Tài Chính

Sáng rực cổ phiếu thép

Kim Anh Chủ Nhật | 27/12/2020 16:26

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: TL.

Đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã có cơ sở để khẳng định năm 2020 là một năm thành công đối với các doanh nghiệp ngành thép.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: TL.

Từ sau khi dịch COVID-19 diễn ra, các cổ phiếu ngành thép đã có nhịp tăng giá vượt trội so với chỉ số VN-Index. Tính từ đáy COVID-19 vào tháng 4/2020, chỉ số VN-Index đã hồi phục 62%, lên mức 1.055 điểm (nửa cuối tháng 12).

Tuy nhiên, việc hưởng lợi trực tiếp từ sự khan hiếm nguyên liệu cũng như gia tăng nhu cầu thép từ Trung Quốc đã giúp các cổ phiếu thép ghi nhận mức tăng giá vượt trội so với VN-Index.

 

Theo số liệu thống kê của NCĐT, kể từ vùng đáy tháng 4.2020 đến nay (25.12) giá cổ phiếu của Thép Hòa Phát (HPG), Tôn Hoa Sen (HSG) và Thép Nam Kim (NKG), ghi nhận mức tăng giá lần lượt đạt 196%, 402% và 251%. Và đây cũng là những công ty có sự cải thiện rõ rệt trong hoạt động kinh doanh và tăng trưởng lợi nhuận ròng mạnh trong năm 2020.

Công ty Chứng khoán Mirae Asset đánh giá ngành thép đã thể hiện sự phân hóa rõ ràng giữa nhóm các công ty đầu ngành so với phần còn lại. Trong triển vọng ngành thép – tôn mạ năm 2021, Thép Hòa Phát, Tôn Hoa Sen và Thép Nam Kim cũng được Mirae Asset đánh giá tiếp tục dẫn đầu lợi nhuận toàn ngành và hưởng lợi lớn nhất từ sự tăng giá HRC.  

So với kỳ vọng khi dịch COVID-19 bắt đầu diễn ra, cổ phiếu ngành thép các nước kiểm soát dịch tốt như Việt Nam, Đài Loan hay Malaysia đều có mức lợi nhuận vượt trội so với với kỳ vọng. Tăng trưởng giá cổ phiếu ngành thép Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2020 đạt 47,5%, cao nhất khi so sánh với các nước trong khu vực như Thái Lan (35%), Đài Loan (42%) hay Indonesia (31%).

Mirae Asset đánh giá việc các cổ phiếu ngành thép tăng nhanh trong giai đoạn từ giữa quý II/2020 đến nay đã khiến mặt bằng định giá của các cổ phiếu ngành thép của Việt Nam nâng lên mức hợp lý, tương đương với mức P/E 9,8x và EV/EBITDA 6,1x. Hiện nay, định giá trung bình ngành thép khu vực Châu Á đang được giao dịch ở mức P/E 10x và EV/EBITDA 5,3x, và gần như không có sự chênh lệch với mức định giá của ngành thép trong nước.

Nguồn: Mirae Asset.
Nguồn: Mirae Asset.

Nhìn về triển vọng 2021, Mirae Asset ước tính tăng trưởng sản lượng sản xuất ngành thép năm 2021 đạt 15,7%, qua đó P/E và EV/EBITDA 2021F đạt 8,1x và 4,2x, tương đương với mức kỳ vọng lợi nhuận tối thiểu cho cả năm 2021F đạt 20%.

Thêm vào đó, cầu ngành thép vốn liên quan trực tiếp đến ngành bất động sản. Tuy nhiên, do diễn biến dịch COVID-19 khiến ngành bất động sản không thực sự sôi động trong năm 2020. Điểm sáng nhất của ngành giúp cho sản lượng không bị suy giảm quá sâu đến từ việc kích cầu đầu tư công của Chính phủ cũng như nhu cầu rất lớn đến từ Trung Quốc.

Trong năm 2021, Mirae Asset cho rằng ngành bất động sản lẫn xây dựng sẽ hồi phục, qua đó thúc đẩy sản lượng toàn ngành thép. Trong đó, mảng HRC Mirae Asset ước tính sẽ tăng mạnh nhất với 2 triệu tấn công suất thêm vào từ lò cao 3 và 4 của dự án Dung Quất Hòa Phát (DQCP).

Mirae Asset dự phóng tổng sản lượng thép cuộn cán nóng (HRC) và thép cuộn cán nguội (CRC) Việt Nam năm 2021 đạt 10,69 triệu tấn, tăng 30% so với cùng kỳ 2020. Tăng trưởng sản lượng mảng thép xây dựng, ống thép và tôn mạ năm 2021 được dự phóng lần lượt 9%; 8% và 8% so với cùng kỳ 2020.

EV: Là giá trị doanh nghiệp (vốn hóa thị trường + tổng nợ - tiền mặt). Là thước đo tổng giá trị của một doanh nghiệp, thường được sử dụng như một sự thay thế toàn diện hơn cho vốn hóa thị trường vốn cổ phần.

EBITDA: Là Lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao

* Có thể bạn quan tâm 

►Cơ hội đầu tư cổ phiếu ngành thép

►Cổ phiếu của Thép Nam Kim chinh phục mệnh giá


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày