Chuyển giao công nghệ khi nội hàm thu hút FDI được mở rộng

Hải Vân Thứ Sáu | 05/10/2018 11:16

VPCP

Tạo bước chuyển mạnh về năng lực cạnh tranh của Việt Nam, công nghệ và vốn vẫn là yếu tố then chốt
VPCP

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam hôm 4.10, cho rằng: Việt Nam thực hiện chính sách “hợp tác đầu tư nước ngoài” với nội hàm mở rộng hơn.

Thu hút FDI giai đoạn 2020-2030, Việt Nam khẳng định nhất quán khu vực đầu tư nước ngoài luôn là một bộ quan trọng của nền kinh tế. Nhưng Thủ tướng nói rằng phải “nhìn thẳng vào những hạn chế tồn tại và cả những thua thiệt trong thu hút đầu tư nước ngoài”.

Nhiều tồn tại và bất cập

Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đến nay đã có hơn 26.500 dự án FDI đến từ 129 quốc gia và vùng lãnh thổ, cam kết đầu tư trên 334 tỷ USD vào Việt Nam.

Khu vực đầu tư nước ngoài, tính đến năm 2017, chiếm gần 20% GDP, đóng góp 23,7% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp, chiếm 70% kim ngạch xuất khẩu, tạo ra gần 4 triệu việc làm trực tiếp và 5-6 triệu việc làm gián tiếp.

Dù vậy, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng, cũng thừa nhận, có hạn chế và bất cập trong thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài. Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài về cơ bản đang sử dụng công nghệ trung bình hoặc trung bình tiên tiến so với khu vực. Chưa có nhiều tập đoàn đa quốc gia trong các lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, công nghệ nguồn.

Đến nay, việc liên kết và hiệu ứng lan tỏa năng suất của khu vực đầu tư nước ngoài đến khu vực trong nước còn thấp, chủ yếu là gia công lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa trong một số ngành thấp, giá trị gia tăng trên một đơn vị sản phẩm không cao.

Hiện tại, phần lớn các hợp đồng chuyển giao công nghệ được đăng ký tại cơ quan quản lý về khoa học và công nghệ tập trung vào chuyển giao quy trình công nghệ, bí quyết công nghệ (73%) trợ giúp kỹ thuật (77%), đào tạo 71%, trong khi đó chuyển giao công nghệ bao gồm đối tượng sở hữu công nghiệp chiếm số lượng không nhiều, chỉ 13%, theo số liệu của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Việt Nam mỗi năm đều thu hút lượng vốn lớn từ FDI, song Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Trần Văn Tùng, cho biết, công nghệ chuyển giao vào Việt Nam phần lớn có trình độ bằng hoặc cao hơn công nghệ sẵn có ở trong nước nhưng mới chỉ đạt mức trung bình hoặc trên trung bình so với các nước trong khu vực, phần lớn chưa được xếp vào hàng công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Theo Thứ trưởng Tùng, các doanh nghiệp nắm giữ công nghệ nguồn, công nghệ cao thực hiện đầu tư tại Việt Nam chưa nhiều. Một số dự án FDI còn tập trung vào lắp ráp, gia công với tỷ lệ nội địa hóa thấp, giá trị tạo ra tại Việt Nam không cao. Theo ông, chính điều này dẫn đến sự lan tỏa công nghệ từ doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp trong nước không như mong muốn.

Chuyen giao cong nghe khi noi ham thu hut FDI duoc mo rong

Một điểm yếu nữa được vị Thứ trưởng này chỉ rõ, việc tiếp thu học hỏi công nghệ và kinh nghiệm quản lý của cán bộ Việt Nam trog quá trình hợp tác với nước ngoài. Đặc biệt, việc tiếp thu khai thác, ứng dụng công nghệ hầu như chỉ được trong phạm vi dự án FDI, doanh nghiệp đầu tư vào R&D còn rất hạn chế, chưa tương xứng với những ưu đãi được nhận.

Sự thiếu chủ động trong việc nhận kiến thức, kỹ năng qua chuyển giao công nghệ cũng bộc lộ rất rõ trong quá trình thẩm định dự án, đặc biệt là dự án công nghệ cao. Năng lực thẩm định các dự án FDI hạn chế khiến một số địa phương chưa thu hút được các công nghệ cao, hiện đại kèm theo việc chuyển giao công nghệ.

Công nghệ, một yếu tố then chốt

Làn sóng đổi mới công nghệ diễn ra với tốc độ cao, song hành với hội nhập và tự do hóa thương mại toàn cầu sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh rất lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam, buộc các doanh nghiệp phải đánh giá lại mô hình kinh doanh, cải tiến phưng thức cung cấp sản phẩm, dịch vụ, đặc biệt phải không ngừng đổi mới công nghệ để thích ứng với những thay đổi của thị trường.

Chính từ bối cảnh đó, tư duy hoạch định chính sách về đầu tư, chuyển giao công nghệ cũng cần được đổi mới để có thể bắt nhịp được với những thay đổi không ngừng của công nghệ, với làn sóng công nghệ cao có tầm ảnh hưởng xuyên quốc gia. 

Chuyen giao cong nghe khi noi ham thu hut FDI duoc mo rong
Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của DN FDI so với khu vực DN trong nước. Nguồn: Tổng cục Hải quan

Vốn và công nghệ vẫn là yếu tố then chốt trong việc tạo bước chuyển mạnh về năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Do đó, thu hút FDI giai đoạn 2020-2030, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nói rằng  nước ta cần chọn lọc các dự án có chất lượng, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và có giá trị gia tăng cao.

“Chúng ta không thể thụ động trông chờ đầu tư nước ngoài, cần chủ động tìm kiếm và lựa chọn những doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia sở hữu công nghệ nguồn, công nghệ lõi, đồng thời Nhà nước phải xây dựng được chính sách xúc tiến đầu tư hệ thống và bài bản, đi cùng với ưu đãi đủ mạnh về chuyển giao công nghệ, để có thể thu hút các tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư lớn”, ông cho biết.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ lưu ý việc Nhà nước cần xây dựng cơ chế ưu đãi đủ mạnh đối với các nhà đầu tư thành lập các cơ sở R&D tại Việt Nam. Cạnh đó, thúc đẩy phát triển mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ để tạo mối liên kết giữa khu vực FDI và doanh nghiệp trong nước, hấp thụ lan tỏa công nghệ từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sang khu vực trong nước.

Nội hàm chính sách “hợp tác đầu tư nước ngoài” được Việt Nam mở rộng hơn. Song với thực trạng thu hút vốn, công nghệ qua đầu tư nước ngoài hiện nay, Việt Nam cần sự đồng thuận, thống nhất từ trung ương đến địa phương và giữa các bộ ngành liên quan, hướng đến một chính sách đầu tư thế hệ mới, trên cơ sở cân bằng được lợi ích của nhà đầu tư với lợi ích quốc gia.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày