Thế giới

Chính phủ các nước ngày càng can thiệp sâu vào thị trường tài chính

Chủ Nhật | 27/05/2012 07:55

Từ thị trường trái phiếu, thị trường cổ phiếu cho đến các ngân hàng, tất cả đều chịu sự chi phối mạnh mẽ của các chính phủ.
Mỗi động thái được chính quyền thực hiện trong 5 năm qua đều có mục đích thúc đẩy nền kinh tế và cứu lấy hệ thống tài chính. Tuy nhiên, các chính sách cũng có những tác dụng phụ - sự lấn át của chủ nghĩa dân tộc trên thị trường.

Các ngân hàng trung ương đóng vai trò chủ đạo trên thị trường trái phiếu chính phủ ở rất nhiều nước phát triển. Thị trường chứng khoán chỉ khởi sắc khi ngân hàng trung ương tăng cung tiền. Hệ thống ngân hàng cũng ngày càng phụ thuộc nhiều vào sự trợ giúp từ chính phủ.

Trước tiên, hãy xem xét các ngân hàng. Các định chế tài chính này tồn tại như kênh dẫn vốn từ người tiết kiệm sang người đi vay với khởi nguồn là từ các hộ gia đình sang các công ty. Tuy nhiên, các ngân hàng hiện đại huy động vốn không chỉ thông qua những người gửi tiền nhỏ lẻ mà còn từ thị trường. Cho đến năm 2007, các ngân hàng châu Âu vẫn có thể đi vay từ thị trường với giá rẻ hơn so với các tổ chức vốn được xếp hạng đầu tư. Thế nhưng, trong 5 năm trở lại đây, chi phí đi vay của ngân hàng đã cao hơn chi phí của các công ty phi tài chính. Điều này làm nổi lên câu hỏi liệu ngân hàng có còn đóng vai trò là tổ chức trung gian nữa hay không.

Áp lực này được xoa dịu bởi động thái bơm lượng lớn thanh khoản của ngân hàng trung ương, gần đây nhất là chương trình tái cấp vốn dài hạn của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB). Hậu quả là nguồn tài trợ từ khu vực tư nhân được thay thế bởi vay mượn từ chính phủ.

Các ngân hàng trung ương đã đóng vai trò là người cho vay cuối cùng của các ngân hàng kể từ giữa thế kỷ 19. Tuy nhiên, đó chỉ là những khoản vay ngắn hạn trong thời điểm hỗn loạn. Giờ đây, ECB đã chi ra 1 nghìn tỷ euro (tương đương 1,3 nghìn tỷ USD) với thời hạn 3 năm với hy vọng những khoản vay này sẽ được thu hồi thông qua khu vực tư nhân vào năm 2014 hoặc 2015.

Các khoản vay từ khu vực nhà nước được sử dụng để giảm bớt tác động của việc nguồn vốn khu vực tư nhân bỏ chạy. Matt King đến từ Citigroup ước tính, đã có khoảng 100 tỷ euro bay khỏi Tây Ban Nha trong năm 2011, 160 tỷ euro ra khỏi Italia khi các nhà đầu tư nước ngoài rút tiền gửi ngân hàng hoặc bán trái phiếu chính phủ. Giờ đây, một số nước là con nợ dài hạn của ECB, trong khi Đức, Phần Lan và Luxembourg là những chủ nợ lớn.

Thị trường trái phiếu chưa bao giờ thoát khỏi ảnh hưởng của ngân hàng trung ương: Kỳ vọng về lãi suất luôn luôn ảnh hưởng đến lợi suất. Lợi suất không chỉ được quyết định bởi cân bằng cung cầu của thị trường.

Hơn nữa, rất nhiều nước đang tuân theo các chính sách được thiết kế để điều khiển giá trị của tiền tệ mà trong nhiều trường hợp là giữ giá trị đồng nội tệ ở mức thấp. Chính quyền đang giúp cho giá cổ phiếu tăng lên. Chứng khoán lập tức tăng điểm do hiệu ứng phụ từ các gói nới lỏng định lượng.

Kết quả là, khó có thể biết được thị trường đang phát ra tín hiệu gì. Liệu lợi suất trái phiếu thấp có chứng tỏ nhà đầu tư tán thành chương trình cắt giảm thâm hụt của nước Anh hay điều đó có nghĩa là chính phủ còn nhiều khả năng nới lỏng chính sách?

Các ngân hàng luôn là người mua trái phiếu chính phủ nhiều nhất trong những năm qua. Họ có thể mượn tiền từ ngân hàng trung ương với lãi suất thấp và cho vay lại với mức lãi suất cao. Trong tương lai, các ngân hàng thậm chí còn mua nhiều trái phiếu hơn bởi các luật lệ quốc tế đòi hỏi ngân hàng có lượng tài sản thanh khoản nhiều hơn trong đó trái phiếu chiếm tỷ lệ lớn.

Bởi vậy, chính phủ đứng đằng sau hệ thống ngân hàng, và ngược lại các ngân hàng lại là những khách hàng lớn mua nợ của chính phủ. Sự kết hợp tài chính – chính trị này được củng cố bởi quyết tâm giữ cho các ngân hàng không đổ vỡ của chính phủ. Can thiệp sâu vào thị trường còn hơn là không làm gì và lặp lại lỗi lầm của thời kỳ Đại suy thoái.

Nguồn CafeF


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày