Thế giới

Tiền tệ châu Á giảm tháng thứ 5 liên tiếp

Thứ Sáu | 30/01/2015 19:43

Đây cũng là đợt giảm giá dài nhất của thị trường tiền tệ châu Á từ năm 1998.

Theo đó, chỉ số đôla châu Á Bloomberg-JPMorgan, theo dõi biến động giá của 10 đồng tiền được giao dịch nhiều nhất của châu Á trừ yên, giảm 0,4% vào lúc 11h51 tại Hong Kong.

Các đồng tiền châu Á giảm giá chủ yếu do ảnh hưởng từ động thái nới lỏng chính sách của các chính phủ, từ Singapore đến Indonesia. Kết quả là, nhu cầu đầu tư vào USD ngày càng tăng mạnh, đẩy USD lên cao so với nhiều đồng tiền.

Trong đó, ringgit của Malaysia giảm mạnh nhất châu Á với 3,5%. Cũng giống như ruble, ringgit chịu sức ép rất lớn từ đà lao dốc của giá dầu Brent trong thời gian gần đây. Triển vọng kinh tế Malaysia - vốn là nước xuất khẩu ròng dầu thô - ngày càng tệ hơn từ khi giá dầu thô toàn cầu rơi tự do từ tháng 6/2014.

Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng giảm 0,8%, ghi nhận tháng thứ 3 giảm giá liên tiếp. Nhân dân tệ suy yếu ngay sau một số báo cáo cho thấy, lợi nhuận công nghiệp tháng 12 của Trung Quốc giảm mạnh nhất 3 năm trong khi dự trữ ngoại tệ cũng giảm tháng thứ 4 liên tiếp.

Sự đối lập về tình hình kinh tế và chính sách tiền tệ giữa Mỹ và Trung Quốc cũng hỗ trợ rất lớn cho USD, đồng thời làm suy yếu nhân dân tệ, theo nhận định của chuyên gia phân tích chính sách vĩ mô Chen Hufei ở Ngân hàng Truyền thông Trung Quốc.

Ngoài ra, đôla Singapore giảm 1,9% sau khi ngân hàng trung ương nước này quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Rupiah của Indonesia cũng giảm 1,8% và won của Hàn Quốc giảm 0,4% so với USD.

Trong khi ringgit của Malaysia chật vật vì giá dầu lao dốc thì Ấn Độ và Philippines lại hưởng lợi lớn. Theo đó trong cả tháng 1, rupee của Ấn Độ tăng 2%, peso của Philippines tăng 1,4%, đôla Đài Loan tăng 0,5%, baht của Thái Lan tăng 0,6% và Việt Nam đồng tăng 0,2% so với USD.

Nguồn DVO/ Bloomberg


Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày