Thế giới

Những bài toán nan giải của Trung Quốc vào thời điểm khởi động lại nền kinh tế

Vũ Hạo Thứ Hai | 09/03/2020 18:15

Ảnh: Bloomberg

Làm sao kích thích kinh tế mà không phải nới lỏng “dây cương” đối với hoạt động đi vay là bài toán chưa có lời giải tại thời điểm này.
Ảnh: Bloomberg

Trong một năm bình thường, tại thời này hằng năm, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đều tụ họp tại Đại lễ đường Nhân dân của Bắc Kinh để bàn bạc và bỏ phiếu thông qua các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế và những chính sách để đạt được mục tiêu đó.

Thay vào đó, thủ đô của Trung Quốc hiện vẫn vắng lặng. Những sự kiện tụ tập lớn đều bị hủy bỏ khi Trung Quốc và phần còn lại của thế giới vật lộn với dịch virus corona chủng mới – một bệnh dịch đã giết chết hơn 3.500 người và khiến tình trạng sản xuất tại Trung Quốc đình trệ, và đáng lo ngại hơn là dịch bệnh đã lan rộng ra nhiều lục địa.

Tuy nhiên, việc các quan chức không thể tụ họp không phải là lý do duy nhất khiến Trung Quốc chưa thể tung ra kế hoạch toàn diện để khởi động lại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, khi virus cororna đẩy kinh tế nước này hướng tới quý suy thoái đầu tiên trong nhiều thập kỷ qua – một điều khá đau lòng với một quốc gia từng được gọi là phép màu tăng trưởng tại châu Á.

* Liệu kinh tế Trung Quốc có thể chống chọi với virus corona?

Virus corona tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Nguồn: Bloomberg
Virus corona tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Nguồn: Bloomberg

Trong lúc vẫn phải đấu tranh với tình trạng y tế khẩn cấp quốc gia, nhà nước Trung Quốc cũng phải quyết định chi tiêu bao nhiêu và rót tiền vào đâu, cùng với trái tim trĩu nặng vì những rủi ro vẫn tồn tại lâu nay như gánh nặng nợ khổng lồ và tính hữu dụng ngày càng giảm của những con đường và đường sắt mới. Phần lớn sẽ phụ thuộc vào việc liệu Trung Quốc có muốn đấu tranh bảo vệ mục tiêu tăng trưởng "khoảng 6%" đã đề ra trước đó hay không.

Nếu vẫn quyết tâm đặt mục tiêu cao, thì Trung Quốc có lẽ buộc phải triển khai chính sách kích thích kinh tế quy mô lớn chưa từng thấy kể từ đợt kích thích 4 ngàn tỷ nhân dân tệ (tương đương 577 tỷ USD) sau cuộc đại suy thoái. Điều này cũng có khả năng hãm phanh đà giảm tốc của kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, Trung Quốc đang áp dụng phương pháp tiếp cận "chờ đợi và quan sát” khi các số liệu thống kê cho thấy dịch bệnh đang dần được kiểm soát. Nhờ đó, Bắc Kinh có thể không cần phải chi mạnh. Trong ngày 09/03, Trung Quốc chỉ ghi nhận 40 ca nhiễm mới, một con số khá thấp.

Ở tỉnh Hồ Bắc, số ca nhiễm mới dần dần suy giảm với mức trung bình ít hơn 150 ca/ngày trong tuần trước, thấp hơn nhiều so với mức hơn 400 ca trong tuần trước đó. Số ca nhiễm mới ở những nơi khác tại Trung Quốc chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong đó phần lớn tỉnh khác không ghi nhận thêm ca nhiễm mới trong nhiều ngày liên tiếp.

Những diễn biến này góp phần củng cố lòng tin của những người cho rằng nền kinh tế có thể nhanh chóng hồi phục theo hình chữ V. Tuần trước, cổ phiếu của Merck KGaA tăng mạnh sau khi công ty cho biết nhiều khả năng tác động của virus sẽ giảm dần trong quý 2/2020 và chỉ khiến doanh thu giảm 1%.

Tuy vậy, những báo cáo từ các khu vực trung tâm sản xuất ven bờ đông của Trung Quốc cho thấy phần lớn công ty chưa hoạt động trở lại hoặc chưa hoạt động hết công suất. Giữa lúc Trung Quốc áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại và các biện pháp chống virus nghiêm khắc, tỷ lệ nhà máy hoạt động trở lại chỉ là 80% hoặc thấp hơn.

Bên cạnh đó, một rủi ro khác là trong bối cảnh số ca nhiễm mới giảm xuống, nền kinh tế sẽ khởi động lại và công nhân quay trở lại quá sớm.

Ben Cowling, Giáo sư dịch tễ và thống kê sinh học tại Đại học Hong Kong, cảnh báo có thể xuất hiện làn sóng nhiễm bệnh thứ hai ở Trung Quốc khi các doanh nghiệp hoạt động trở lại và mọi người quay lại làm việc. Các thành phố lớn cũng dễ bị lây nhiễm từ nước ngoài thông qua hoạt động thương mại.

“Ở các thành phố khác của Trung Quốc, số ca nhiễm rất thấp và họ vẫn có thể bị nhiễm”, ông Cowling cho biết.

Tăng trưởng toàn cầu được dự báo giảm xuống 2,4%. Nguồn: Bloomberg
Tăng trưởng toàn cầu được dự báo giảm xuống 2,4%. Nguồn: Bloomberg

Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng không tin tưởng vào số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc sau nhiều lần thay đổi cách tính (gây ra vụ tăng đột biến số ca nhiễm mới 15.000 ca) và thay đổi khái niệm về ca nhiễm.

Trong bối cảnh bất ổn như hiện nay, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiệm vụ khó nhằn: Làm sao kích thích kinh tế mà không một lần nữa nới lỏng “dây cương đang thắt chặt” đối với hoạt động đi vay. Tổng nợ của Trung Quốc đang hướng tới mức cao gấp 3 lần quy mô nền kinh tế, và ổn định tài chính vẫn là ưu tiên hàng đầu của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Một gói kích thích quyết liệt có thể bao gồm hạ lãi suất mạnh hơn so với những lần điều chỉnh nhẹ lãi suất thị trường trước đó, đồng thời bơm mạnh thanh khoản thông qua hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc, đồng thời kết hợp các chính sách giảm thuế và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Tuy vậy, trước khi virus bùng phát, các chuyên gia đã đề cập tới những biện pháp này vì kinh tế Trung Quốc đang trên đà giảm tốc dài hạn.

Triển vọng tăng chi cho cơ sở hạ tầng bị che mờ bởi việc thiếu các dự án quy mô lớn và nguồn tài trợ bị giới hạn ở địa phương. Trung Quốc hiện đã có mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới.

Nói tóm lại, việc thiết kế một gói kích thích trở nên khó hơn rất nhiều so với trước đây.

Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ bị tác động từ cả hai phía, khi phần còn lại của thế giới cũng đang chìm vào rối loạn, theo David Loevinger, từng là chuyên gia về Trung Quốc tại Bộ Tài chính Mỹ và hiện là nhà phân tích tại quỹ TCW Group ở Los Angeles.

* Hiệu ứng domino chuỗi cung ứng vì dịch Covid-19 lan tỏa từ Trung Quốc, Hàn Quốc sang Việt Nam

Nguồn Bloomberg


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày