Thế giới

Bất chấp lửa và cuồng nộ, Mỹ và Trung Quốc vẫn tìm cách nối lại đàm phán

Hà Linh Thứ Bảy | 08/06/2019 14:29

Ảnh: AP.

Trong khi ông Trump và quan chức Trung Quốc gửi đi những thông điệp trái chiều, các nhà quan sát cho rằng họ đang tìm cơ hội để mở lại đàm phán.
Ảnh: AP.

Ngay cả khi Trung Quốc và Mỹ tăng cường gây sức ép với nhau, các quan chức cấp cao của họ lại đang lặng lẽ tìm kiếm cơ hội để bắt đầu lại các cuộc đàm phán, kết thúc chiến tranh thương mại kéo dài, South China Morning Post (SCMP) dẫn nguồn thạo tin cho hay.

Nhưng nguồn tin này cảnh báo rằng tiến trình đàm phán có thể sẽ diễn ra chậm chạp, tình hình ngày nay rất khác so với hồi tháng 2, khi Trung Quốc dường như rất tự tin vào việc ký một biên bản ghi nhớ (MOU) với Mỹ trước khi có sự can thiệp bất ngờ của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

► Thay đổi vào phút chót của ông Tập khiến thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung sụp đổ

Các nguồn tin cũng nhấn mạnh một số bất đồng quan trọng trong các cuộc đàm phán và cho biết phía Trung Quốc đã cảm thấy khó chịu, khi những thông tin nhạy cảm về các cuộc đàm phán được tiết lộ với truyền thông Mỹ.

Ngày 6.6, ông Trump đã nói rằng “có rất nhiều điều thú vị đang diễn ra trong các cuộc đàm phán của chúng tôi với Trung Quốc”, trước khi tiếp tục đe dọa rằng ông có thể tăng thuế đối với  300 tỷ USD hàng hóa khác của Trung Quốc, nếu cần thiết.

Bat chap lua va cuong no, My va Trung Quoc van tim cach noi lai dam phan
Ông Donald Trump đã gây bất ngờ cho Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại một cuộc họp tại Nhà Trắng vào tháng 2 khi ông nói với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (phải) rằng ông không thích các biên bản ghi nhớ (MOU). Ảnh: Reuters/SCMP.

Vài giờ sau, thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, Dịch Cương, cho biết rằng Trung Quốc sẽ có những biện pháp đáp trả cần thiết. Ông Dịch nói với Bloomberg rằng Trung Quốc có nhiều dư địa để điều chỉnh chính sách tiền tệ cho một cuộc chiến thương mại kéo dài với Washington.

Tuy nhiên, ông cũng dự đoán “các cuộc đàm phán tích cực’ với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, vào cuối tuần này bên lề cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính của các nước G20 tại Nhật Bản.

Các nhà phân tích cho biết hai bên có thể đưa ra nhiều thông điệp mâu thuẫn trong những tuần tới, bởi vì cả hai bên đều muốn gia tăng vị thế của mình, dù vẫn muốn tìm kiếm cơ hội để mở lại các cuộc đàm phán.

Nhưng SCMP cũng cho biết rằng nguồn thạo tin hay các nhà quan sát đều tỏ ra bi quan về khả năng hai nước sẽ đạt được thỏa thuận trước khi Tổng thống Trump gặp người Chủ tịch Tập Cận Bình, tại hội nghị thượng đỉnh G20, ở Osaka vào cuối tháng này.

Họ nói rằng điều tốt nhất cho cả hai bên tại thời điểm này là một thỏa thuận ngừng bắn, để có thời gian đàm phán thỏa thuận. Một nguồn tin thạo tin từ Mỹ cho biết hai chính phủ đang cố gắng xác định bước tiếp theo nên là gì và họ nên tham gia như thế nào. Tuy vậy, khung thời gian là chưa rõ ràng.

► Trung Quốc hay Mỹ mới là bên lật kèo trong đàm phán thương mại?

Trong khi đó, một nguồn thạo tin từ Trung Quốc cho biết câu trả lời cho rất nhiều câu hỏi sẽ phụ thuộc dữ liệu kinh tế của Trung Quốc vào tháng 5.

Nguồn tin cho biết ông Lưu Hạc, Phó Thủ tướng Trung Quốc và là người phụ trách trong các cuộc đàm phán thương mại, đã liên lạc với các đối tác Mỹ qua điện thoại sau khi vòng đàm phán cuối cùng sụp đổ vào ngày 10 tháng 5, nhưng đã không nói chuyện với họ trong những tuần gần đây .

Diễn biến của tranh chấp thương mại đã thay đổi rất nhiều trong thời gian gần đây, đến nỗi khó có thể tưởng tượng được hai bên đã tiến gần đến một thỏa thuận vào tháng Hai, nguồn tin cho biết.

Có lúc, người Trung Quốc đã tự tin rằng một bản ghi nhớ gần như sẽ được ký kết sau vòng đàm phán thứ bảy, theo một nguồn thạo tin. Nhóm của ông Lưu thậm chí còn được nhìn thấy đang chuẩn bị một bộ cờ quốc gia cho một buổi lễ ký kết.

Nhưng khi ông Lưu gặp ông Trump vào ngày 22 tháng 2, Tổng thống Mỹ bất ngờ nói với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer rằng ông không yêu thích MOU và muốn có một thỏa thuận có tính chất ràng buộc hơn.

Khó chịu vì sự thay đổi bất ngờ này, ông Lưu nói với các đối tác Mỹ rằng ông sẽ gửi những phản hồi này tới Bắc Kinh để có hướng đi tiếp theo. Khi ông Lưu kéo dài thời gian ở lại thủ đô Mỹ thêm hai ngày, động thái này dường như thúc đẩy hy vọng rằng một thỏa thuận vẫn có thể được thực hiện.

Nhưng khi nhà đàm phán hàng đầu Trung Quốc trở lại Bắc Kinh, tâm lý lạc quan mà hai bên đã nỗ lực đạt được trong nhiều tháng bắt đầu nhường chỗ cho sự nghi ngờ - và giới chức Trung Quốc bắt đầu lo lắng rằng một thỏa thuận có thể không xảy ra.

Bắc Kinh rõ ràng muốn đạt được một biên bản ghi nhớ với Washington, sau đó là một thỏa thuận đầy đủ.

Một nguồn tin cho biết rằng “MOU sẽ cho Trung Quốc nhiều quyền quyết định hơn trong đàm phán về các điều khoản và điều kiện, cũng như quyết định số lượng thông tin có thể được tiết lộ cho công chúng”.

Tuy nhiên, một thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý sẽ phải được tiết lộ công khai đầy đủ. Bắc Kinh sẽ miễn cưỡng công khai với thỏa thuận này vì có thể vấp phải chỉ trích mạnh mẽ trong nước, nguồn thạo tin cho biết.

Phía Trung Quốc cũng tỏ ra bức xúc rằng mặc dù họ đã yêu cầu phía Mỹ giữ bí mật các cuộc đàm phán, nhưng các thông tin liên quan đã bị rò rỉ và xuất hiện trên truyền thông Mỹ mỗi ngày, nguồn tin cho biết.

Trong khi đó, tất cả các thông tin rò rỉ là dựa trên đề xuất của Mỹ, được viết bằng tiếng Anh và chưa được phía Trung Quốc đồng ý hoặc thậm chí là đọc qua.

Bat chap lua va cuong no, My va Trung Quoc van tim cach noi lai dam phan
Quan chức Trung Quốc được cho là đã chuẩn bị cờ cho một buổi lễ ký kết, vốn không bao giờ xảy ra. Ảnh: SCMP.

Nguồn tin cũng nêu chi tiết về những điểm bất đồng giữa hai bên trong các cuộc thảo luận.

Bắc Kinh đã đồng ý trong các cuộc đàm phán để cắt giảm thặng dư thương mại với Mỹ xuống còn 50 tỷ USD trong 5 năm. Trung Quốc cũng đã đồng ý tăng nhập khẩu của Mỹ. Nhưng đổi lại, họ muốn Washington giảm bớt các hạn chế đối với việc bán các sản phẩm công nghệ cao cho Trung Quốc. Trung Quốc cũng muốn Mỹ gỡ bỏ thuế quan ngay lập tức đối với các sản phẩm Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD.

► Đặt vòng kim cô lên Huawei, Trump có ngăn được sự trỗi dậy của Trung Quốc?

Về phần mình, Washington muốn duy trì áp thuế đối với hàng hóa trị giá 50 tỷ USD của  Trung Quốc, liên quan đến chiến lược hiện đại hóa công nghiệp của Trung Quốc, “Made in China 2025”.

Cũng theo nguồn thạo tin của SCMP, các mức thuế này sẽ chỉ được dỡ bỏ sau khi Trung Quốc đạt được tiến bộ có thể kiểm chứng được về những lời hứa của mình.

Phía Mỹ cũng yêu cầu phía Trung Quốc đưa ra các cam kết cụ thể về số lượng và tính chất của hàng hóa bổ sung mà họ sẽ mua từ Mỹ.

Trung Quốc thì lo lắng rằng nếu họ phải tăng nhập khẩu thêm 100 tỷ USD mỗi năm - theo yêu cầu của Washington - và nếu Mỹ giữ nguyên các hạn chế xuất khẩu công nghệ cao, Bắc Kinh sẽ có ít lựa chọn về những gì họ có thể mua.

“Chúng tôi không thể mua tất cả đậu nành từ Mỹ. Điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ có một vụ mùa thất bát? Các đối tác thương mại khác của chúng tôi sẽ nghĩ gì? Điều này sẽ vi phạm các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới và làm họ thất vọng”, nguồn tin cho biết.

Tất cả những vấn đề này có thể dường như không liên quan trong hoàn cảnh hiện tại, vì các cuộc đàm phán đã sụp đổ. Nhưng họ cho thấy một điều: Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có một khoảng cách lớn để thu hẹp, trước khi kết thúc một cuộc tranh chấp thương mại đã kéo dài gần 1 năm.

Nguồn SCMP


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày