Tài Chính

Trái phiếu doanh nghiệp sẽ thế kênh tiết kiệm?

Viết Nguyên Thứ Ba | 23/02/2021 14:00

Từ trước Tết Nguyên Đán Tân Sửu, các ngân hàng đã đua nhau giảm lãi suất huy động. Ảnh: Quý Hoà.

Giao dịch trái phiếu doanh nghiệp đã bùng nổ trong năm vừa qua.
Từ trước Tết Nguyên Đán Tân Sửu, các ngân hàng đã đua nhau giảm lãi suất huy động. Ảnh: Quý Hoà.

Từ trước Tết Nguyên Đán Tân Sửu, các ngân hàng đã đua nhau giảm lãi suất huy động. Tại Vietcombank, lãi suất huy động cho kỳ hạn 6-9 tháng chỉ còn 3,8%/năm; các ngân hàng khác như VietinBank, BIDV, Agribank, Techcombank, VPBank, Sacombank, ACB… cũng công bố mức lãi suất dưới 5%/năm. Muốn hưởng lãi suất cao hơn, khách hàng phải gửi tiền tiết kiệm với kỳ hạn dài hơn hoặc với số tiền lớn. Ngân hàng OCB, chẳng hạn, đang trả lãi huy động ở mức 8,2%/năm cho khoản tiền gửi từ 500 tỉ đồng trở lên tại kỳ hạn 13 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ.

Theo các ngân hàng, sở dĩ lãi suất huy động tiếp tục giảm vì thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn đang rất dồi dào. Ngoài ra, theo quy luật, sau khi doanh nghiệp trả xong lương thưởng Tết, dòng tiền quay trở lại với ngân hàng. Công ty Chứng khoán SSI dự đoán, với đợt bùng phát dịch COVID-19 tại Việt Nam, cầu tín dụng sẽ yếu đi, khiến lãi suất sẽ vẫn duy trì ở vùng thấp và có thể còn giảm thêm nếu dịch bệnh phức tạp hơn.

Trước bối cảnh lãi suất huy động liên tiếp giảm và kém hấp dẫn, dòng tiền từ gửi tiết kiệm đã dần chuyển dịch sang các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán.  Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD), riêng tháng 11, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới hơn 41.000 tài khoản, một con số kỷ lục. Nhờ đó, chứng khoán liên tục đạt giao dịch trên 10.000 tỉ đồng/phiên trong tháng 12.2020.

 

Nhà đầu tư mở tài khoản chứng khoán không chỉ vì giao dịch cổ phiếu mà có khi chỉ để đầu tư trái phiếu. Theo ghi nhận của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), năm 2020 giao dịch trái phiếu doanh nghiệp đã bùng nổ. Các tổ chức đã huy động gần 403.469 tỉ đồng trên thị trường nội địa và 345 triệu USD trên thị trường quốc tế. Tính ra, giá trị trái phiếu doanh nghiệp huy động thành công đã tăng tới 36% so với năm 2019.

Với nhu cầu và uy tín cao, ngân hàng trở thành nhóm có lượng phát hành trái phiếu nhiều nhất. Riêng trong tháng 12.2020, theo HNX, các  ngân hàng đã huy động hơn 19.000 tỉ đồng từ  trái phiếu, chiếm hơn 55% tổng nguồn vốn doanh nghiệp huy động được qua trái phiếu. Trong số này, BIDV dẫn đầu, theo sau là VIB, VPBank, HDBank, SHB, MSB, Techcombank, OCB, TPBank và gần đây nhất Agribank đều đã huy động được hàng ngàn tỉ đồng từ kênh trái phiếu.

Sở dĩ trái phiếu ngân hàng có sức hút vì các ngân hàng phát hành trái phiếu không chuyển đổi, mệnh giá không cao (1 triệu đồng, 10 triệu đồng/trái phiếu) với lãi suất hấp dẫn (thường cao hơn lãi gửi tiết kiệm 1-2%/năm), thông tin minh bạch, dễ giao dịch (thường được niêm yết). Ngoài ra, các trái phiếu này có kỳ hạn đa dạng, gồm cả 1-2 năm và có thể dùng làm tài sản thế chấp ở ngân hàng.

Đặc biệt, trái phiếu ngân hàng thường được cam kết mua lại. Tháng 11 năm ngoái, BIDV đã mua lại hàng chục ngàn tỉ đồng trái phiếu tăng vốn phát hành năm 2019, 2015. Trước đó, BIDV mua lại số trái phiếu phát hành trong năm cũ. HDBank, VPBank cũng đã mua lại hàng ngàn tỉ đồng trái phiếu theo các chương trình đã đề ra. Tất cả những đặc điểm trên đã tạo sức hút cho trái phiếu ngân hàng.

Tuy nhiên, theo quy định mới của Luật Chứng khoán và Nghị định 153/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1.1.2021, các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ chỉ được phân phối tới nhà đầu tư chuyên nghiệp. Nghĩa là các nhà đầu tư cá nhân sẽ bị hạn chế tham gia. Thay vào đó, nhà đầu tư có thể tham gia trong các đợt phát hành trái phiếu ra công chúng, hoặc trái phiếu phát hành ở giai đoạn trước năm 2021.

 

Đặc biệt, dù tham gia vào bất kỳ thị trường nào, bà Nguyễn Thị Thanh Tú, chuyên gia phân tích cao cấp SSI Research, lưu ý rằng nhà đầu tư cũng cần có hiểu biết về tài sản đầu tư. Cụ thể, nhà đầu tư cá nhân nên tránh các tổ chức phát hành có kết quả kinh doanh yếu kém, trái phiếu không có tài sản bảo đảm hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu, tìm hiểu kỹ các điều khoản trong hợp đồng mua bán trái phiếu (phí giao dịch, cam kết mua lại của tổ chức phát hành hoặc tổ chức trung gian…), uy tín của bên phân phối. Chưa kể, thông tin về công ty, mục đích huy động vốn và sử dụng vốn... không phải luôn được chia sẻ chi tiết.

Rõ ràng, trái phiếu doanh nghiệp có những rủi ro riêng và chưa thể thay thế vai trò của kênh tiền gửi tiết kiệm. Bản chất của đầu tư trái phiếu là cho doanh nghiệp vay vốn. Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, từng cảnh báo, trong điều kiện kinh tế suy giảm, khả năng doanh nghiệp kinh doanh tăng trưởng mạnh để có thể trả lãi cao cho nhà đầu tư như hiện nay là rất khó. Nếu rơi vào bế tắc, doanh nghiệp càng khó có khả năng trả lãi và nợ gốc, gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư.

Về phía các đơn vị phân phối, bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp, cũng có thể không thực hiện các nghĩa vụ, cam kết với nhà đầu tư về mua lại trái phiếu tại từng thời điểm do không đáp ứng được quy định về an toàn tài chính.

Chính phủ đang tìm cách quản lý, phát triển thị trường này theo chiều rộng và chiều sâu, mở rộng cả quy mô lẫn chất lượng hàng hóa, nhằm giảm sự lệ thuộc của các công ty vào tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, theo giới phân tích, loại hình này không khuyến khích sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân. Nếu có, bà Nguyễn Thị Thanh Tú khuyến nghị, nhà đầu tư cá nhân cần xác định trái phiếu doanh nghiệp không phù hợp với đầu tư ngắn hạn.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày