Thế giới

Bị chính quyền Trump áp thuế quan, kim ngạch xuất khẩu Trung Quốc năm 2019 vẫn tăng nhờ xuất sang Asean và EU

Như Mai Thứ Ba | 14/01/2020 16:43

Ảnh: TL

Số liệu xuất khẩu của Trung Quốc trong năm 2019 cho thấy nước này có thể nhạy bén như thế nào, nhanh chóng đa dạng hóa vào các thị trường mới...
Ảnh: TL

Đó là xu hướng chính được thấy trong dữ liệu thương mại của Trung Quốc 2018 được công bố hôm thứ ba, cho thấy xuất khẩu sang Mỹ đã giảm 12,5% ngay cả khi tổng xuất khẩu tăng 0,5%. Cán cân thương mại kể một câu chuyện tương tự, với thặng dư Trung Quốc với Mỹ giảm 8,5% xuống gần 296 tỷ USD ngay cả khi thặng dư tổng thể của nước này tăng hơn 20% lên khoảng 422 tỷ USD.

Thỏa thuận thương mại giai đoạn một sẽ được ký tại Washington vào ngày 15/1 chỉ có thể mang lại một thời gian nghỉ ngơi tạm thời khi sự chia rẽ sâu sắc về các vấn đề từ trợ cấp đến sự thống trị công nghệ vẫn tồn tại. Điều đó đặt ra câu hỏi liệu Trung Quốc có thể tiếp tục bù đắp tác động của thuế quan Trump hay không, khi sự không chắc chắn đe dọa làm giảm vị thế thống trị của nước này trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ là nguyên nhân chính dẫn đến sự chuyển hướng của dòng chảy thương mại, ông Frederic Neumann, đồng giám đốc nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC Hồng Kông nói. Bản thân Thỏa thuận Giai đoạn Một có thể không dẫn đến một cú hích lớn trong thương mại toàn cầu, với sự không chắc chắn về chính sách kéo dài tiếp tục cản trở các công ty đưa ra kế hoạch chi tiêu vốn dài hạn.

Các nhà xuất khẩu của Trung Quốc đã nhanh chóng tìm kiếm thị trường thay thế và vào cuối năm, xuất khẩu đến Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đã tăng gần 13% trong khi xuất khẩu đến Anh đã tăng 10%. Chiến lược này có hiệu quả đến mức mà thị phần xuất khẩu toàn cầu của Trung Quốc đã được giữ vững trong ba quý đầu tiên.

Dữ liệu thương mại tháng 12 của Trung Quốc cho thấy cả tăng trưởng xuất nhập khẩu đều vượt quá mong đợi. Xuất khẩu tăng 7,6% trong khi nhập khẩu tăng 16,3%.

Trung Quốc đã chuyển từ thâm hụt 5 tỷ USD với phần còn lại của châu Á vào cuối năm 2018 sang thặng dư khoảng 67 tỷ USD vào năm 2019, theo tính toán của Christopher Balding, phó giáo sư tại Đại học Fulbright tại TP.HCM.

“Sự thay đổi trong vận may kinh tế sẽ thay đổi cách nhiều quốc gia ứng xử với Trung Quốc”, ông nói.

Thuế quan vẫn áp dụng cho cả hàng hóa của Trung Quốc và Mỹ, và ngay cả sau khi thỏa thuận thương mại được ký kết, Mỹ sẽ vẫn áp dụng mức thuế cao hơn 14,4 điểm % đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc so với trước khi chiến tranh thương mại nổ ra, theo JP Morgan.

Xuất khẩu Trung Quốc tới Mỹ (màu đen) suy giảm, trong khi xuất khẩu tới Eu và Asean gia tăng.
Xuất khẩu Trung Quốc tới Mỹ (đường màu đen) suy giảm, trong khi xuất khẩu tới EU (màu hồng) và Asean (màu xanh) gia tăng.

Nhiều khả năng thương mại song phương (Mỹ và Trung Quốc) sẽ bị đình trệ trong nhiều năm, và có thể giảm tới 40%, ông Adam Slater, nhà kinh tế trưởng tại Oxford Economics tại London cho biết.

Tác động thực sự đối với Trung Quốc là sự đa dạng hóa sắp tới của chuỗi cung ứng, không chỉ ra khỏi Trung Quốc, mà còn sẽ không phụ thuộc quá nhiều vào bất kỳ nhà cung cấp nào, ông Pauline Loong, giám đốc điều hành tại công ty nghiên cứu Asia Analytica ở Hồng Kông nói.

“Việc điều chỉnh chuỗi cung ứng sẽ mất nhiều thời gian”, bà nói. “Vì vậy, tác động lâu dài đối với Trung Quốc là nghiêm trọng hơn những gì đang diễn ra ngay bây giờ”.

Nguồn Bloomberg


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày