Tài Chính

Tiết kiệm hàng tháng, tưởng chừng dễ nhưng hóa ra lại rất khó: Giải pháp ở đâu?

Thái Bình Thứ Năm | 11/06/2020 15:00

Nguồn ảnh: lucky pug

Tiết kiệm chỉ “dễ thở” khi chúng ta có nhận thức đúng đắn về nó. Vậy giải pháp ở đâu?
Nguồn ảnh: lucky pug

Hàng ngày chúng ta bắt gặp rất nhiều bài viết nói về việc tiết kiệm tiền, những lời khuyên, những tấm gương và vô vàn phương pháp được đưa ra nhằm giúp tiết kiệm tiền. Nhưng khoan đã! Thành thực đi, đến bây giờ bạn đã làm được theo những điều đã đọc đó chưa? Hay bạn vẫn vậy, vẫn chẳng tiết kiệm được đồng nào và mặc cho cuộc sống trôi qua.

Tự nhủ: "Thôi, bây giờ là phải tận hưởng hết! Chuyện sau này để sau này tính". Từ đây, bạn rơi vào vòng luẩn quẩn của tiền bạc, thậm chí nợ nần bao giờ không hay. Bỗng một ngày bạn bị bệnh, phát hiện ra mình chẳng còn tiền trong ví, do nợ đã nhiều nên bạn chẳng dám vay nợ tiếp và thế là bạn để mặc bệnh tật xảy ra. Bạn hy vọng vào ngày mai thức giấc căn bệnh đang mắc phải sẽ tự khỏi.

Cuộc sống vốn dĩ không dễ dàng như vậy. Luôn có những khó khăn rình rập chúng ta bất cứ lúc nào. Tiết kiệm tiền để một tương lai “dễ thở” hơn, hạnh phúc hơn và mọi thứ bạn làm sẽ chẳng còn phải phụ thuộc vào tiền bạc nữa. 

Tiết kiệm chỉ “dễ thở” khi chúng ta có nhận thức đúng đắn về nó. Vậy giải pháp ở đâu?  

Câu trả lời chính là: Chúng ta đang thiếu đi mục tiêu cụ thể. 

Bạn có thấy rằng khi bạn thực hiện việc gì mà không có mục tiêu rõ ràng thì đều chỉ được một thời gian là chán rồi không? Tiết kiệm cũng vậy. Cuộc sống của chúng ta luôn bị những cám dỗ rình rập nếu không có mục tiêu rõ ràng, cụ thể và hướng về nó thì quả thực rất khó khăn. 

Tiết kiệm có mục tiêu 

Đặt mục tiêu tiết kiệm nhất định không được xa rời thực tế. Bởi nếu vậy, bạn càng cảm thấy khó khăn và dễ dàng chùn bước. Ví dụ, hiện tại thu nhập của bạn đang là 8 triệu đồng/tháng, bạn đặt mục tiêu trong 2 năm tiết kiệm được 200 triệu đồng. Trong khi đó bạn còn phải chi trả tiền nhà, chi phí sinh hoạt, phát sinh,... Mục tiêu này sẽ "đứt" ngay từ năm thứ nhất nếu bạn cứ mãi chỉ dậm chân một chỗ với mức lương đó. 

Chính vì vậy hãy đặt những câu hỏi cụ thể sau khi xác định mục tiêu như: Bạn sẽ làm gì để tăng mức thu nhập của mình? Điều đó có khả thi không? Số tiền mục tiêu và thời gian đã tương ứng với nhau chưa?...

Trong đó, nếu đặt mục tiêu quá dễ dàng cũng không đem lại hiệu quả cho bạn. Bạn sẽ chẳng còn động lực sau một thời gian. Hiệu quả nhất là thiết kế mục tiêu phù hợp bằng cách chia nhỏ mục tiêu theo từng giai đoạn. Cũng đừng tạo áp lực nhiều quá cho bản thân, đánh giá khả năng thực hiện và từ từ từng bước đạt được. 

Các bước có thể tóm gọn như sau: Thiết lập một mục tiêu >>> Chia nhỏ mục tiêu theo giai đoạn >>> Thiết lập thời hạn >>> Theo dõi các khoản chi tiêu >>> Phân tích chi phí mỗi tháng >>> luôn nghĩ đến mục tiêu >>> Tìm cách tăng thu nhập >>> Tiết kiệm nhiều hơn >>> Đạt được mục tiêu.

Nhớ rằng chỉ khi bạn tự nguyện thì mới có thể vui vẻ thực hiện và đạt được mục tiêu đặt ra. 




 

Nguồn Finhay


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày