Lợi nhuận của các ngân hàng có thể sẽ tăng khoảng 30%

Ông Michael Kokalari, CFA, Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital
Trong các lĩnh vực sẽ hưởng lợi trong năm 2022, chúng tôi đặc biệt đánh giá cao triển vọng của cổ phiếu ngành ngân hàng (chiếm đến 30% VN-Index), bất động sản (chiếm 23%) và hàng tiêu dùng không thiết yếu (chiếm khoảng 3%).
Năm 2022, đối với nhóm ngành ngân hàng, lợi nhuận của các ngân hàng có thể sẽ tăng khoảng 30% nhờ tăng trưởng tín dụng ước đạt 14% và sẽ ít bị ảnh hưởng bởi COVID-19 hơn. Cụ thể, các vấn đề về chất lượng tài sản sẽ ít ảnh hưởng đến lợi nhuận và các ngân hàng (nhất là các ngân hàng thương mại nhà nước) sẽ không phải tiếp tục hy sinh lợi nhuận để hỗ trợ nền kinh tế, chẳng hạn như sẽ không tiếp tục cho vay với lãi suất ưu đãi trong năm nay.
![]() |
Cụ thể, lợi nhuận của các ngân hàng Việt Nam sẽ được hỗ trợ bởi:
1) cơ cấu khoản vay được cải thiện với nhiều đối tượng vay là cá nhân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ hơn.
2) chi phí vốn thấp hơn, nhờ huy động được nhiều hơn từ các tài khoản tiết kiệm vãng lai chi phí thấp. Ngoài ra, các biện pháp giãn nợ của Chính phủ sẽ hỗ trợ các ngân hàng bù đắp các khoản lỗ cho vay vì COVID-19 trong hơn 3 năm và giúp cải thiện lợi nhuận của các ngân hàng ngay trong năm nay. Tuy nhiên, không cần quá quan tâm đến các vấn đề chất lượng tài sản. Chúng tôi ước tính rằng hơn 1/3 tổn thất khi cho vay mà các ngân hàng có thể phải hứng chịu do ảnh hưởng của COVID-19 đã được trích lập dự phòng, và đa số các khoản vay đều được thế chấp bằng bất động sản và giá bất động sản đã liên tục tăng trong hai năm qua.
![]() |
Mặc dù lạc quan về triển vọng chung của ngành nhưng tăng trưởng lợi nhuận của từng ngân hàng sẽ có mức dao động từ khoảng 6% đến 50%, do có sự khác biệt lớn trong tăng trưởng tín dụng của từng đơn vị vì Ngân hàng Nhà nước sẽ phân bổ hạn ngạch dựa trên chất lượng tài sản – vốn có sự chênh lệch giữa các ngân hàng Việt Nam, theo đó, mức tăng trưởng tín dụng trung bình có thể đạt 14% trong năm nay. Ngoài ra, có nhiều yếu tố đặc trưng có thể ảnh hưởng đến cả lợi nhuận và giá cổ phiếu của các ngân hàng, bao gồm các giao dịch bancassurance với các công ty bảo hiểm nước ngoài (thường phát sinh các khoản trả trước khá lớn) và các câu chuyện về tài trợ quay vòng /tái cơ cấu.
Đối với ngành bất động sản, chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận của các công ty trong lĩnh vực này sẽ tăng khoảng 25% trong năm 2022, nhờ doanh số bán/đặt mua các căn hộ mới sẽ tăng gần gấp đôi sau khi đã giảm hơn 50% trong năm 2021 do ảnh hưởng bởi các đợt giãn cách xã hội nhằm phòng chống COVID-19, và vấn đề pháp lý/quy định có liên quan đang được sửa đổi. Ngoài ra, lợi nhuận của các công ty có doanh thu định kỳ (ví dụ: công ty môi giới bất động sản và chủ sở hữu/công ty vận hành các trung tâm mua sắm) cũng sẽ tăng trong năm nay.
Trong bối cảnh lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn duy trì ở mức thấp, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục lựa chọn kênh bất động sản để rót tiền. Giá căn hộ ở Hà Nội và TP. HCM đã tăng khoảng 10% trong năm 2021, đồng thời nhu cầu mua nhà để ở hoặc đầu tư bị dồn nén trong thời gian qua sẽ dẫn đến sự gia tăng về số lượng đặt mua trước các dự án mới, và dĩ nhiên giá bất động sản sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022.
Một ngành khác cũng hưởng lợi trực tiếp từ phục hồi kinh tế nội địa là lĩnh vực tiêu dùng. Chi tiêu của người dân Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh năm 2022. Chúng tôi cho rằng đại dịch đã thúc đẩy xu hướng mua sắm thông qua kênh bán lẻ hiện đại và sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, do thu nhập bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch, một số người đã chuyển qua mua các sản phẩm rẻ hơn, do đó doanh số của một số mặt hàng không thiết yếu hoặc phân khúc cao cấp sẽ khó phục hồi về mức trước COVID-19 trong năm nay.
(*) Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital.
Có thể bạn quan tâm
Năm triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư