Thế giới

Xin hãy dừng đổ lỗi cho thương chiến!

Mạnh Đức Thứ Sáu | 31/05/2019 10:06

Ảnh: Bloomberg/Getty Images.

Theo một nhà bình luận của Bloomberg, thương chiến Mỹ-Trung đơn thuần chỉ là một sự khuếch đại các xu hướng kinh tế-tài chính đã và đang diễn ra.
Ảnh: Bloomberg/Getty Images.

Cuộc tranh đấu giữa Mỹ và Trung Quốc đang bị cho là nguyên nhân của những diễn tiến kinh tế và tài chính hiện tại. Một số trong đó chỉ liên quan một cách mơ hồ đến tranh chấp thuế quan, hoặc chúng phản ánh các xu hướng đang diễn ra trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quan tâm đến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong các lĩnh vực khác, như chính sách tiền tệ, cuộc xung đột thuế quan chỉ làm thay đổi mốc thời gian, chứ không phải là kết quả của những diễn tiến trên.

Con quỷ mới nhất là viễn cảnh của một cuộc suy thoái, được cho là chịu trách nhiệm cho việc cổ phiếu giảm giá và trái phiếu tăng giá vào ngày 29.5. Thủ phạm? Bạn đoán được không: Cuộc chiến thương mại. Đổ lỗi rằng nó là nguyên nhân gây ra suy thoái đã là một trò chơi yêu thích của giới bình luận trên các thị trường cứ sau mỗi vài tháng, trong hai năm qua. Quá trình tăng trưởng kinh tế ở Mỹ đã diễn ra gần 10 năm tuổi; thời gian đó là quá lâu, dù có tranh chấp thuế quan hay không.

Nền kinh tế Trung Quốc đã ở trong một xu hướng suy thoái về dài hạn, trở nên trầm trọng hơn do việc chính phủ nước này muốn giảm đòn bẩy và giảm rủi ro hệ thống, chứ không hẳn là vì các động thái của Nhà Trắng. Đất nước đang chuyển sang mô hình kinh tế ít phụ thuộc vào xuất khẩu và sản xuất hàng giá rẻ. Vào năm 2016, thu nhập ở Trung Quốc đã đạt đến mức mà từ mức đó, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan bắt đầu chuyển sản xuất từ nước mình ra bên ngoài hàng thập kỷ trước đó, theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Hội nghị bàn tròn kinh tế Singapore lần thứ 31 trong tuần này cũng có cùng suy nghĩ rằng sự bất hòa giữa Washington và Bắc Kinh đang khuếch đại các hiện tượng hiện có hoặc nhấn mạnh các biến đổi đã có trước đó. Cuộc đụng độ này không nên bị xem là chất xúc tác duy nhất.

Tôi vẫn hoài nghi về việc nhiều hoạt động sản xuất đã chuyển hoàn toàn khỏi Trung Quốc. Nhiều khả năng, các nhà máy Việt Nam sẽ phải tăng ca làm việc và có thể là tăng công suất. Việc đóng cửa các nhà máy ở Trung Quốc và chuyển tất cả sang Việt Nam hoàn toàn để đáp trả thuế quan, là một lời kêu gọi lớn. Nhưng quy mô chuyển dịch thực tế thì còn là một dấu hỏi lớn.

Với các ngân hàng trung ương, sự xói mòn niềm tin của nhà đầu tư và tâm lý ngại rủi ro có thể trì hoãn một số quyết định cắt giảm lãi suất. Nhưng các ngân hàng trung ương sẽ khó lòng tránh khỏi xu hướng cắt giảm lãi suất. Xu hướng lạm phát siêu thấp vốn chiếm trọn suy nghĩ của giới kinh tài phương Tây cũng đang hiện diện ở châu Á. Hai quốc gia tiêu biểu là Hàn Quốc và Indonesia.

Với Hàn Quốc, GDP của nước này đã sụt giảm trong quý I vừa qua, không có áp lực tăng giá, lãi suất nên được cắt giảm. Việc đồng Won suy yếu khiến Ngân hàng Trung Ương Hàn Quốc (BOK) ngần ngại thực hiện động thái này, nhưng BOK chắc chắn sẽ làm điều đó trước khi kết thúc năm. Đà suy giảm của nền kinh tế của Hàn Quốc là quá sâu, nó đang lấn át mọi nỗi lo khác.

Các nhà hoạch định chính sách Indonesia đã rút lại những ngôn ngữ diều hâu của họ, sau khi theo bước Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nâng lãi suất vào năm 2018. Một trở ngại trên con đường của Ngân hàng Trung Ương Indonesia (BI) là cam kết ổn định. Trong thực tế, BI cho rằng thâm hụt tài khoản vãng lai là quá lớn và họ sẽ rất thận trọng với chính sách lãi suất. Các quan chức đã không nói sẽ là không có sự cắt giảm lãi suất. Lập trường đã chuyển thành trung lập thận trọng. Hầu hết các nhà kinh tế khác đều nhận thấy rằng ngân hàng trung ương Indonesia sẽ cắt giảm lãi suất trước khi kết thúc năm. Thậm chí không có xung đột thuế quan thì điều đó vẫn cứ diễn ra.

Bài viết thể hiện quan điểm của Daniel Moss, nhà bình luận Bloomberg chuyên về các nền kinh tế châu Á.

Nguồn Bloomberg


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày