Thế giới

Mỹ đang "xuất khẩu" lạm phát sang các quốc gia khác

Gia Khánh Thứ Sáu | 30/09/2022 11:51

Kể từ khi lạm phát vì đại dịch xảy ra vào năm ngoái, lạm phát tại Mỹ đã cao hơn nhiều so với châu Âu.

Chi tiêu cho hàng hoá của người tiêu dùng Mỹ tăng và đồng USD mạnh hơn đang thúc đẩy lạm phát ở nhiều quốc gia khác.
Kể từ khi lạm phát vì đại dịch xảy ra vào năm ngoái, lạm phát tại Mỹ đã cao hơn nhiều so với châu Âu.

Trong nhiều thập kỷ, các hộ gia đình Mỹ đã cứu vãn nền kinh tế toàn cầu, tuy nhiên đợt chi tiêu gần đây của họ đã đi kèm với một số "nhức nhối" bất cập cho các quốc gia khác.

Không thể ra ngoài trong thời điểm đại dịch, mọi người trên khắp thế giới đã mua nhiều hàng hóa hơn, như TV, máy tính xách tay hay xe đạp tập thể dục. Hoặc một số loại dịch vụ với chi phí đắt đỏ như phòng khách sạn hoặc thẻ thành viên phòng tập. Và sự thay đổi ở Mỹ thì lớn hơn nhiều so với các nước giàu có khác.

Chi tiêu của Người tiêu dùng Tỷ lệ phần trăm thay đổi trong tỷ lệ chi tiêu của người tiêu dùng, từ quý 4 năm 2019
Chi tiêu của Người tiêu dùng. Tỷ lệ phần trăm thay đổi trong chi tiêu của người tiêu dùng, từ quý IV năm 2019. Ảnh: Bloomberg.

Và vì những hàng hóa này được giao dịch trên toàn cầu - với nguồn cung hạn chế bởi COVID-19 - nhu cầu của Mỹ đã đẩy giá cả ở các nước khác lên cao. Hay nói cách khác, Mỹ đang "xuất khẩu" lạm phát ra nước ngoài.

Trước COVID, hàng hóa rất dồi dào và thách thức lớn nhất khi đó của các nhà sản xuất là tìm kiếm người mua. Các quốc gia có thặng dư thương mại lớn như Đức và Trung Quốc thường bị “khiển trách" vì hưởng lợi một khi nhu cầu tăng cao ở nơi nào đó trên thế giới. Ngược lại, thâm hụt thương mại của Mỹ lại được coi là một lợi ích cho các nền kinh tế của các quốc gia khác.

Trong thời đại khan hiếm mới, mọi chuyện lại bị đảo ngược.

Giờ đây, có những dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng Mỹ đang chi tiêu nhẹ tay hơn, khi Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất để hạ nhiệt nền kinh tế và chống lạm phát.

Đối với phần còn lại của thế giới, mọi thứ sẽ tiếp tục áp lực chỉ khi Mỹ chuyển sang "xuất khẩu" lạm phát thông qua một kênh khác: Đồng USD siêu mạnh.

Với tỉ giá ở Mỹ tăng nhanh hơn nhiều so với khu vực đồng euro và Nhật Bản, đồng USD đang tăng vọt. Tuần trước, đồng tiền này đã vượt lên euro lần đầu tiên sau hai thập kỷ. Điều này làm cho hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ và tất cả các loại hàng hóa thường được định giá bằng USD, đặc biệt là dầu, đắt hơn đối với các quốc gia khác.

Tại châu Âu và các nơi khác, chi phí năng lượng và lương thực đang gia tăng khi cuộc tấn công của Nga vào Ukraine làm trầm trọng thêm hệ quả mà đại dịch để lại cho chuỗi cung ứng.

Ông Holger Schmieding, nhà kinh tế tại Ngân hàng Berenberg ở London, cho biết lạm phát tại châu Âu ít nhiều là được “nhập khẩu" từ bên kia Đại Tây Dương.

“Nhập khẩu lạm phát không phải là trực tiếp mua những thứ đắt tiền từ Mỹ. Mà là Mỹ, và nhu cầu to lớn của họ đã góp phần gây ra tắc nghẽn nguồn cung trên toàn thế giới và dẫn đến giá cả cao hơn.” ông nói.

Thay đổi trong lạm phát, tính theo điểm phần trăm kể từ tháng 1 năm 2021.
Thay đổi trong lạm phát, tính theo điểm phần trăm kể từ tháng 1 năm 2021.

Ở Mỹ, nhu cầu cao của các hộ gia đình, chủ yếu là hàng hóa, đóng một vai trò lớn hơn. “Đó là loại lạm phát không tự biến mất,” theo bà Ana Luis Andrade của Bloomberg Economics. Đây là một lý do khiến Fed dự kiến ​​sẽ nâng lãi suất nhiều hơn mức Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ làm.

Nhưng nếu chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ đang thúc đẩy lạm phát của Mỹ, thì ít nhất đó là điều mà Fed có thể khắc phục. Chính sách tiền tệ là một công cụ kìm hãm giá cả bằng cách hạ thấp nhu cầu trong nước. Khi lạm phát đến từ bên ngoài, như tình hình đang xảy ra ở châu Âu, thì việc ngân hàng nâng lãi suất cao hơn sẽ chỉ làm chậm nền kinh tế mà không giải quyết các nguyên nhân đẩy giá lên cao.

Ông Luca Fornaro, từ Trường Kinh tế Barcelona, ví tình huống này giống như một “cuộc chiến tranh tiền tệ đảo ngược”. Thay vì theo đuổi việc giảm giá để thúc đẩy xuất khẩu, như nhiều nước đã làm trước đại dịch, hiện các quốc gia muốn nâng cao đồng tiền của mình và giảm thâm hụt thương mại, góp phần kiềm chế lạm phát trong nước.

Mỹ rõ ràng đang giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh đó. Châu Á, giống như châu Âu, phụ thuộc nhiều vào năng lượng bên ngoài (Trung Quốc là nước mua dầu lớn nhất thế giới), nên rất dễ bị tổn thương. Tuần trước, thủ tướng Lý Khắc Cường đã cảnh báo các quan chức Trung Quốc phải chú ý đến việc “ngăn chặn lạm phát nhập khẩu”.

Các Ngân hàng Trung ương châu Á đã bị hạn chế trong việc tăng lãi suất so với Fed. Theo ông Rob Subbaraman, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường toàn cầu tại Nomura Holdings, điều đó có thể khuếch đại tác động lạm phát mà đồng USD tăng giá gây ra.

Có thể bạn quan tâm: 

Châu Á cần chuẩn bị gì cho việc thiếu hụt dầu khí đang "chớm nở"?

Nguồn Bloomberg


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày