Các doanh nghiệp sản xuất thoái lui khỏi Trung Quốc: Cơ hội cho Việt Nam

Thứ Bảy | 03/10/2015 13:40

Đã có nhiều báo động về việc PMI sản xuất của Việt Nam vừa giảm, nhưng sự thực là tình hình PMI của Trung Quốc còn đang bi đát hơn rất nhiều.

Trong thời gian gần đây, hàng loạt doanh nghiệp sản xuất đang rút lui khỏi Trung Quốc và đầu tư sang nơi khác. Vào tháng 8, Panasonic tuyên bố đóng cửa nhà máy pin ở Bắc Kinh và cho 1.300 nhân công nghỉ việc. Tập đoàn gia công điện tử Foxconn cũng vừa công bố kế hoạch đầu tư 5 tỷ USD vào Ấn Độ, trong khi Samsung dự định đầu tư 3 tỷ USD vào Việt Nam.

Làn sóng tháo chạy

Tiến sĩ Song Hong, trưởng bộ phận nghiên cứu về thương mại quốc tế của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, đưa ra dự báo đầy bi quan: Làn sóng thoái lui khỏi Trung Quốc của các doanh nghiệp sản xuất sẽ đạt đỉnh điểm trong vòng 4-5 năm tới.

Theo ông Hong, mặc dù Trung Quốc vẫn có thể giữ được ưu thế là trung tâm sản xuất chính của châu Á với hệ thống chuỗi cung ứng và cơ sở hạ tầng khá phát triển, nhưng điều đó cũng không bảo đảm là ngành sản xuất của nước này có thể giữ được đà tăng trưởng trong thời gian tới. "Nhiều doanh nghiệp có thể duy trì nhà máy hiện có ở Trung Quốc, nhưng sẽ xây dựng nhà máy mới ở các nước khác", ông Hong bình luận.

Một trong những nguyên nhân chính để các doanh nghiệp sản xuất rời khỏi Trung Quốc là chi phí nhân công. Tại Thâm Quyến, nơi có hơn 200.000 công nhân của Foxconn đang làm việc, mức lương tối thiểu đã tăng hơn 50% trong vòng 4 năm qua.

Ông Peter Hopper, chuyên gia của công ty tư vấn Strategic Decisions Group (SDG) nhận định: "Trong 2 năm qua, chi phí nhân công tại Trung Quốc đã tăng rất cao, với mức tăng hơn 10% mỗi năm... Trong khi đó, giữa bối cảnh kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại, các công ty rất ngần ngại tăng giá bán". Ông Hopper cũng cho biết thêm rằng, có một khách hàng của SDG là một công ty túi xách cao cấp đã giảm tỷ lệ hàng sản xuất tại Trung Quốc từ 80% xuống còn vỏn vẹn 5%.

Cơ hội cho Việt Nam

Theo nhận định của nhiều chuyên gia nước ngoài, Việt Nam sẽ là nước hưởng lợi nhiều nhất từ làn sóng thoái lui khỏi Trung Quốc, nhờ ưu thế nhân công giá rẻ. Theo một cuộc khảo sát của Hiệp hội Công nghiệp Thời trang Mỹ, các doanh nghiệp ngành này cho biết Việt Nam và Ấn Độ là những nơi mà họ sẽ tăng cường sản xuất nhiều nhất trong 2 năm tới, trong khi Trung Quốc nằm ở vị trí chót bảng trong số 27 nước được khảo sát.

"Nếu tính đến cả lương và năng suất, thì mức chi phí sản xuất ở Việt Nam vẫn đang thấp hơn của Trung Quốc tới 30%", đó là nhận định từ ông Jugnu Sakuja, chuyên gia của SDG. Ngoài ra, ông Sakuja cũng không quên nhắc rằng một khi hiệp định TPP được ký kết thì hàng hóa sản xuất tại Việt Nam sẽ còn được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất sang một loạt thị trường lớn, và đó là một yếu tố đầy hấp dẫn cho các doanh nghiệp. Quả thật, lượng giày mà Việt Nam gia công xuất khẩu sang Mỹ đã tăng 24% trong năm 2014, trong khi của Trung Quốc chỉ tăng được 0,3%.

Khi PMI của ngành sản xuất Việt Nam giảm xuống 49,5 trong tháng 9, nhiều người đã lên tiếng báo động. Nhưng thực sự là PMI của ngành sản xuất Trung Quốc còn đang bi đát hơn, xuống còn 47,2 theo số liệu từ Caixin/Markit. Đây là mức PMI thấp nhất của Trung Quốc trong vòng 6 năm rưỡi qua, cũng như đánh dấu tháng thứ 7 liên tiếp PMI ở dưới mức 50.

Cac doanh nghiep san xuat thoai lui khoi Trung Quoc: Co hoi cho Viet Nam
PMI của các doanh nghiệp tư nhân tại Trung Quốc do Caixin/Markit khảo sát (đường màu trắng) đã giảm mạnh từ tháng 3 năm nay, trong khi PMI của khối doanh nghiệp quốc doanh do chính phủ Trung Quốc khảo sát (đường màu xanh) thì vẫn còn lạc quan - Ảnh: Bloomberg

Chính phủ Trung Quốc sẽ làm gì?

Sau khi công bố con số này, Caixin/Markit cũng cho biết họ cũng sẽ ngưng việc đưa ra bản dự báo sớm PMI của Trung Quốc, vốn thường được đưa ra vào 1 tuần trước ngày cuối tháng. Trong khi đó, Markit vẫn sẽ đưa ra bản dự báo này ở các nước khác. Dù Markit đã lên tiếng khẳng định sự độc lập của họ, nhưng động thái này vẫn khiến nhiều người đặt ra câu hỏi rằng đây có phải là do áp lực từ phía chính phủ Trung Quốc hay không.

Hiện tại, PMI của khối doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc vẫn đang cao hơn đáng kể so với khối doanh nghiệp tư nhân, do khối quốc doanh được ưu đãi nhiều hơn. Ông Hao Hong, chiến lược gia của ngân hàng Bank of Communications tại Hong Kong, nhận định: "Có thể thấy chính phủ Trung Quốc đang hỗ trợ khối quốc doanh rất nhiều, nhưng với khối tư nhân thì xem ra họ khó mà giúp đỡ được gì".

Nhiều người đã đưa ra dự báo về các động thái của chính phủ Trung Quốc nhằm vực dậy ngành sản xuất, trong đó có thể bao gồm việc tiếp tục phá giá Nhân dân tệ. Ông Bill Adams, phó chủ tịch công ty tài chính PNC Financial Services, nhận xét: "Số liệu PMI yếu kém cho thấy việc Trung Quốc nới lỏng tiền tệ vào giai đoạn cuối năm là rất có thể xảy ra". 

Trong khi đó, cũng không ít người đặt câu hỏi về tính hiệu quả của chính sách phá giá. Ông Lian Hong Lim, giám đốc công ty tư vấn AlixPartners, bình luận: "Thực sự thì ngành dệt may là một ngành rất khó tự động hóa. Khi thu nhập của người Trung Quốc tăng cao, thì những ngành cần nhân công giá rẻ sớm muộn cũng phải dời đi".

Một giải pháp khác mà Trung Quốc có thể lựa chọn là đưa ra các gói kích cầu dựa vào kho dự trữ ngoại tệ khổng lồ của mình. Chris Weston, chiến lược gia của công ty chứng khoán IG, nhận định: "Không thể không tính tới việc Trung Quốc nới lỏng tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng, hoặc thả lỏng lãi suất cho vay". Trước đó, vào tháng 8, Trung Quốc đã chi ra một lượng tiền kỷ lục là 94 tỷ USD từ kho dự trữ ngoại tệ của mình nhằm ổn định thị trường.

Tuấn Minh

Nguồn SCMP/Bloomberg/CNBC


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày