Cuộc đua lãi suất đã tới 10%

Ảnh: QH Thứ Hai | 26/08/2019 10:00

Ảnh: QH

Các ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất huy động, phát hành thêm trái phiếu để cạnh tranh hút vốn.
Ảnh: QH

Có thể thấy chưa khi nào thị trường huy động kỳ hạn dài lại sôi động và nhộn nhịp đến như thế với mức lãi suất ngày càng tăng cao. Mới đây, hàng loạt ngân hàng triển khai điều chỉnh tăng lãi suất ở kỳ hạn dài. Chẳng hạn, Ngân hàng Bản Việt phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất 24 tháng khoảng 9,5%/năm và kỳ hạn 60 tháng lên đến 10,2%. Mức lãi suất này thậm chí cao hơn cả mức lãi suất gửi tiết kiệm tối đa tại ngân hàng này là 8,6%/năm.

Ngay sau đó, nhiều ngân hàng khác cũng đua theo. Chẳng hạn, ABBank điều chỉnh mức lãi suất lên cao nhất là 8,5%, SHB khoảng 8,2%/năm. Tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng của VIB tăng lên mức 8,3%/năm, trước đó vào đầu tháng 8 ngân hàng này đưa ra sản phẩm chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 61 tháng với lãi suất 9,1%/năm. Ngày càng nhiều ngân hàng tham gia vào cuộc đua tăng lãi suất, trong đó có VPBank, HDBank hay Việt Á.

Cuoc dua lai suat  da toi 10%
 

Ở góc độ khác, có một tín hiệu mới là lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại BIDV và VietinBank hiện đã tăng lên mức 7%, cao hơn so với mức 6,8-6,9% trước đó. Các ngân hàng quốc doanh thường có lãi suất huy động thấp hơn bình quân mặt bằng chung, nhưng vẫn huy động được lượng lớn tiền gửi.

Báo cáo thị trường tiền tệ trung tuần tháng 8 của SSI Research cho biết trên thị trường huy động dân cư, lãi suất cũng không có nhiều biến động. Theo đó, lãi suất huy động quanh mức 5,5-7,5%/năm với kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng, ở mức 6,4-8%/năm với kỳ hạn 12 và 13 tháng.

Bên cạnh động thái đồng loạt tăng lãi suất các khoản tiền gửi và chứng chỉ tiền gửi, các ngân hàng lần này còn tập trung vào công cụ trái phiếu. VietinBank mới đây công bố phát hành 5.000 tỉ đồng trái phiếu trong năm nay. Tương tự là Eximbank với kế hoạch 5.000 tỉ đồng, cùng hàng loạt ngân hàng khác như BIDV, HDBank hay ACB cũng đều sẵn sàng để huy động thêm vốn. Trước đó, LienVietPostBank đã hoàn tất bán 3.100 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm, trong khi VPBank huy động thành công 300 triệu USD trái phiếu quốc tế kỳ hạn 3 năm.

Một thống kê của Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho biết trong nửa đầu năm nay, các ngân hàng thương mại đã huy động gần 18.200 tỉ đồng trái phiếu, chủ yếu kỳ hạn 3-5 năm. Tính thêm các đợt huy động gần đây, con số dư nợ trái phiếu của các tổ chức tín dụng phát hành đã vượt 1 tỉ USD.

Trên thực tế, có thể thấy chính bản thân các ngân hàng cũng đua phát hành trái phiếu, cạnh tranh nguồn vốn với chính các doanh nghiệp. Hiện đang có xu hướng doanh nghiệp tăng cường phát hành trái phiếu, với mức lãi suất trên 10%/năm, cá biệt có doanh nghiệp còn đưa ra con số trên 14%. Còn lãi suất trái phiếu mà ngân hàng phát hành thường quanh mức 6,5-7,5%/năm ở kỳ hạn ngắn (khoảng 2-3 năm), trong khi kỳ hạn dài có lãi suất thả nổi (tổng lãi suất bình quân kỳ hạn 12 tháng và biên độ thường 1-2%). Con số lãi suất này cũng gần tương đương với chi phí huy động từ các khoản tiền gửi dân cư.

Cuoc dua lai suat  da toi 10%
 

Mặc dù lãi suất kém hấp dẫn hơn, đòi hỏi số tiền đầu tư lớn nhưng các đợt phát hành của tổ chức tín dụng vẫn có người mua, thường là các định chế tài chính. Trong cuộc chơi hiện nay, một số ngân hàng thừa vốn lại đi mua trái phiếu rất nhiều, chẳng hạn như Vietcombank hay Ngân hàng Quân Đội. Theo nhận định của chuyên gia, việc mua lại trái phiếu hiện nay của các ngân hàng không chỉ giải quyết chuyện thừa vốn (do hạn chế tăng trưởng tín dụng và mua trái phiếu không tính vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng).

Ở một diễn biến khác, báo cáo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng mô tả một diễn biến lạ của thị trường. Vào giữa tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước lần đầu tiên giảm 0,25 điểm phần trăm lãi suất tín phiếu kỳ hạn 7 ngày kể từ đầu năm đến nay, về mức 2,75%. Đây là lãi suất có tính tham chiếu cho lãi suất liên ngân hàng, vốn giảm khá mạnh kể từ đầu năm và đang ổn định, quanh mức 3% vào thời điểm hiện nay.

“Thị trường liên ngân hàng dù ổn định nhưng lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại vẫn duy trì ở mức cao, đặc biệt là các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên”, báo cáo của BVSC nhận định. Rõ ràng, các ngân hàng thương mại đã chuyển cuộc chơi từ thị trường liên ngân hàng sang các công cụ huy động dài hạn khác.

Cuoc dua lai suat  da toi 10%
 

Thực tế cho thấy việc điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài là một trong những giải pháp giúp tái cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng, điều này cũng chứng tỏ tín dụng trung và dài hạn vẫn chiếm tỉ trọng cao. Theo quy định, các ngân hàng sẽ phải giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn về mức 40% trong năm nay, sẽ tiếp tục giảm dần về mức 30% trong năm 2022, nhưng vẫn còn đang dự thảo.

Các đợt phát hành trái phiếu gần đây cũng khiến chi phí huy động của ngân hàng tăng. Xu hướng này sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới dưới tác động cơ cấu lại nguồn vốn trung và dài hạn của hệ thống ngân hàng. “Lãi suất tín phiếu và lãi suất ngân hàng không ảnh hưởng nhiều đến mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường trong thời gian tới”, BVSC nhận định. Mới đây, nhiều ngân hàng công bố giảm nhẹ lãi suất đầu ra, nhưng chỉ tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực cho vay ưu tiên.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày