Tài Chính

Ở kịch bản dịch bệnh được kiểm soát trong tháng 8, chỉ số VN-Index cán mốc 1.440?

Nhật Lệ Thứ Năm | 05/08/2021 15:40

Hình ảnh nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ảnh: TL.

Ở kịch bản dịch bệnh được kiểm soát trong tháng 8, chỉ số VN-Index có thể cán mốc 1.440 điểm trong phần còn lại của năm 2021.
Hình ảnh nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ảnh: TL.

Sau khi điều chỉnh mạnh trong tháng 7, tính chung, VN-Index tăng gần 19% trong 7 tháng đầu năm 2021, vượt trội hơn hết so với nhiều thị trường khác như Mỹ (+18%), Đài Loan (+17%), Hàn Quốc (+11%), Singapore (+11%), chỉ số MSCI các thị trường cận biên (+12%), MSCI các thị trường phát triển (+18%).  Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, với tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) vượt trội và tiềm tăng trưởng EPS cao, mức định giá của VN-Index được định vị trong vùng tương đối thấp.

Sau khi thị trường điều chỉnh mạnh và thị trường bắt đầu hấp thụ kết quả tăng trưởng lợi nhuận quý II, hiện tại VN-Index đang giao dịch ở mức P/E 16,8 lần, dưới đường trung bình 10 năm cộng 1 độ lệch chuẩn (17,3x). Xem xét vùng đỉnh định giá trước đó được thiết lập vào tháng 4/2018 là tại mức P/E 22 lần, mức định giá hiện tại thấp hơn 31%.

Tương ứng với mỗi mức EPS kỳ vọng, sẽ là vùng điểm dao động của VN-Index. Nguồn: Mirae Asset
Tương ứng với mỗi mức EPS kỳ vọng, sẽ là vùng điểm dao động của VN-Index. Nguồn: Mirae Asset

Do đó, Mirae Asset đánh giá mức định giá P/E hiện nay của thị trường chứng khoán Việt Nam đã quay về mức hấp dẫn. Đối với các thị trường khác, Mỹ, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Singapore đang có mức định giá P/E tiệm cận hoặc vượt khỏi vùng định giá P/E trung bình 10 năm cộng 2 độ lệch chuẩn.

Theo dữ liệu thống kê của Bloomberg về mức kỳ vọng tăng trưởng EPS năm 2021/2022/2023 lần lượt là 35%/18%/17%. Điều đó cho thấy sự lạc quan của thị trường mặc dù dịch bệnh chưa được kiểm soát.

Mặc dù dịch bệnh tác động đến 2 tháng cuối quý II, mức tăng trưởng lợi nhuận quý II vẫn duy trì ở mức cao. Tính đến ngày 30/7, hơn 70% doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE đã có báo cáo kết quả kinh doanh quý II (chiếm khoảng 92% vốn hóa). Theo ước tính của Mirae Asset, tổng lợi nhuận sau thuế quý II của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE tăng hơn 59% so với cùng kỳ, lũy kế 6 tháng đầu năm tăng khoảng 69% so với cùng kỳ.

 

Do đó, Mirae Asset cho biết họ giữ nguyên kỳ vọng tăng trưởng EPS năm nay khoảng 33% trong trường hợp lạc quan nhất (dịch bệnh sớm được kiểm soát trong tháng 8). Ngược lại, trong trường hợp xấu, dịch bệnh kéo dài đến cuối tháng 10, mức tăng trưởng EPS chỉ kỳ vọng ở mức 28%. Tương ứng với mức tăng EPS kỳ vọng, Mirae Asset điều chỉnh dự phóng VN-Index trong khoảng 1.222 đến 1.440 điểm đến cuối năm, với mục tiêu cơ sở là 1.350 điểm.

Việc kiểm soát dịch nhanh hay chậm đang là biến số đối với nền kinh tế chung, hoạt động của các doanh nghiệp nói riêng. Do đó, công ty chứng khoán này kỳ vọng độ biến động của thị trường trong ngắn hạn sẽ tiếp tục gia tăng.

Hiện tại, tiêu dùng trong nước có dấu hiệu chậm lại và bị tác động đáng kể bởi dịch bệnh; trong khi đó, dòng vốn FDI, xuất khẩu, đầu tư công tiếp tục là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh đó, ngành bất động sản khu công nghiệp, ngành cảng biển, logistic, các doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng sẽ có triển vọng tốt. Ngoài ra, xem xét lại bài học từ đợt dịch năm 2020, Mirae Asset cho biets họ nhận thấy nhóm ngành công nghệ thông tin, nguyên vật liệu, ngân hàng, chứng khoán là các nhóm ngành ít bị ảnh hưởng bởi dịch.

Có thể thấy, sau khi đã điều chỉnh lúc “cần điều chỉnh”, thị trường chứng khoán Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội đối với nhà đầu tư trong những tháng cuối năm 2021.

Có thể bạn quan tâm 

Phía sau đà tăng mạnh của các cổ phiếu ngành phân bón


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày