Thế giới

Bất đồng nảy sinh giữa các nước tham gia RCEP

Thứ Tư | 24/05/2017 10:06

Ấn Độ lo ngại rằng việc cắt giảm thuế sẽ cắt giảm nguồn thu ngân sách và ảnh hướng tới vị thế cạnh tranh, đặc biệt là với Trung Quốc

Bất đồng đã xuất hiện trong các cuộc đàm phán vào hôm thứ Hai giữa các nước tham gia vào thỏa thuận thương mại tự do RCEP được Trung Quốc khởi xướng. Điều này đặt ra nhiều câu hỏi cho mục tiêu kết thúc đàm phán vào cuối năm nay của khối này.

Theo dự kiến, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do với hơn 3,5 tỷ người, kết nối các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand cũng như các quốc gia Đông Nam Á.

Các cuộc đàm phán RCEP, vốn bắt đầu vào năm 2012, đã được đẩy mạnh bởi việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tuy nhiên, các quan chức tham gia đàm phán nói rằng mục tiêu hoàn thành giai đoạn đàm phán vào cuối năm nay là khó có thể đạt được, do những bất đồng về một loạt vấn đề, đặc biệt là việc Ấn Độ không muốn bãi bỏ thuế.

"Ấn Độ lo ngại rằng việc bãi bỏ hàng loạt loại thuế  sẽ cắt giảm nguồn thu ngân sách và làm ảnh hướng tới vị thế cạnh tranh của họ, đặc biệt là với Trung Quốc", một quan chức từ chối tiết lộ danh tính cho biết.

Một quan chức khác cũng cho biết quan điểm của Ấn Độ đang là thách thức lớn nhất cho cuộc đàm phán cấp Bộ trưởng hôm thứ Hai vừa qua.

Trọng tâm chính của RCEP là giảm thuế, mặc dù không nhiều đến mức bằng 0 như với TPP.

Những quy định dành cho ngành dịch vụ và nền kinh tế kỹ thuật số của RCEP là khiêm tốn hơn so với TPP, và nó không bao gồm quy định nào về bảo vệ quyền lợi người lao động hoặc môi trường. Hơn nữa, trong khi hiệp định này có thể mang lại quyền tự do lưu thông lớn hơn, đây cũng là một trong những vấn đề tiềm ẩn gây tranh cãi trong các cuộc thảo luận.

Bộ trưởng Thương mại New Zealand Todd McClay nói với Reuters: "Chúng tôi đang đạt được một số bước tiến nhưng phía trước vẫn còn một chặng đường dài. Chúng tôi mong muốn tìm ra phương thức để đạt được một kết quả chất lượng cao, nhưng điều này đòi hòi rất nhiều nỗ lực nhằm hoàn thành mục tiêu vào cuối năm nay".

Cuộc họp vào thứ Hai vừa qua tại Hà Nội đã diễn ra sau các cuộc thảo luận sôi nổi vào cuối tuần trước, tại cuộc họp đầu tiên của các bộ trưởng thương mại APEC kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức tại Mỹ.

Các quốc gia APEC đã thất bại trong việc đưa ra tuyên bố chung như các lần trước, sau khi Mỹ từ chối sử dụng thông điệp chống lại chủ nghĩa bảo hộ mà các nước châu Á muốn đưa vào

Các thành viên còn lại của TPP (không có Mỹ) đã đồng ý bên lề hội nghị để tiếp tục theo đuổi hiệp định này, mặc dù ông Trump đã quyết định từ bỏ TPP và muốn theo đuổi thoả thuận song phương với các nước châu Á.

Trong khi đó, RCEP lại nhận được sự hậu thuẫn đáng kể của Trung Quốc. Vai trò của nước này của khu vực đã ngày một tăng lên, với sự thay đổi chính sách ở Mỹ và chương trình "Một vành đai, Một con đường" nhằm mở rộng ảnh hưởng toàn cầu. Trung Quốc đang ngày càng tự định vị mình là một đầu tàu cho thương mại tự do toàn cầu.

"Chúng tôi đã đi đến thời điểm mà tất cả thành viên cần thể hiện sự sẵn sàng để thúc đẩy các cuộc thảo luận của RCEP, đặc biệt là trong bối cảnh xu hướng bảo hộ tăng lên tại một số nơi trên thế giới ", Bộ trưởng thương mại Philippines Ramon Lopez nói.

Bá Ước

Nguồn Reuters


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày