Thế giới

Khối doanh nghiệp Mỹ cất giấu 2,1 nghìn tỷ USD ở nước ngoài

Thứ Năm | 05/03/2015 10:54

Năm 2014, tổng tài sản cất giấu nước ngoài của khối doanh nghiệp Mỹ tăng 8% so với năm 2013, dù có 58 doanh nghiệp báo cáo lợi nhuận giảm, theo Bloomberg.

Trong đó, tổng lợi nhuận ở nước ngoài của 8 công ty công nghệ lớn nhất nước như Microsoft, Apple, Google, tăng thêm 69 tỷ USD trong cùng kỳ. 8 doanh nghiệp này chiếm hơn 1/5 tổng tài sản 2,1 nghìn tỷ USD mà khối doanh nghiệp Mỹ đang cất giấu ở nước ngoài, theo số liệu của Bloomberg.

Danh sách 10 doanh nghiệp Mỹ có tổng tài sản cất giấu ở nước ngoài lớn nhất
Danh sách 10 doanh nghiệp Mỹ có tổng tài sản cất giấu ở nước ngoài lớn nhất tính đến năm 2014

Riêng với Microsoft, Apple và Google, lợi nhuận thu từ thị trường nước ngoài đều tăng hơn 20% trong cả năm 2014. Những doanh nghiệp nhỏ hơn như Cisco, Oracle, Qualcomm, lại kiếm được ít nhất 4 tỷ USD từ các chi nhánh ở nước ngoài.

Trong số các doanh nghiệp Mỹ được khảo sát, General Electric (GE), Microsoft, Pfizer, Apple và IBM là 5 doanh nghiệp làm ăn có lời nhất trên thị trường quốc tế. Chỉ riêng tổng tài sản mà 5 doanh nghiệp này cất giấu ở nước ngoài đã chiếm gần 20% của tổng 2,1 nghìn tỷ USD.

GE ghi nhận 5 năm liên tiếp là doanh nghiệp Mỹ có tổng tài sản ở nước ngoài lớn nhất. Tính đến hết năm 2014, GE đang cất giấu 119 tỷ USD ở nước ngoài, tăng 8% so với thời điểm cuối năm 2013.

Theo ước tính của Bloomberg, nếu 7 doanh nghiệp, gồm Microsoft, Apple, Oracle, Citigroup, JPMorgan, Goldman Sachs và Bank of America, hồi hương tài sản về Mỹ, tổng doanh thu ngân sách (từ thuế doanh nghiệp) sẽ tăng thêm hơn 90 tỷ USD - đủ để duy trì hoạt động của một số ban ngành và cơ quan chính phủ trong 1 năm.

tổng doanh thu ngân sách Mỹ từ thuế doanh nghiệp sẽ tăng lên hơn 90 tỷ USD - đủ để duy trì hoạt động của một số ban ngành và cơ quan chính phủ trong 1 năm.
Doanh thu ngân sách từ thuế thu nhập của 7 doanh nghiệp trên đủ để một số ban ngành và cơ quan chính phủ Mỹ duy trì hoạt động trong vòng 1 năm

Cất giấu tài sản ở nước ngoài, đặc biệt là những nước đánh thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn Mỹ, là một phương thức trốn thuế mà nhiều doanh nghiệp Mỹ đang sử dụng. Trước tình hình này, Tổng thống Barack Obama và các nhà lập pháp của Mỹ buộc phải vào cuộc với kế hoạch điều chỉnh lại mã số thuế.

Ông Obama và đảng Cộng hòa đề xuất đánh thuế một lần 14% mỗi năm đối với phần lợi nhuận tích lũy mà các doanh nghiệp Mỹ đang lưu giữ ở nước ngoài. Với mức thuế này, ngân sách chính phủ dự kiến tăng thêm 268 tỷ USD trong vòng 6 năm tới và số tiền này sẽ được sử dụng cho các dự án cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, kế hoạch của ông Obama không được Quốc hội Mỹ thông qua.

Mặt khác, cũng có rất ít dấu hiệu cho thấy, những công ty công nghệ danh tiếng này sẽ hồi hương đống tài sản "kếch xù" từ nước ngoài. Đặc biệt, những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin lại có rất nhiều phương thức để cất giấu tài sản.

Tuy nhiên hiện nay, một số doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác đang có xu hướng hồi hương tài sản để đầu tư vào thị trường Bắc Mỹ. Điển hình là công ty năng lượng Duke vừa hồi hương khối tài sản 2,7 tỷ USD trong tháng 2 và kết quả là phải chịu 373 triệu tiền thuế. Công ty dầu khí Apache cũng rút toàn bộ 17 tỷ USD vốn đầu tư ở nước ngoài (tính đến cuối năm 2013) về Mỹ. Trong khi đó, công ty sản xuất thiết bị y tế Stryker lại đang lên kế hoạch hồi hương 2 tỷ USD trong năm nay.

Nguồn DVO/ Bloomberg


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày