Thế giới

Nguy cơ nội tại của kinh tế Trung Quốc

Đàm Hoa Thứ Ba | 06/03/2018 08:30

Cát Lâm, Liêu Ninh và Hắc Long Giang là những đối tượng bị tác động mạnh nhất bởi sự thu hẹp quy mô của các ngành công nghiệp nặng truyền thống.

Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới như thế nào?

E cho Zhang, một kỹ sư 39 tuổi, đã từ lâu từ bỏ ý định quay về quê nhà ở miền Đông Bắc Trung Quốc để được gần với cha mẹ đang ở tuổi xế chiều của mình. Lý do rất đơn giản là cô không thể tìm được việc làm ở quê mình. “Ở Bắc Kinh, tôi thấy có nhiều công nghệ mới không ngừng làm thay đổi diện mạo của thành phố. Nhưng khi quay về quê nhà ở Cát Lâm, tôi có cảm giác giống như mình đang quay ngược về quá khứ vì nơi đây phát triển quá chậm”, cô nhận xét.

Cát Lâm, Liêu Ninh và Hắc Long Giang là 3 tỉnh ở phía Đông Bắc Trung Quốc, một thời là niềm tự hào của nền kinh tế kế hoạch hóa công nghiệp nước này. Nhưng 3 tỉnh nói trên lại là những đối tượng bị tác động mạnh nhất bởi sự thu hẹp quy mô của các ngành công nghiệp nặng truyền thống như than đá, thép và bởi đà suy giảm trong dài hạn của các doanh nghiệp nhà nước trong vùng.

Tỉ trọng đóng góp của khu vực Đông Bắc vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã giảm phân nửa còn chỉ 7% trong năm 2016, từ mức 13% của năm 1980. Khi đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo rằng các khoản cho vay khó đòi và các doanh nghiệp “xác sống” đang làm ăn thua lỗ lại tập trung chủ yếu ở những khu vực rắc rối như Đông Bắc.

Một trong 3 tỉnh của khu vực này là Liêu Ninh vào năm ngoái đã trải qua đợt suy thoái chính thức đầu tiên kể từ năm 2009 khi tăng trưởng âm tới 2,5%. “Đà suy giảm của khu vực Đông Bắc là một mối nguy đáng kể đối với mục tiêu của Chính phủ trong việc tạo ra một xã hội thịnh vượng. Đây là nỗi quan ngại rất lớn xét trong bối cảnh tầm quan trọng về địa chính trị của Đông Bắc (tiếp giáp với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và Nga), nơi sự ổn định xã hội và kinh tế được đánh giá là rất cần thiết để duy trì vị thế hiện tại”, Kathryn Rand, cựu quan chức chính trị thuộc Đại sứ quán Anh ở Bắc Kinh, nhận định.

Chính phủ Trung Quốc đã tìm mọi cách để thổi luồng sinh khí mới vào khu vực này bằng cách trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu, thép và nông nghiệp mà thống trị nền kinh tế Đông Bắc, nhưng chiến lược này đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ nhiều chuyên gia kinh tế có uy tín của nước này.

Nguy co noi tai cua kinh te Trung Quoc
 

“Một chiến lược mở rộng sản lượng của các doanh nghiệp không có khả năng tồn tại và đứng vững độc lập là một chiến lược đi ngược lại với lợi thế so sánh”, Justin Yifu Lin, cựu chuyên gia kinh tế trưởng của World Bank, nhận xét. Ông đã đề xuất Chính phủ cần chuyển hướng sang hỗ trợ các lĩnh vực mà khu vực Đông Bắc có lợi thế so với các khu vực còn lại của đất nước như ngành du lịch và ngành công nghiệp nhẹ sử dụng nhiều lao động, như vậy mới có thể hưởng lợi từ mức lương tương đối rẻ trong vùng.

Trong khi đó, Hu Shuli, nhà sáng lập tạp chí kinh doanh Caixin, thì cho rằng Đông Bắc nên “từ bỏ tư duy lớn ở cấp chính phủ” và cho phép các doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh. Andrew Batson, Giám đốc Nghiên cứu về Trung Quốc thuộc hãng tư vấn Gavekal Dragonomics, nhận định những tranh cãi về tương lai của Đông Bắc là một “vấn đề còn nhiều bàn cãi, đưa Trung Quốc đứng trước các lựa chọn, giữa cải cách theo định hướng thị trường với chính sách công nghiệp thúc đẩy bởi Nhà nước”. Những cam kết của Chính phủ trong việc tạo điều kiện cho thị trường tư nhân phát triển lại hoàn toàn bất đồng với những chính sách trợ cấp nhà nước vẫn tiếp tục được “ban phát” cho các doanh nghiệp quốc doanh. Và người dân địa phương đang ngày càng lên tiếng về việc các quan chức địa phương đã thất bại trong việc thực thi các chính sách thúc đẩy thị trường.

Mặc dù 3/4 sinh viên tốt nghiệp Trung Quốc chọn ở lại làm việc ở quê nhà vào năm ngoái, theo hãng tư vấn Mycos, nhưng con số này thấp hơn phân nửa ở khu vực Đông Bắc. Khoảng 1,8 triệu người được ước tính đã rời khỏi Đông Bắc trong thập niên vừa qua. “Tôi không hy vọng gì về khả năng khởi sắc của Đông Bắc”, Hao Xuesong, một nhà phát triển bất động sản nhận xét.

Quay trở lại thành phố Cát Lâm để họp mặt trường, Hao Xuesong cảm thấy rất bi quan và sự bi quan này cũng được “chia sẻ” bởi các bạn học cùng lớp ngày xưa của ông. Tất cả đều nói rằng sự ì ạch của khu vực Đông bắc là kết quả của việc các quan chức địa phương đã quá quan liêu, cứng nhắc và cứ bám lấy lý tưởng cũ về nền kinh tế công nghiệp ngày trước. Tình trạng quan liêu cũng đi liền với nạn tham nhũng, theo một cựu công chức làm việc tại Liêu Ninh và hiện làm việc cho một tập đoàn đa quốc gia ở Thượng Hải. Cô nói rằng cô nghỉ việc “vì không thể tìm được một việc làm thích hợp”.

Khu vực Đông Bắc cũng gặp khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư. Đó là khu vực duy nhất ở Trung Quốc mà đầu tư tài sản cố định tư nhân đã giảm trong giai đoạn 2016-2017. Phát biểu tại một cuộc họp chính phủ gần đây, Ma Jiantang thuộc Viện Quản trị Trung Quốc cho biết nhiều doanh nhân tin rằng: “Đầu tư không nên vượt qua khỏi đèo Shanhaiguan” (đèo Shanhaiguan là một phần của vạn lý trường thành, phân chia giữa Đông Bắc với phần còn lại của đất nước).

Nguy co noi tai cua kinh te Trung Quoc
 

Zhang Lihua, Giám đốc hãng công nghệ Changchun Boli, cũng thừa nhận Đông Bắc đang ở thế bất lợi về cạnh tranh. “Nơi đây có nền tảng tốt để tăng trưởng nếu chúng ta có thể thực hiện các cải cách. Nhưng các tỉnh phía Nam lại cạnh tranh rất khốc liệt để giành người giỏi và thu hút giới doanh nghiệp; còn Đông Bắc thì lại tụt ở đằng sau”, ông nhận định.

Lu Xiaomeng, thuộc Viện Tài chính Tiên tiến Thượng Hải (Đại học Jiao Tong), cho rằng đầu tư tư nhân sẽ tăng nhưng chậm. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể xảy ra nếu quyền lực của các doanh nghiệp nhà nước bị kiềm lại. “Câu chuyện về tầm ảnh hưởng của các doanh nghiệp nhà nước là một vấn đề của cả nước. Đặc biệt ở nền kinh tế Đông Bắc, các doanh nghiệp nhà nước lại là kẻ cầm trịch. Tôi hy vọng khu vực tư nhân có thể sống sót và phát triển”, bà nói


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày