Bình đẳng giới trong doanh nghiệp: Xử lý được không dễ

Vân Nguyễn Thứ Sáu | 13/07/2018 15:36

Việt Nam có tỷ lệ phụ nữ tham gia thị trường lao động khá cao đạt 73%. Ảnh: Quý HÒa

Doanh nghiệp Việt Nam đang hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh những bất bình đẳng vẫn tồn tại.
Việt Nam có tỷ lệ phụ nữ tham gia thị trường lao động khá cao đạt 73%. Ảnh: Quý HÒa

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, ông Nguyễn Quân, tại Diễn đàn “Doanh nghiệp phát triển bền vững gắn với các giá trị bình đẳng”, hôm 13.4, cho biết, đang có nhiều vấn đề đặt ra làm cản trở việc đạt được những mục tiêu phát triển bền vững gắn với các giá trị về bình đẳng, trong đó có bình đẳng giới.

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, ông Nguyễn Quân, cho biết, Chính phủ Việt Nam luôn coi bình đẳng giới là một ưu tiên trọng tâm trong xây dựng và thực hiện luật pháp chính sách của mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong kinh tế, lao động-việc làm.

Việt Nam có tỷ lệ phụ nữ tham gia thị trường lao động khá cao đạt 73% và phụ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt trên 31%, thuộc nhóm cao nhất của khu vực Đông Nam Á.

Việt Nam đứng thứ 69/144 quốc gia xếp hạng về thu hẹp khoảng cách giữa nam và nữ trong các lĩnh vực, một trong những chỉ số để đo là sự tham gia và cơ hội trong lĩnh vực kinh tế.

Binh dang gioi trong doanh nghiep: Xu ly duoc khong de

Theo Liên Hiệp Quốc, Việt Nam cũng là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất trên toàn thế giới về mục tiêu số 5 về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái của các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Thế nhưng, ông Nguyễn Quân cho biết, vẫn còn có sự khác biệt giữa nam và nữ trong phân bổ việc làm theo khu vực, nghề nghiệp, như nam giới chiếm ưu thế ở các ngành khoa học, kỹ thuật, kinh tế, tài chính; hay nữ giới đang làm việc chủ yếu ở các ngành giáo dục, y tế cũng như xã hội, các ngành dịch vụ. Xét về vị thế làm việc, lao động nữ vẫn tập trung ở những việc làm có vị thế kém hơn như lao động tự làm và lao động gia đình không hưởng lương, nữ là 21,6%, nam là 10.2% vào năm 2017. “Đây lại là những công việc không ổn định, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ Luật Lao động và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện”.


Việt Nam đang hướng tới nền kinh tế phát triển thịnh vượng và bao trùm. Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, ông Nguyễn Phú Bình, cho rằng: “Doanh nghiệp là một phần giải pháp để thực thi và thúc đẩy các giá trị bình đẳng nói chung, bình đẳng giới ở nơi làm việc nói riêng”.Thêm nữa, thu nhập giữa lao động nữ và lao động nam vẫn còn chênh lệch, giai đoạn 2009-2016, tiền lương bình quân của nữ luôn thấp hơn của nam, mức chênh lệch khoảng 30 đô-la, trên tổng mức lương chưa đạt 200 đô-la/tháng.

“Bất bình đẳng giới được xác định có mối liên quan đến những yếu tố văn hóa, phong tục, tập quán, quan điểm và nhận thức của các chủ thể”. Ông Bình nói: “Can thiệp và cải thiện tình trạng bất bình đẳng giới không phải là điều dễ dàng, nó đòi hỏi phải có cách tiếp cận phù hợp”.

Trên thực tế, quan niệm gắn vai trò và giá trị mặc định cho cả phụ nữ là người chăm sóc gia đình và nam giới là trụ cột kinh tế trong gia đình và xã hội, đang tạo ra rào cản trong việc tiếp cận cơ hội việc làm và kinh tế cho cả phụ nữ và nam giới.

Phụ nữ làm công việc chăm sóc không lương nhiều hơn nam giới 105 phút mỗi ngày, tức là hơn 12 giờ mỗi tuần, 6,5 ngày làm việc mỗi tháng, hoặc gần 80 ngày làm việc mỗi năm.

Phát triển bền vững gắn với giá trị bình đẳng đóng vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy và đảm bảo các giá trị bình đẳng và công bằng, cuối cùng sẽ đạt được mục tiêu về hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp và sự phát triển và thịnh vượng của nền kinh tế.

Doanh nghiệp được xác định là trung tâm của các mục tiêu phát triển. Chủ tịch Bình cho rằng, các chính sách và quy định về thực hiện bình đẳng giới ở nơi làm việc cũng như tăng cường sự nhận thức về bình đẳng giới trong khu vực doanh nghiệp cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày