Tài Chính

Thép Nam Kim tìm lại thời hoàng kim

Vũ Hoài Thứ Ba | 23/03/2021 07:30

Nhìn về bức tranh kinh doanh của Thép Nam Kim trong 5 năm gần nhất, có thể thấy giai đoạn 2016-2017 là thời kỳ hoàng kim của Công ty.

Thành công trong tái cấu trúc kinh doanh, điều tồi tệ nhất đối với Thép Nam Kim dường như đã đi qua.
Nhìn về bức tranh kinh doanh của Thép Nam Kim trong 5 năm gần nhất, có thể thấy giai đoạn 2016-2017 là thời kỳ hoàng kim của Công ty.

Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (NKG) là một trong những nhà sản xuất tôn lạnh đầu ngành sở hữu công suất lớn và là một trong số ít các công ty tự chủ nguồn nguyên liệu thép cán nguội (CRC). Nhìn về bức tranh kinh doanh của Thép Nam Kim trong 5 năm gần nhất, có thể thấy giai đoạn 2016-2017 là thời kỳ hoàng kim của Công ty. Giai đoạn này, giá nguyên vật liệu diễn biến phù hợp với việc đầu cơ nguyên vật liệu đầu vào khiến giá vốn thấp. Công ty cũng đẩy mạnh mở rộng thị trường, thị phần xuất khẩu sản phẩm hàng hóa và tiếp tục đẩy tăng thị phần trong nước. Thời điểm đó, mỗi năm Công ty báo lãi hàng trăm tỉ đồng, biên lợi nhuận gộp ở mức cao trên 10% mỗi năm. 

Tuy nhiên, giai đoạn 2018-2019 lại được ví như “hạn” của Thép Nam Kim khi bị cuốn vào vòng xoáy thương chiến Mỹ - Trung cùng các chính sách bảo hộ thương mại. Năm 2018 giá nguyên vật liệu biến động lớn, không còn hỗ trợ cho việc đầu cơ của Công ty. Chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cùng với biến động lớn của tỉ giá ngoại tệ đã khiến chi phí của Công ty tăng mạnh. Trong năm này, biên lợi nhuận gộp của Thép Nam Kim giảm hơn phân nửa xuống mốc 5,4%. Lợi nhuận giảm đột ngột từ mức 707,5 tỉ đồng (năm 2017) còn chỉ 57,3 tỉ đồng năm 2018. 

 

Trong bối cảnh đó, Ban lãnh đạo Thép Nam Kim đã bắt tay vào việc tái cấu trúc hoạt động kinh doanh. Dưới sự dẫn dắt của ông Võ Hoàng Vũ, Tổng Giám đốc nhậm chức hồi tháng 7.2019, Công ty chủ yếu tập trung vào hoạt động nội tại, sắp xếp lại các cấp khách hàng cũng như hệ thống tồn kho, sản xuất và tăng cường quản lý chi phí. Bên cạnh đó, Công ty cũng quyết liệt tái cơ cấu thông qua việc bán tài sản, thay đổi trong quản lý và giới thiệu chiến lược kinh doanh mới. 

Dòng tiền từ bán tài sản trong năm 2019 cũng cho phép Thép Nam Kim giảm vay nợ. Tổng dư nợ vào cuối năm 2019 đã giảm 30,1% xuống 3.092 tỉ đồng. Nhờ vậy, chi phí lãi vay cũng giảm 8,7% còn 309 tỉ đồng trong năm 2019. Công ty cũng thành công giảm chi phí nguyên liệu đầu vào, dần thay đổi chính sách tồn kho và duy trì chính sách chỉ tồn kho một tháng nguyên liệu đầu vào và một tháng thành phẩm.

 

Quản lý chi phí nội bộ cũng là một ưu tiên khác của Thép Nam Kim trong giai đoạn đó với sự tham gia của Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại SMC, một doanh nghiệp chuyên phân phối thép và nắm giữ 5% cổ phần của Thép Nam Kim. 

Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) đánh giá đây là tín hiệu tích cực cho Thép Nam Kim để giải quyết các vấn đề về vận hành kéo dài trong quá khứ. HSC nhận định, sau khi giải quyết nhiều vấn đề trong vận hành, chiến lược tồn kho và dòng tiền, 2020 được kỳ vọng sẽ là năm khởi sắc đối với Thép Nam Kim sau 2 năm (2018-2019) chịu áp lực lợi nhuận giảm. Đúng như kỳ vọng, năm 2020 thời vận đã tới khi giá thép cuộn cán nóng (HRC) liên tục tăng mạnh cùng sự gia tăng mạnh mẽ của thép dẹp toàn cầu. Nhờ đó Thép Nam Kim đã có sự trở lại “hoành tráng”. Với nỗ lực tái cơ cấu, năm 2020 biên lợi nhuận gộp của Công ty đã hồi phục mạnh mẽ, từ mức 2,8% năm 2019 lên 7,5% năm 2020. Cả năm Công ty thu về hơn 295,4 tỉ đồng, chính thức cán mốc lợi nhuận trăm tỉ sau 2 năm ngụp lặn. 

Theo giải trình kết quả kinh doanh, nguyên nhân chủ yếu tác động đến mức tăng trưởng lợi nhuận vượt trội này đến từ tỉ lệ giá vốn trên doanh thu giảm so với cùng kỳ năm trước. Bước sang năm 2021, Thép Nam Kim đặt mục tiêu lãi sau thuế 600 tỉ đồng, tức tăng trưởng hơn 103,1% so với kết quả thực hiện năm 2020. 

 các doanh nghiệp ngành thép có thể ghi nhận thêm một khoản lợi nhuận lớn từ hàng tồn kho khi giá ghi nhận từ các quý trước đây thấp hơn so với quý hiện tại.
Các doanh nghiệp ngành thép có thể ghi nhận thêm một khoản lợi nhuận lớn từ hàng tồn kho khi giá ghi nhận từ các quý trước đây thấp hơn so với quý hiện tại.

Đánh giá chung về các doanh nghiệp ngành thép trong bối cảnh giá thép tăng mạnh thời gian qua, ông Nguyễn Đức Hoàng, chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), cho rằng trong xu hướng tăng giá, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất thép đều được hưởng lợi. Giá bán tăng nhanh hơn so với giá nguyên vật liệu đầu vào giúp biên lợi nhuận gộp được cải thiện mạnh. Ngoài ra, các doanh nghiệp ngành thép có thể ghi nhận thêm một khoản lợi nhuận lớn từ hàng tồn kho khi giá ghi nhận từ các quý trước đây thấp hơn so với quý hiện tại.

Theo ông Hoàng, tiềm năng trong thời gian tới của các doanh nghiệp thép sẽ tiếp tục chịu sự ảnh hưởng chính bởi xu hướng giá thép và giá nguyên vật liệu đầu vào. “Theo quan điểm của tôi, giá thép xây dựng và giá thép HRC cũng như các sản phẩm từ HRC như tôn mạ và ống thép sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao như hiện tại do nguồn cung hạn chế và nhu cầu hồi phục mạnh sau COVID-19”, ông Hoàng nhận định. 

Cũng theo ông Hoàng, thị trường đang bước vào chu kỳ tăng giá hàng hóa và có thể sẽ kéo dài trong nhiều quý. Do đó, các doanh nghiệp thép của Việt Nam dự kiến sẽ có kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt trong năm 2021 như Hòa Phát (HPG), Hoa Sen (HSG) và Thép Nam Kim.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày