Tài Chính

Rủi ro của thị trường chứng khoán có tiếp tục gia tăng?

Song Luân Thứ Ba | 11/01/2022 13:17

Hình ảnh nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ảnh: TL.

Sau phiên giảm điểm mạnh nhất từ đầu tháng 12/2021, rủi ro của thị trường liệu có tiếp tục gia tăng?
Hình ảnh nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ảnh: TL.

Thị trường trong nước có phiên điều chỉnh mạnh kể từ đầu tháng 12/2021, phiên này chỉ số VN-Index thậm chí đã lập kỷ lục trong phiên, đà giảm mạnh diễn ra trong phiên chiều khi hiện tượng nghẽn lệnh xảy ra. Các nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ chịu áp lực chốt lời mạnh khi cả 2 nhóm này đang có mức tăng mạnh trong thời gian 6 tháng gần đây. 

 

Kết thúc phiên giao dịch 10/11, chỉ số VN-Index giảm 24,77 điểm còn 1.503,71 điểm, trong khi đó chỉ số VN30 giảm 17,54 điểm xuống 1.514,7 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán, toàn thị trường có 140 mã tăng/308 mã giảm, ở rổ VN30 có 4 mã tăng/24 mã giảm.  

Ở phiên giao dịch này, thanh khoản toàn thị trường tăng lên 39.475 tỉ đồng so với mức bình quân 29.780 tỉ đồng trong tuần trước. Đây cũng là phiên thứ 5 khối lượng giao dịch sàn HOSE đạt trên 1 tỉ cổ phiếu và ¾ lần trước, thị trường đều tăng điểm phiên sau đó. Khối ngoại tiếp tục bán ròng 412 tỉ đồng trên toàn thị trường.  Theo góc nhìn của Công ty Chứng khoán MB (MBS), một phiên giảm mạnh kể từ đầu tháng 12/2021 khiến nhà đầu tư rơi vào trạng thái bị động khi sàn HOSE gặp sự cố giao dịch trong phiên chiều. Các nhóm cổ phiếu đã tăng mạnh trước đó như nhóm vốn hóa vừa và nhỏ ngay lập tức chịu áp lực chốt lời mạnh nhất thị trường. Do vậy, biến động thị trường trong phiên này diễn ra rất mạnh, nhiều cổ phiếu tăng trần hoặc gần trần gặp áp lực chốt lời, thậm chí đóng cửa ở mức giá sàn. 

MBS cho rằng, mức biến động này là bất thường vì không có bất kỳ thông tin nào bất lợi xuất hiện cả trong và ngoài nước. Thống kê cho thấy, ¾ lần gần đây khi thị trường đạt thanh khoản trên 1 tỉ cổ phiếu thì phiên sau đó thị trường đều tăng điểm. Về kỹ thuật, MBS cho rằng, thị trường có thể kiểm định lại ngưỡng tâm lý 1.500 điểm và phục hồi.

 

Còn theo góc nhìn của Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), trong kịch bản tiêu cực, nếu áp lực bán tiếp tục gia tăng và ngưỡng 1.500 điểm bị xuyên thủng thì VN-Index có thể sẽ cần lui về vùng hỗ trợ tiếp theo trong khoảng 1.475-1.490 điểm (MA20-50). Tuy nhiên, SHS đánh giá khả năng xảy ra kịch bản tiêu cực là không cao và phiên giảm 10/1 có nét giống với các phiên điều chỉnh trước đó như phiên 23/12/2021 và phiên 6/12/2021. Do đó, trong phiên giao dịch 11/1, VN-Index có thể sẽ hồi phục trở lại nếu ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.500 điểm được giữ vững. Nhà đầu tư đã chốt lời một phần danh mục trong phiên 4/1/2022 để đưa tỉ trọng về mức cân bằng có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu, có thể gia tăng tỉ trọng nếu thị trường test vùng 1.475-1.490 điểm (MA20-50) trong phiên tới.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại vùng 1.490 - 1.500 điểm trong phiên giao dịch kế tiếp. Đồng thời, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy cho thấy xu hướng tăng ngắn hạn có thể sẽ chững lại và áp lực điều chỉnh có thể gia tăng trong ngắn hạn. Điểm tiêu cực là dòng tiền tăng mạnh ở nhịp giảm cho thấy rủi ro tăng dần, nhưng phiên 10/01/2022 vẫn chưa xem là phiên phân phối đỉnh cho nên các nhà đầu tư ngắn hạn cần hạn chế bán đuổi ở các nhịp giảm mạnh của thị trường. Theo Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, xu hướng ngắn hạn của thị trường chung bị hạ từ mức tăng xuống trung tính. Do đó, công ty chứng khoán này khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỉ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và tạm thời dừng mua mới để quan sát diễn biến thị trường ở phiên giao dịch tới.

Có thể bạn quan tâm 

Kỷ lục chưa từng có trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư đua nhau đầu tư đua nhau mở tài khoản


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày