Tài Chính

Lạm phát qua đỉnh

Khổng Hiệp Thứ Hai | 12/10/2020 08:00

Ảnh: Qúy Hòa

Dù còn diễn biến phức tạp nhưng lạm phát đang tiếp tục hạ nhiệt.
Ảnh: Qúy Hòa

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 chỉ tăng nhẹ 0,12% so với tháng trước, qua đó kéo lạm phát trung bình 9 tháng đầu năm xuống 3,85%, thấp hơn mức trung bình của 8 tháng là 3,96%. Theo Công ty Chứng khoán Mirae Asset, trong CPI tháng 9, giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống chỉ tăng nhẹ so với tháng trước (+0,31%), nhóm giao thông thậm chí giảm (-0,12%), tăng giá mạnh nhất là nhóm giáo dục (+2,08%). Tuy nhiên, đây chỉ là do tác động của mùa khai giảng năm học mới và sẽ không kéo dài.

Một trong những yếu tố chính ảnh hưởng đến lạm phát năm nay là giá thịt heo. Có thể thấy, dịch heo tai xanh đã làm giảm đáng kể số lượng đàn heo nuôi trong nước. Cục Chăn nuôi vẫn đang triển khai các chính sách thúc đẩy nông dân tái đàn để tăng nguồn cung nhằm kéo giá thịt heo xuống 70.000 đồng/kg. Tuy nhiên, các nguyên nhân khó lường vẫn đang chi phối đà hồi phục của lượng heo trong nước. Trước hết là dịch bệnh ở heo tuy đã giảm nhưng vẫn chưa kết thúc do chưa có vaccine cũng như thuốc đặc trị. 

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, chủ trại chăn nuôi ở Thống Nhất (Đồng Nai),  thời gian qua, giá heo giảm là do dân bán chạy dịch chứ việc tái đàn không được như mong đợi. Nhiều trang trại tái đàn hay mở rộng từ giữa năm trở lại đây đã dính dịch bệnh nên buộc phải bán heo ra khi chưa đủ trọng lượng, làm tăng nguồn cung tạm thời.

Ảnh: Qúy Hòa
Ảnh: Qúy Hòa

Dù vậy, giá heo hơi cũng sẽ khó tăng mạnh lên mức như hồi đầu năm nay. Bởi vì, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã chấp thuận cho 19 quốc gia được xuất khẩu thịt heo và sản phẩm thịt heo vào Việt Nam và hiện có hơn 800 doanh nghiệp đã đủ tiêu chuẩn.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, cho biết vào thời điểm giá heo hơi gần chạm mốc 100.000 đồng/kg, nhiều doanh nghiệp trong nước nhập heo từ Thái Lan góp phần làm giá heo hạ nhiệt. Đến khi giá heo hơi trong nước xuống dưới mức 80.000 đồng/kg, các doanh nghiệp này ngừng nhập khẩu vì không còn lợi nhuận.

 

Yếu tố nổi bật thứ 2 ảnh hưởng đến lạm phát là giá xăng dầu. Giá dầu WTI vẫn quanh mức 40 USD/thùng trong suốt 4 tháng qua. Tuy nhiên, giới chuyên gia nghĩ đến kịch bản giá dầu sắp tới sẽ rớt khỏi mốc này. Ông Bill O’Grady, Phó Chủ tịch Confluence Investment Management ở St. Louis, Mỹ, cho biết, 2 yếu tố có khả năng làm giá dầu tiếp tục giảm nhiều hơn: (1) có thể sẽ không có gói hỗ trợ tài chính mới đủ lớn để kích cầu; (2) rủi ro các thỏa thuận giữ giá dầu giữa các đồng minh trong khối OPEC là kém tin cậy.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, lạm phát năm nay được kỳ vọng sẽ giữ ở mức ổn định thấp, do dịch COVID-19 vẫn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp. Điều này dẫn đến tâm lý thận trọng hơn trong chi tiêu của các hộ gia đình.
Theo kết quả thăm dò của Công ty Nghiên cứu thị trường Infocus Mekong Research, niềm tin người tiêu dùng Việt Nam đã giảm xuống mức thấp chưa từng thấy trong ít nhất 20 năm qua.

Cụ thể, chỉ có 5% số người được hỏi cho biết họ tin rằng nền kinh tế năm nay sẽ tốt hơn năm ngoái. Ông Ralf Matthaes, Giám đốc Điều hành Infocus Mekong Research, đánh giá: “Rõ ràng, mọi người ra ngoài ít hơn và ở nhà nhiều hơn. Nguyên nhân đầu tiên là do hành vi, họ đi ra ngoài ít thường xuyên hơn; và thứ 2 là vấn đề về tài chính”.

Ngân hàng HSBC dự báo lạm phát năm 2020 của Việt Nam sẽ ở mức trung bình 3,4% vì thực phẩm còn xu hướng tăng (dự báo trước đây là 3,3%). Do lạm phát đang giảm và phục hồi chậm hơn dự kiến, việc có thêm các chính sách hỗ trợ tiền tệ là cần thiết.

 

Dưới góc độ tiền tệ, tính đến hiện tại, tổng phương tiện thanh toán tăng 7,7% so với đầu năm, trong khi huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng ở mức tương đương trong khi tín dụng chỉ tăng hơn 5%. Tiền tiếp tục bị dồn ứ ở ngân hàng, chảy ra nền kinh tế, cụ thể là tiêu dùng lại không bao nhiêu. Vì vậy, lạm phát nếu tăng mạnh là điều quá khó.

Các chuyên gia nhận định, hoàn toàn có thể kiểm soát được lạm phát tăng dưới 4% trong năm nay. Mặc dù vậy, những tháng cuối năm đầu tư cũng như tiêu thụ hàng hóa thường được đẩy mạnh nên thường làm lạm phát dễ tăng. Mặc dù, lạm phát vẫn dưới mức 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra, song CPI tăng 3,85% vẫn là mức tăng cao nhất trong 5 năm qua. Cùng với đó, Chính phủ đang đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nên việc kiểm soát lạm phát từ nay đến cuối năm vẫn đòi hỏi nhiều nỗ lực


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày