Thế giới

Kinh tế Trung Quốc hụt hơi

Thứ Hai | 10/08/2015 10:41

Theo Tân Hoa xã, cuối tuần qua Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NSB) thông báo xuất khẩu tháng 7 giảm tới 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là mức sụt giảm lớn nhất trong vòng bốn tháng qua, vượt xa mức giảm dự báo 1,5% theo khảo sát trước đó của Hãng Bloomberg. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu hàng hóa từ thị trường Liên minh châu Âu (EU) suy giảm và giá đồng nhân dân tệ (NDT) tăng cao. Nhập khẩu cũng tụt dốc mạnh 8,1%.

Như vậy thặng dư thương mại Trung Quốc trong tháng 7 chỉ đạt 43 tỉ USD, thấp hơn nhiều so với dự báo 53,25 tỉ USD. Báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) dẫn lời nhà kinh tế Li Huiyong của Hãng Shenwan Hongyuan Securities mô tả các con số này “là sự khởi đầu vô cùng tồi tệ đối với quý 3”.

“Điều tệ hại hơn nữa là triển vọng xuất khẩu vẫn tiếp tục u ám trong cả nửa cuối năm nay” - chuyên gia Li cảnh báo.

Trong khi đó, giá hàng hóa xuất xưởng cũng giảm 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, con số tồi tệ nhất kể từ tháng 10-2009. Đây là tháng thứ 40 liên tiếp giá xuất xưởng của Trung Quốc sụt giảm.

Giá xuất xưởng tụt dốc là mối lo ngại lớn bởi điều đó đồng nghĩa với việc lợi nhuận của các nhà sản xuất và các công ty tài nguyên suy giảm, đẩy gánh nặng nợ nần của các doanh nghiệp này tăng cao.

Theo khảo sát của Hãng Thomson Reuters, hiện nợ doanh nghiệp của Trung Quốc đã lên tới 160% GDP, cao gấp hai lần Mỹ.

Một khảo sát của Chính phủ Trung Quốc trong tháng 8 cho thấy các doanh nghiệp nước này đang liên tiếp sa thải nhân công. Ngân hàng ANZ đánh giá Trung Quốc sẽ không dễ đạt tỉ lệ tăng trưởng 7% theo mục tiêu đề ra trong năm 2015, bởi tăng trưởng thương mại sẽ không khả quan trong nửa cuối năm 2015.

Bloomberg dẫn lời nhà kinh tế Liu Xuezhi thuộc Ngân hàng Viễn thông khẳng định “xuất khẩu giờ không còn là cỗ máy tăng trưởng của Trung Quốc”.

Chính phủ Trung Quốc tuyên bố trong sáu tháng đầu năm 2015, GDP nước này đạt 7%. Tuy nhiên rất nhiều chuyên gia quốc tế nghi ngờ con số này đã bị thổi phồng “cho đẹp”.

Nhà kinh tế Liu Xuezhi dự báo Chính phủ Trung Quốc sẽ phải sớm tăng tốc đầu tư vào hạ tầng để kích thích tăng trưởng. Khả năng Trung Quốc giảm giá đồng NDT đã bị loại bỏ do Bắc Kinh muốn NDT trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế.

GDP 7% của nửa đầu năm 2015 vẫn là rất cao so với nhiều nền kinh tế phát triển, nhưng với một quốc gia trên 1,3 tỉ dân như Trung Quốc, bất kỳ sụt giảm nhỏ nào trong tăng trưởng cũng đẩy hàng chục triệu người lao động rơi vào cảnh mất việc làm.

Theo AFP, tăng trưởng Trung Quốc suy giảm cũng đang ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của các nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường này.

Mới đây Hãng xe Volkswagen thông báo doanh số tại Trung Quốc sụt giảm 3,9% trong nửa đầu năm 2015. Volkswagen đánh giá thị trường Trung Quốc “đang bất ổn”. Hãng thép Nhật JFE Holdings và tập đoàn công nghiệp Mỹ UTC đều hạ dự báo lợi nhuận năm 2015 do tăng trưởng Trung Quốc suy giảm.

Nguồn Tuổi trẻ


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày