Tài Chính

Nhà đầu tư cá nhân đã bán ròng hơn 6 ngàn tỉ đồng trong quý II/2022

Nhật Lệ Thứ Ba | 05/07/2022 13:00

Hình ảnh tại Công ty Chứng khoán Mirae Asset. Ảnh: Quý Hòa.

Tính đến nay, chỉ số VN-Index đã giảm hơn 20% từ đỉnh cùng với sự sụt giảm đáng kể về thanh khoản trên thị trường.
Hình ảnh tại Công ty Chứng khoán Mirae Asset. Ảnh: Quý Hòa.

Chỉ trong tháng 5/2022, thị trường có 476.332 tài khoản của nhà đầu tư cá nhân được mở mới, một kỷ lục trong hơn 21 năm hình thành và phát triển của thị trường chứng khoán. Con số này bỏ xa kỷ lục 270.000 tài khoản mở mới trong tháng 3/2022, theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán. Những tưởng nhà đầu tư cá nhân sẽ tiếp tục trở thành động lực để thị trường chinh phục những vùng giá mới. Tuy nhiên, rủi ro từ tình hình vĩ mô thế giới cùng những cú sụt giảm bất ngờ đã khiến tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn rất nhiều. 

 

Thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh, với giá trị giao dịch hàng ngày đang ở mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua, phản ánh tâm lý e dè của nhà đầu tư sau nhiều tháng thị trường sụt giảm mạnh. Kể từ tháng 11/2021, giá trị giao dịch bình quân hàng ngày đã liên tục giảm từ mốc hơn 30.000  tỉ đồng/ngày xuống còn khoảng 13.000 tỉ đồng vào tháng 6/2022.

Số liệu từ Công ty Chứng khoán Mirae Asset, các nhà đầu tư cá nhân trong nước (chiếm 86% tổng giá trị giao dịch), từng được xem là động lực thúc đẩy thanh khoản thị trường bứt phá và mua ròng xuyên suốt trên thị trường trong năm 2021, đã bán mạnh trong quý II/2022 với giá trị bán ròng gần 6.500 tỉ đồng (so với mức mua ròng trong quý I/2022 là hơn 12.500 tỉ đồng, năm 2021 là 88.800 tỉ đồng).

Trái với sự bi quan của nhà đầu tư cá nhân trong nước, khối ngoại (chiếm khoảng 8% tổng giá trị giao dịch) quay trở lại mua ròng trong quý II/2022 với giá trị 9.300 tỉ đồng, sau khi đã bán ròng khoảng 7.300 tỉ đồng trong quý I/2022 và 58.400 tỉ đồng trong năm 2021. 

 

Theo Mirae Asset, ngoài các vấn đề và rủi ro toàn cầu đang đối mặt, các cuộc điều tra vi phạm thao túng thị trường chứng khoán trong nước và Chính phủ bắt đầu siết chặt điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp giúp lành mạnh hóa thị trường (bắt đầu từ tháng 4) đã khiến các nhà đầu tư bán tháo do tâm lý e ngại bất ổn trong ngắn hạn. Sau nhiều tháng giảm sâu liên tiếp, thanh khoản thị trường chứng khoán giảm sút, phản ánh tâm lý e dè của nhà đầu tư. Kết quả là, chỉ số VN-Index đã giảm 24,5% từ mức đỉnh 1.530 điểm vào đầu tháng 4 xuống mức thấp nhất trong năm là 1.156 điểm, trước khi đóng cửa tháng 6 ở mức 1.197,6 điểm (giảm 20% kể từ đầu năm).

Kết quả thống kê của Mirae Asset cho thấy suất sinh lời của VN-Index có mối tương quan với tăng trưởng EPS (ngoại trừ các năm 2016, 2019 và 2020). Trong khi đó, tăng trưởng EPS năm 2022 được Mirae Asset dự báo khoảng 17,5% so với cùng kỳ (phù hợp với mức đồng thuận của thị trường hiện tại là 18%) trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang trong quá trình phục hồi sau COVID-19, VN-Index lại giảm 20% trong nửa đầu năm. Điều này có nghĩa là, định giá của VN-Index đã chiết khấu đáng kể các rủi ro liên quan đến từ “stagflation” (đình lạm) toàn cầu, với P/E giảm từ mức trung bình 10 năm cộng 1 độ lệch chuẩn (SD) xuống mức trung bình 10 năm trừ 1 SD. Trên cơ sở này Mirae Asset kỳ vọng VN-Index sẽ phục hồi trong nửa cuối năm nay. 

Có thể bạn quan tâm:

Tiền tỉ phú dò đáy VN-Index


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày