Thế giới

Ngân hàng đầu tư ngày càng gọn nhẹ và hiệu quả

Thứ Bảy | 18/05/2013 22:03

Bài toán chi phí đặt ra, buộc ngân hàng đầu tư phải vật lộn để giảm bớt lượng “mỡ thừa” mà không cần “giảm cơ”, nhỏ gọn và hiệu quả hơn.

Lý do khiến dân chúng và các chính trị gia phát cáu chính vì ngân hàng đầu tư chủ yếu hoạt động vì lợi ích của nhân viên hơn là vì cổ đông và khách hàng. Tuy nhiên, điều này đang thay đổi.

Những quy định mới tại châu Âu sẽ hạn chế quy mô các khoản tiền thưởng tương ứng với tiền lương của ngân hàng.

Toàn xã hội đều nhất trí rằng: tiền thưởng cho nhân viên ngân hàng trong những năm gần đây đã lớn hơn nhiều so với mức cho phép. Vì vậy nhiều cổ đông đã cáu gắt, gây sức ép đáng kể lên việc phân chia cổ tức và buộc các ngân hàng phải tập trung vào mục tiêu lợi nhuận hơn là doanh thu.

Giám đốc điều hành cấp cao của hầu hết các ngân hàng đầu tư hàng đầu đều sẽ đồng ý rằng: trong những năm phát triển bùng nổ, họ chủ yếu tập trung vào mục tiêu doanh thu hơn là chỉ tiêu lợi nhuận hay tỉ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu.

"Lương chi trả chủ yếu dựa vào doanh thu chứ không căn cứ trên các khía cạnh đánh giá năng suất lao động khác".

Anthony Salz, một luật sư ở London được ngân hàng Barclays ủy quyền để nghiên cứu về văn hóa kinh doanh, đã nhận ra một điều quan trọng: Tại các ngân hàng, "lương chi trả chủ yếu dựa vào doanh thu chứ không căn cứ trên các khía cạnh đánh giá năng suất lao động khác".

Công bằng mà nói, hầu hết các ngân hàng lớn đã làm như vậy và mọi nhà quản lý đều có động cơ hợp lý để làm như vậy. Với lợi nhuận tăng vọt trong những năm trước khủng hoảng, các cổ đông của ngân hàng dường như thấy mình là “người mua vé số” chứ không phải là chủ sở hữu. Họ nghĩ rằng việc cho phép các ngân hàng mở rộng quy mô và tầm địa lý càng nhanh càng tốt là cách làm tăng cơ hội có thể thu được nguồn lợi nhuận khổng lồ trong tương lai.

Kể từ cuộc khủng hoảng, các ngân hàng buộc phải bắt đầu thắt chặt quản lý như lựa chọn “đắt đỏ” cho sự phát triển trong tương lai. Biểu hiện rõ ràng nhất thông qua chi phí và các cơ cấu lương. Quả thật, số nhân viên và tiền lương trong ngành ngân hàng đang giảm nhanh.

CEBR, một công ty tư vấn kinh tế dự báo số người làm việc trong ngành tài chính London trong năm nay sẽ giảm còn khoảng 237.000 người, quá khiêm tốn so với năm 2007 khi mức đỉnh từng chạm mốc 354.000 người. Thậm chí, nếu nhìn lại trong vòng 20 năm, đây là con số thấp chưa từng có.

Tương tự, tại New York và châu Á, lượng lao động trong ngành đang sụt giảm. Chỉ tính riêng quý đầu tiên của năm 2013, sáu ngân hàng lớn nhất nước Mỹ công bố kế hoạch cắt giảm 21.000 việc làm, tương đương gần 2% lực lượng lao động của họ.

Nhà phân tích tại JP Morgan cho rằng các nhà môi giới Mỹ đã giảm 10% lực lượng lao động kể từ năm 2007-2008. Lần cuối cùng chứng kiến đợt cắt giảm mạnh tay tương tự là vào đầu những năm 2000.

Mức lương trung bình đã giảm khoảng 20% kể từ sau khủng hoảng và nhiều chuyên gia nhận định còn sẽ còn giảm sâu hơn nữa trong vài năm tới khi các ngân hàng phải vật lộn nhằm vực dậy tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE).

Báo cáo mới đây của Morgan Stanley và Oliver Wyman đưa ra khuyến nghị: các ngân hàng châu Âu cần tiếp tục cắt giảm chi phí 10 - 25%, điều tương tự cũng có thể đúng đối với nước Mỹ. Ông Hintz tính toán chi phí lương của ngân hàng sẽ phải giảm từ 50% xuống mức 40% trên tổng doanh thu. Mục tiêu trên có thể đạt được phần nào nhờ sự cắt giảm lương trên diện rộng, hay bằng cách đề bạt (hoặc thuê) ít người hơn cho những vị trí được trả lương cao.

Đây không hẳn là điều dễ thực hiện. Simon Samuels, nhà phân tích tại Barclays, người đã thực hiện các nghiên cứu hàng năm về cải thiện chi phí lương trên tổng doanh thu tại các ngân hàng chính của châu Âu (không chỉ các ngân hàng đầu tư). Ông cho rằng các ngân hàng đang quá tham vọng khi hứa hẹn cải thiện tỷ lệ này 3,3% mỗi năm trong 3 năm tới, ngay cả khi đề nghị cắt giảm được thông qua. Ông chỉ ra rằng trong 12 năm trước khủng hoảng, tỷ lệ chỉ được cải thiện trung bình khoảng 0,6% mỗi năm.

Nếu câu chuyện xảy ra trong những ngành khác, áp lực về chi phí có thể kích thích một làn sóng hợp nhất. Tuy nhiên kể từ sau khủng hoảng, các nhà quản lý vẫn chưa cho phép bất cứ ngân hàng nào trong số những ngân hàng lớn nhất thế giới có thể mua lại đối thủ cạnh tranh và mở rộng quy mô. Các ngân hàng nhỏ muốn hợp nhất cũng chịu ảnh hưởng.

Theo Hiệp ước vốn Basel III, ngân hàng càng lớn thì càng thu hút vốn với chi phí lớn hơn. Do vậy, một số ngân hàng đang tìm cách kết hợp sức mạnh bằng cách khác: chẳng hạn để giải quyết các công việc giấy tờ, các ngân hàng đã áp dụng chương trình tiện ích, chạy trên hệ thống máy tính để tiết kiệm chi phí.

Câu trả lời chuẩn mực

Marty Chavez, đồng giám đốc điều hành hoạt động kinh doanh cổ phiếu tại Goldman Sachs cho biết trước khủng hoảng tài chính, mỗi ngân hàng và đối tác thường đàm phán về những thỏa thuận quy phạm pháp luật làm cơ sở cho các giao dịch phái sinh. Khi cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra, ngân hàng bắt đầu lo lắng về sức khỏe của các đối tác, họ đã phải gọi luật sư và qua hàng ngàn các thỏa thuận như vậy để tìm ra những tài sản thế chấp chấp nhận được.

Các ngân hàng đang làm việc theo hướng tiêu chuẩn hóa các thỏa thuận này không những nhằm giảm chi phí pháp lý mà còn cho phép họ bù đắp rủi ro chính xác hơn, hay sử dụng trung tâm thanh toán bù trừ sẽ làm giảm số vốn phải giữ.

Các thỏa thuận tiêu chuẩn mới sẽ từng bước trở thành cuộc cách mạng trong ngành tài chính như sự tiêu chuẩn hóa các loại thép, cao su và bu-lông trong ngành sản xuất hồi giữa thế kỷ XIX.

Những lợi ích mà các ngân hàng có được từ việc có thể thuê ngoài một phần của các doanh nghiệp của họ cho các công ty chuyên gia có thể là rất lớn. BCG tính toán rằng khi các hãng đạt được quy mô đủ lớn tại các thị trường như ngoại hối, chi phí của mỗi giao dịch tiền tệ sẽ giảm gần một phần ba.

Loại công nghệ mới như điện toán đám mây có thể thúc đẩy giảm chi phí hơn nữa. Steve Vinnicombe của Capco, một nhà tư vấn công nghệ tính toán rằng các ngân hàng có thể tiết kiệm 40-60% chi phí cơ bản bằng cách áp dụng cơ sở hạ tầng chung hoặc chuyển sang một hệ thống công nghệ thông tin hoàn toàn mới.

Morgan Stanley và Olivier Wyman cho rằng bằng cách sử dụng chung, các ngân hàng có thể tiết kiệm 3 tỷ USD mỗi năm và cải thiện ROE đến 0,5%. Nhưng cho tới khi điều đó xảy ra, các ngân hàng đầu tư chiếm thị phần lớn nhất sẽ còn duy trì vị trí đứng đầu nhờ tận dụng được lợi thế kinh tế theo quy mô.

Nguồn Dân Việt


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày