Thế giới

Chuyên gia Mỹ: Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ TPP

Thứ Tư | 29/07/2015 11:19

Để tận dụng ưu thế từ TPP, Việt Nam cũng cần tiếp tục cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Từ ngày 28 đến ngày 31/7, đại diện thương mại của các nước tham gia Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã khởi động vòng đàm phán tại Hawaii, đánh dấu giai đoạn cuối của quá trình đàm phán. Hiện tại, 12 nước tham gia TPP chiếm tổng cộng khoảng 40% GDP toàn cầu, với 800 triệu người tiêu dùng.

"Mọi chuyện đang tiến triển tích cực. Tôi đã nói chuyện với các nhà đàm phán đến từ Mỹ và bốn quốc gia khác. Mọi người đều hào hứng cho rằng hiệp định sẽ đi đến hoàn tất", Tami Overby, Phó Chú tịch phụ trách khu vực châu Á, Phòng Thương mại Mỹ (USCC) cho biết.

Theo đó, CNBC đã đưa ra nhận định về những quốc gia có khả năng hưởng lợi nhất và thiệt hại nhất khi tham gia hiệp định này.

Việt Nam hưởng lợi nhất từ TPP

Deborah Elms, Giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại Châu Á (ATC) cho rằng: "Quốc gia hưởng lợi lớn nhất từ TPP chính là Việt Nam khi các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu rót vốn vào Việt Nam. Tiếp theo có thể là Malaysia và Nhật Bản".

Viện Kinh tế toàn cầu Peterson (PIIE) trong một báo cáo gần đây cũng đưa ra nhận định tương tự. Một trong các lý do mà PIIE đưa ra là các mặt hàng dệt may và da giày vào thị trường Mỹ - thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam - sẽ được miễn thuế, so với mức thuế 17-32% hiện hành.

Điều này được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ và gia tăng đáng kể dòng vốn FDI vào Việt Nam. PIIE cũng lưu ý rằng, tốc độ kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng mạnh nhất trong số các nước TPP, đạt 31,7%, trong khi GDP có thể tăng đến 13,6%.

Tuy nhiên, một chuyên gia về kinh tế châu Á là Hunter Marston cũng cho rằng, Việt Nam cần phải tích cực tiếp tục quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nếu muốn tận dụng hết các ưu thế từ TPP. Việc cổ phần hóa và bãi bỏ các rào cản thuế quan trong nước sẽ là những bước cải tổ cơ cấu mang tính quyết định trong việc củng cố kinh tế Việt Nam và cải thiện năng lực sáng tạo của doanh nghiệp.

Trong khi đó, Malaysia cũng được đánh giá là sẽ hưởng lợi từ hiệp định TPP, vì nước này hiện vẫn chưa có hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) với Mỹ, Canada và Mexico.

"Tham gia TPP sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu của Malaysia tăng khả năng tiếp cận với toàn bộ thị trường Bắc Mỹ. Đồng thời, nó cũng cải thiện sức hấp dẫn của nền kinh tế Malaysia như một điểm đến lý tưởng của dòng vốn đầu tư từ Bắc Mỹ", Rajiv Biswas, kinh tế gia trưởng của khu vực châu Á tại IHS cho biết.

Với Nhật Bản, Deborah Elms nhận định việc mở cửa thị trường dịch vụ tại nước này là một lợi thế lớn. TPP sẽ mở cửa thị trường dịch vụ giữa các thành viên với nhau, và vì ngành dịch vụ của Nhật tương đối kém cạnh tranh nên vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển.

"Điều này đồng nghĩa với việc mở cửa các thị trường dịch vụ mà trước đây giới đầu tư nước ngoài gặp nhiều khó khăn trong việc thâm nhập. Các thị trường này bao gồm dịch vụ logistics, phân phối và kho bãi cũng như du lịch, thực phẩm và đồ uống".

Hơn nữa, theo Biswas, tác động cùng lúc của TPP và FTA với Liên minh châu Âu (EU) có thể nâng tốc độ tăng trưởng kinh tế trong dài hạn cho Nhật Bản,.

Ai sẽ là người thiệt hại nhất?

Các nước không tham gia vào TPP có thể sẽ chịu những thiệt hại nhất định do sự chuyển hướng dòng chảy thương mại, khi các nước trong TPP sẽ dành ưu tiên các đối tác FTA của họ.

Hiệu ứng chệch hướng thương mại của TPP phần nhiều sẽ ảnh hưởng tới Trung Quốc, PIIE cho biết. Xuất khẩu của Trung Quốc sẽ giảm 1,2% so với khi chưa có hiệp định.

Khi Việt Nam hưởng lợi từ việc gia tăng khả năng tiếp cận thị trường Mỹ, các nước xuất khẩu hàng dệt may khác tại châu Á được dự báo sẽ bị ảnh hưởng. Trong số này bao gồm Bangladesh, Campuchia, Pakistan, Ấn Độ và Sri Lanka.

Biswas cho rằng: "Dù đã đa dạng hóa danh mục ngành hàng xuất khẩu, tuy nhiên, ngành dệt may vẫn chiếm đến 13% tổng kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ trong năm tài khóa 2014-2015".

Trong khi đó, các nước EU sẽ không bị ảnh hưởng nhiều từ hiệp định này. Theo PIIE, điều này là do EU đã chủ động ký kết một số hiệp ước FTA với các quốc gia châu Á và hiện đang đàm phán với Mỹ.

Bây giờ hoặc không bao giờ

Các cuộc đàm phán TPP trước đó đã nhiều lần bị trì hoãn bởi các vấn đề bản quyền dược phẩm, bảo hộ nông nghiệp và xuất khẩu sữa. Nhưng các chuyên gia cho rằng, hiệp định phải được thông qua tại thời điểm này hoặc là sẽ không bao giờ.

"Đây thực sự là một thời điểm thích hợp so với các cuộc đàm phán trước đây, bởi về cơ bản mọi cánh cửa đã gần như đóng lại", Eims cho biết, "Nếu không có một thỏa thuận nào được ký kết vào cuối tuần này, nhiều khả năng các nước sẽ phải đợi đến sau khi bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2017. Lúc đó, không ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra".

Tuy nhiên, theo Tami Overby, luôn có khả năng các bên tham gia đàm phán sẽ đạt được thoả thuận về mặt nguyên tắc và sẽ ngồi lại làm việc chi tiết sau này. Theo CNBC, áp lực thời gian chính là một trong những yếu tố hiệu quả nhất trong việc thúc đẩy các nhà đàm phán sớm đi đến đồng thuận.

Trường Văn

Nguồn CNBC/The Diplomat


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày