻ căn cước công dân gắn chip mà không cần phải sử dụng đến thẻ ATM của ngân hàng. Hay Agribank chuyển đổi thành các ATM đa chức năng như có thể mở tài khoản tiền gửi trực tuyến; giao dịch chuyển khoản linh hoạt trong hệ thống Agribank và liên ngân hàng lên tới gần 40 ngân hàng.
 


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày