Cuộc chiến cân bằng bán lẻ tại Việt Nam (phần 1)

Chủ Nhật | 12/10/2014 13:41

Doanh nghiệp đầu tư, ngân hàng đều nhảy vào bán lẻ. Thị trường bán lẻ đang có sức hút cực lớn.
Từ năm 2010, Việt Nam không còn nằm trong top 10 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất và cũng cũng trượt top 30 quốc gia đang phát triển có thị trường bán lẻ sôi động nhất thế giới. Tuy vậy, thị trường Việt Nam vẫn có sức hút lớn đối với các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước.

Ngành bán lẻ Việt Nam được đánh giá tiếp tục nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực. Số trung tâm thương mại, siêu thị và các điểm bán lẻ theo xu hướng hiện đại đã tăng rất nhanh. Các kênh bán lẻ hiện đại đã chiếm khoảng 20% thị trường bán lẻ và dự kiến năm nay sẽ tăng lên 40%.

Việt Nam hiện có khoảng 900 siêu thị, trung tâm thương mại, trong đó khoảng 7% của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Với dân số đông 90 triệu người cùng cơ cấu dân số trẻ, theo quy hoạch của Bộ Công Thương đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 1.300 siêu thị, 180 trung tâm thương mại.
Cuộc chạy đua trung tâm thương mại

Thời điểm 2015 khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ, cuộc chiến thị phần đang ở giai đoạn tăng tốc với việc các hãng bán lẻ ngoại hoặc lên kế hoạch thâm nhập, hoặc mở rộng mạng lưới ở Việt Nam bằng các thương vụ đình đám.

Đáng chú ý gần đây là thương vụ công ty Berli Jucker của tỷ phú Thái Lan mua lại toàn bộ chuỗi Metro Cash & Carry ở Việt Nam. Với thương vụ này, tập đoàn của tỷ phú Thái Lan bước sâu hơn vào ngành bán lẻ Việt sau khi đã thâu tóm chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Mart của Nhật Bản ở Việt Nam và đổi tên thành B’smart.

Lotte – người khổng lồ bán lẻ của Hàn Quốc cũng không đứng ngoài cuộc khi liên tiếp mở các trung tâm thương mại và các chuỗi cửa hàng tại Việt Nam. Lotte đặt mục tiêu mở 50 trung tâm thương mại tại Việt Nam đến năm 2018 và 60 trung tâm thương mại vào 2020 tại các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, ….

s

Tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới Walmart của Mỹ cũng đang có kế hoạch vào Việt Nam.
Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh của doanh nghiệp nội với doanh nghiệp ngoại trên thị trường bán lẻ hiện chỉ tập trung vào một và thương hiệu mạnh, có tên tuổi. Trong khi đó, doanh nghiệp nội chiếm ưu thế về thị phần và nhiều doanh nghiệp đang mở rộng phát triển hàng loạt chuỗi hệ thống như: Co.opMart (82 siêu thị và cửa hàng chuyên doanh), Citimart (20 siêu thị), Fivimart (15 điểm),…

Thị trường bán lẻ nội được kỳ vọng sẽ có thêm cú huých với thương vụ Tập đoàn Vingroup mua lại chuỗi 9 siêu thị bán lẻ Ocean Mart và 4 cửa hàng tiện lợi Ocean Mart Express và đổi tên thành Vinmart. Dự kiến đến năm 2017, VinMart sẽ có khoảng 100 siêu thị và 1.000 cửa hàng tiện ích trên cả nước từ đầu tư xây dựng mới hoặc mua lại thông qua các giao dịch M&A.

Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng, với tiềm lực tài chính mạnh, các hãng bán lẻ nước ngoài sẽ tiến xa hơn khi thị trường bán lẻ mở cửa hoàn toàn vào 2015. Và trong khi doanh nghiệp nội vẫn loay hoay lựa chọn mặt bằng để phù hợp với nguồn tài chính hạn hẹp, thì thị trường có thể dậy sóng với cuộc đổ bộ của hãng ngoại, tạo sức ép cạnh tranh với họ khi mà những lợi thế trước kia không còn.

Ngân hàng tiếp sức

Sức ép từ đối thủ ngoại trên thị trường bán lẻ cũng phải kể đến lĩnh vực ngân hàng bán lẻ. Với bản thân các ngân hàng, bán lẻ được coi là miền đất hứa mới khi mà tiềm năng của thị trường còn rất lớn.

Theo “Khảo sát toàn cầu về ngân hàng bán lẻ 2014” của Ernst &Young, Việt Nam với 90 triệu dân và tầng lớp trung lưu tăng nhanh, trong đó có 75% chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng, là cơ hội cho thị trường ngân hàng bán lẻ.

Ông Arn Vogels, tổng giám đốc MasterCard khu vực Đông Dương, Việt Nam hiện có 60 triệu thẻ ngân hàng nhưng thẻ chưa tiệm cận với các dịch vụ tài chính ngân hàng mà vẫn được dùng chủ yếu để rút tiền mặt với khối lượng tiền giao dịch qua thẻ tăng 40% năm 2013, nhanh hàng đầu khu vực.

Chính bởi tiềm năng thị trường còn rất lớn nên ở đây, một lần nữa, bán lẻ tiếp tục tạo ra cuộc chạy đua thị phần sôi động giữa ngân hàng nội và ngoại.

Nếu trước kia, cho vay mang lại hơn 80% doanh thu của các ngân hàng nội, thì đến nay, thu nhập từ mảng dịch vụ lại đóng góp ngày càng nhiều hơn trong tổng thu nhập.

Với Vietcombank, VietinBank, huy động vốn từ bán lẻ chiếm hơn 50%; dịch vụ chiếm từ 12- 15%; trong khi đó, nguồn thu và lợi nhuận từ mảng bán lẻ chiếm 40% tổng dư nợ của Techcombank. Các ngân hàng nhỏ hơn huy động vốn chiếm hơn 80%, thu từ dịch vụ bán lẻ chiếm hơn 20%..., theo số liệu công bố tại hội nghị các Ngân hàng Tiết kiệm khu vực Châu Á - Thái Bình Dương ngày 21/5.

z


Các ngân hàng cạnh tranh bằng lãi suất hoặc thậm chí hạ một số chỉ tiêu cho vay tiêu dùng. Trước đây, khách hàng có thu nhập từ 7-8 triệu đồng/tháng trở nên mới đủ điều kiện làm thẻ tín dụng, thì nay, chỉ cần 4 triệu đồng/tháng.

Cũng nằm trong chiến lược tăng thị phần bán lẻ, thời gian gần đây, các ngân hàng trong nước mạnh tay thâu tóm các công ty tài chính – mô hình phổ biến cho vay tiêu dùng.

Những thương vụ mua bán sáp nhập công ty tài chính thời gian gần đây có thể kể đến như HDBank mua Công ty Tài chính Việt Société Générale (SGVF) và đổi tên thành Công ty Tài chính HDFinance; Maritime Bank mua toàn bộ 64,1% cổ phần của Vinatex tại Công ty Tài chính Dệt may, trở thành cổ đông lớn nhất của công ty này; VPBank mua Công ty Tài chính Than - Khoáng sản Việt Nam (CMF) từ tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV); SHB mua Công ty Tài chính Viettel - Vinaconex.

Trong khi đến nay ngân hàng nội mới tập trung trở lại phát triển mảng bán lẻ thì sân chơi này được khối ngoại “chăm chút” từ rất lâu và đẩy mạnh hơn nữa thời gian gần đây. Ngoài ANZ, HSBC, nhiều ngân hàng nước ngoài như Standard Chartered, Shinhan Vina… cũng không giấu tham vọng tấn công thị trường bán lẻ Việt Nam.

90% thị phần bán lẻ đang thuộc về các ngân hàng nội do có lợi thế về mạng lưới và kênh phân phối, song tỷ lệ này có thể bị co hẹp trước sự tấn công của ngân hàng ngoại. Theo nhận định của NHNN, sau năm 2015, thị trường bán lẻ sẽ là thị trường chủ đạo mà các ngân hàng nước ngoài tập trung khai thác. Hiện 80 - 90% khách hàng bán lẻ của nhiều ngân hàng ngoại là người Việt Nam.

Chiến lược của các ngân hàng bán lẻ nước ngoài khi vào Việt Nam như HSBC và ANZ đó là tập trung vào nhóm khách hàng có mức thu nhập trung bình khá trở lên.

Theo công ty tư vấn Mỹ Boston Consulting Group, số người thuộc tầng lớp trung lưu ở Việt Nam là 12 triệu người vào năm 2012 và dự kiến sẽ tăng lên 30 triệu người vào năm 2020. Tầng lớp trung lưu có xu hướng sử dụng dịch vụ của ngân hàng ngoại vì các ngân hàng này có tính kết nối cao với các ngân hàng khác trên thế giới.

Tuy nhiên, các ngân hàng ngoại như ANZ và HSBC lại bị giới hạn về việc mở thêm chi nhánh và không thể so sánh về quy mô chi nhánh với các ngân hàng nội. Do đó, chiến lược nữa của họ là phát triển thêm các kênh tiếp cận khác nhau đến khách hàng.

Nguồn Theo DVO


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày