Tài Chính

Tiền tệ nới lỏng đến đâu?

Minh Đức Thứ Hai | 22/02/2021 09:00

Các ngân hàng trung ương trên thế giới đang sẵn sàng cho việc duy trì các chính sách tiền tệ siêu nới lỏng trong năm 2021. Ảnh: Quý Hoà.

Việt Nam không thể theo đuổi chính sách nới lỏng tiền tệ quy mô lớn.
Các ngân hàng trung ương trên thế giới đang sẵn sàng cho việc duy trì các chính sách tiền tệ siêu nới lỏng trong năm 2021. Ảnh: Quý Hoà.

Các ngân hàng trung ương trên thế giới đang sẵn sàng cho việc duy trì các chính sách tiền tệ siêu nới lỏng trong năm 2021, ngay cả khi kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ phục hồi sau cuộc suy thoái do tác động của đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh này, các nhà điều hành chính sách tiền tệ Việt Nam có tăng cường nới lỏng tiền tệ là một câu hỏi lớn.

Có thể thấy, 2020 là một năm đầy biến động khi đại dịch COVID-19 tấn công nền kinh tế toàn cầu. Song nhờ vào việc điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và thận trọng, Việt Nam đã trở thành điểm sáng hiếm hoi khi giữ được mức tăng trưởng GDP dương 2,91%. Nhiều yếu tố nội lực và cả những yếu tố bên ngoài sẽ giúp nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2021 tiếp tục ổn định. Về nội lực, khả năng khống chế dịch bệnh tốt, tạo bệ đỡ lớn trong sự phát triển kinh tế, lạm phát vẫn duy trì ở mức cho phép. Về yếu tố bên ngoài, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhờ một số hiệp định thương mại quốc tế EVFTA, CPTPP và RCEP.

Một khi kinh tế vĩ mô ổn định, dư địa trong năm 2021 để Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ là lớn. Bởi vì năm 2020 các chính sách tiền tệ nhằm đối phó với dịch bệnh của Ngân hàng Nhà nước chủ yếu sử dụng nguồn lực từ các ngân hàng thương mại. Ba lần hạ các mức lãi suất điều hành với quy mô lớn 1,5-2%/năm cũng chỉ là tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp. Do đó, tác động đến cung tiền trong năm 2020 không quá lớn so với việc bơm tiền trực tiếp như các ngân hàng trung ương trên thế giới. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 28.12.2020 tổng phương tiện thanh toán mới tăng 13,26% so với cuối năm 2019.

 

“Chúng tôi cho rằng chính sách tiền tệ sẽ duy trì trạng thái nới lỏng trong năm 2021 nhằm tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình gặp khó khăn. Nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ hạ lãi suất điều hành thêm 1 lần nữa trong nửa đầu năm 2021, khi áp lực giá tiêu dùng vẫn chưa đáng lo ngại”, bà Thái Thị Việt Trinh, chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán KB Việt Nam, dự báo.

Tuy nhiên, chính sách tiền tệ năm 2021 còn trông đợi vào chính sách của các ngân hàng thương mại. Về lãi suất, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng và lợi suất trái phiếu chính phủ đã chạm đáy, trong khi lãi suất huy động cũng giảm xuống thấp nhất trong vòng 15 năm qua. Có thể thấy lãi suất huy động đã tiệm cận đáy, khó có thể giảm hơn. Tại nhiều ngân hàng, lãi suất tiết kiệm dao động quanh vùng 3%/năm, thấp hơn cả lạm phát mục tiêu.

Lãi suất tiết kiệm phải đảm bảo được lãi suất thực dương thì mới khuyến khích được người dân gửi tiền vào ngân hàng. Mặt khác, lãi suất thấp quá thì tiền sẽ chạy vào chỗ khác chứ không chảy vào hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, duy trì trạng thái nới lỏng tiền tệ cần chú ý đến nợ xấu của các ngân hàng thương mại. Thông tư 01 nhằm đưa ra phương án sắp xếp các khoản nợ xấu vẫn còn là dự thảo. Nợ khó đòi tăng lên so với năm trước là điều khó tránh. Số liệu từ Sách Trắng doanh nghiệp Việt Nam cho thấy tỉ lệ nợ phải trả so với GDP của doanh nghiệp Việt Nam là lớn hơn nhiều.

Nói về định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2021, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ Ngân hàng Nhà nước, cho biết: “Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ”.

Nghiêng về kịch bản kinh tế Việt Nam nhiều khả năng sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 5,6-5,8% trong cả năm 2021, báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng cho rằng, trong năm 2020 Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần hạ các công cụ lãi suất điều hành. Bên cạnh đó, gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỉ đồng vẫn đang được các ngân hàng thương mại triển khai. Tuy nhiên, không gian chính sách sẽ không còn rộng rãi như vậy trong năm 2021.

 

Do nguồn lực tài khóa hạn hẹp sau nhiều năm thâm hụt ngân sách, cùng với việc chính sách tiền tệ bị ràng buộc với các mục tiêu về lạm phát và tỉ giá, Việt Nam không thể theo đuổi các chính sách vĩ mô tương tự như những nước khác, ví dụ như nới lỏng tiền tệ quy mô lớn.

Nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, việc nới lỏng chính sách tiền tệ có thể tiếp tục trong năm 2021 nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình gặp khó khăn kéo dài do đại dịch. Tăng trưởng tín dụng có thể tăng lên 12-13% cùng với sự cải thiện của niềm tin kinh doanh và các hoạt động kinh tế. Về mặt chính sách tài khóa, VDSC cho rằng Chính phủ khó có thể công bố gói hỗ trợ tài khóa bổ sung vào năm 2021. Dự báo thâm hụt tài khóa sẽ giảm xuống 3,8% GDP vào năm 2021 từ mức 4,2% của năm 2020.

Về tỉ giá, các chuyên gia đánh giá, có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ phải hạn chế mua vào ngoại tệ và để tiền đồng tăng giá một chút so với USD. Tuy nhiên, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng tỉ giá VND/USD biến động trong biên độ hẹp +/- 0,5% trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ tích cực và đồng USD giảm giá cùng với những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước.

Nguồn cung ngoại tệ được đánh giá vẫn duy trì trạng thái dồi dào khi hoạt động xuất nhập khẩu và kỳ vọng dòng vốn FDI chảy mạnh về Việt Nam. Điều này tác động tích cực đến nền kinh tế như kích thích dòng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm bớt gánh nặng thanh toán nợ nước ngoài, giảm bớt mất cân bằng thương mại giữa Mỹ và Việt Nam.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày