Thế giới

Iran neo tỷ giá nội tệ trước nguy cơ sụp đổ của đồng rial

Thứ Hai | 08/10/2012 08:15

Iran vừa cho áp đặt tỷ giá USD cố định nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của đồng rial sau khi các cuộc biểu tình nổ ra do đồng rial mất giá.
Quyết định trên được chính quyền Tehran đưa ra hôm qua 7/10, trong bối cảnh người dân Iran phải vật lộn với các vấn đề kinh tế khi giá cả các loại hàng hóa tăng vọt mỗi ngày.

Theo báo cáo của giới truyền thông Iran, trung tâm ngoại hối của chính phủ đang bán USD ở mức 25.970 rial/USD.

"Trung tâm đã nhận được yêu cầu từ Hiệp hội trao đổi tiền - dưới sự kiểm soát của Ngân hàng trung ương Iran - trong đó hướng dẫn bán USD ở mức 26.000 rial/USD và mua vào ở mức 25.000 rial/USD", một nhân viên trung tâm cho biết.

"Với tỷ giá này, sẽ không có ai bán ra hoặc mua vào USD và chúng tôi cũng không thực hiện giao dịch", nhân viên này cho biết.

Theo các cơ quan thông tấn nhà nước, cũng như trang web về tiền tệ của Iran Mesghal, đồng rial trên thị trường tự do được giao dịch ở mức 28.500 rial/USD, mạnh hơn mức 37.500 rial/USD hồi đầu tuần.

Tuy nhiên, các đại lý ở Tehran và Dubai cho biết các giao dịch tiền tệ trên thị trường tự do gần như không được thực hiện bởi tỷ giá mà các phương tiện truyền thông đưa tin không được số đông chấp nhận.

Theo thị trường mở, phần lớn người dân Iran đang cố gắng bảo vệ đồng nội tệ của mình cho hoạt động kinh doanh, cũng như bảo vệ các khoản tiết kiệm của họ trước cơn bão lạm phát - được dự báo sẽ tăng trên 25% trong năm nay.

Hôm 2/10, dưới áp lực của các biện pháp trừng phạt kinh tế từ phương Tây, đồng rial của Iran đã chạm ngưỡng thấp kỷ lục 37.500 rial/USD, tương đương mất 1/3 giá trị chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày.

Hầu hết các thị trường giao dịch đồng rial ở Tehran và Dubai sau đó đã phải dừng hoạt động do các đại lý lo ngại sẽ bị cảnh sát Iran bắt giữ vì thực hiện các giao dịch với tỷ giá có nguy cơ khiến đồng rial sụp đổ.

Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đã lên tiếng đổ lỗi sự sụp đổ của đồng rial là do các biện pháp trừng phạt kinh tế. Tuy nhiên, một số nhà phê bình đường lối cứng rắn của ông lại cho rằng lỗi chủ yếu nằm ở chính sách tiền tệ của chính phủ.

Nguồn Aljazeera/Khampha


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày