Doanh nghiệp còng lưng “cõng” phụ phí

Thứ Năm | 30/07/2015 17:30

Đối với một lô hàng xuất nhập khẩu hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam phải chịu đến 25 các loại phụ phí khác nhau.

Theo Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), hiện có hai loại chi phí liên quan trực tiếp đến chi phí cấu thành trong hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu (XNK) của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam. 

Khoản thứ nhất là thu theo quy định đến từ các cơ quan quản lý nhà nước như thuế, hải quan, cơ quan kiểm tra chất lượng, kiểm dịch... Khoản thứ hai là từ những đơn vị cung cấp dịch vụ như các hãng tàu, bến cảng, vận tải, bốc xếp...
Mặc dù, những khoản chi phí sử dụng dịch vụ đối với các DN XNK là lớn nhưng có thể tính toán được do nhà cung cấp dịch vụ bao giờ cũng có biểu giá rõ ràng và ký kết với nhau theo các điều khoản trong hợp đồng.

Còn với loại chi phí đầu tiên đã nêu, trừ các khoản thu được quy định rõ về mức thuế phí do nhà nước ban hành, bên cạnh đó còn có những khoản thu DN rất khó định đoán được trước để đưa vào chi phí giá thành.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực XNK, đây là những khoản chi phí “không nhỏ” đang trực tiếp làm gia tăng gánh nặng cho các DN

Bàn về vấn đề này trong chương trình tập huấn về cải thiện môi trường kinh doanh diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh mới đây, một số chuyên gia thuộc Dự án USAID GIG đưa ra nhận định, rõ ràng nếu đem so sánh chi phí, thời gian thông quan hàng hóa (theo quy định đã ban hành) với một số nước trong khu vực  thì Việt Nam nằm ở trong nhóm nước có chi phí thuộc hàng trung bình, thậm chí là thấp.

Cụ thể, theo báo cáo của WB (2015) chi phí xuất khẩu tại Việt Nam là 610 USD/container, chi phí nhập khẩu thấp hơn với 600 USD/container. Trong khi đó, ở một số nước lân cận như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Philippin con số này thường vào khoảng 700 – 900 USD/container hàng XNK, thậm chí tại Lào, chi phí này còn tăng cao gấp 3 lần và vào khoảng hơn 1.900 USD/container.

Tuy nhiên, đó chỉ là “bề nổi” và là những gì có thể tính toán được theo biểu phí quy định niêm yết công khai, còn những phụ phí khác tưởng chừng nhỏ nhưng dường như lại là... chính!

Ông Phạm Thanh Bình, Nguyên Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, đối với một lô hàng XNK hiện nay, DN Việt Nam phải chịu đến 25 các loại phụ phí khác nhau, trong đó có nhiều khoản thu nằm ngoài chứng từ không kiểm soát được. Có thể đưa ra dẫn chứng, nhiều khoản thu hải quan quy định rất thấp khoảng vài chục nghìn đồng, chỉ tương đương 1 – 2 USD mà DN XNK phải nộp.

Nhưng thực tế có những lô hàng DN phải chịu đóng số tiền gấp đến... vài trăm lần do “cõng” thêm nhiều khoản phí liên quan khác như phí VSATTP, phí vệ sinh, kiểm dịch....  Cụ thể, việc kiểm dịch thực vật đối với dăm gỗ xuất khẩu đã khiến những lô hàng này khi xuất đi có mức phí lên đến 40 - 50 triệu đồng/công hàng 40.000 tấn.

Hơn nữa, hoạt động xuất khẩu đang được nhà nước khuyến khích và một số nước nhập khẩu đồ gỗ như Nhật Bản không yêu cầu kiểm dịch dăm gỗ thì phía Việt Nam lại làm điều này. Như vậy, không khác gì gây khó khăn và gia tăng gánh nặng rất lớn cho DN.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan khoảng 34% lô hàng xuất khẩu hiện đang phải chịu sự kiểm tra chuyên ngành, tỷ lệ này đối với mặt hàng nhập khẩu thậm chí còn cao hơn 40 - 50%, nên làm gia tăng thời gian, chi phí đối với các DN là không tránh khỏi.

Chính vì vậy, theo ông Phạm Thanh Bình, biện pháp tốt nhất nhằm giảm thiểu chi phí “mềm” cho DN, ngoài việc cải cách, giảm thiểu tối đa các thủ tục hành chính, quản lý chuyên ngành hiệu quả, hiện đại hóa quy trình thông quan, tránh tiếp xúc trực tiếp khi làm thủ tục thông quan.... thay vì giảm 10% thuế cho DN nếu giảm được 10% về thủ tục hành chính thì DN đã tiết giảm được rất nhiều chi phí phát sinh liên quan.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, hiện nay các DN XNK trong nước phụ thuộc khá nhiều vào các hãng tàu, công ty cung cấp dịch vụ của nước ngoài. Trong khi, các hãng tàu này bao quát phần lớn thị trường và thường đưa ra mức giá cao, nhưng các DN vẫn đang phải chấp nhận mức phí này do khó có sự lựa chọn khác.

Điều đáng nói, quy định luật pháp về phí và lệ phí đã có, nhưng đến nay việc can thiệp của cơ quan quản lý từ trung ương và tại địa phương về vấn đề này vẫn chưa thực sự tạo ra một một mối quan hệ bình đẳng và sòng phẳng, giúp các DN XNK tiết giảm được chi phí sử dụng dịch vụ cung ứng nhằm cân đối giá thành trong hoạt động kinh doanh. Vì vậy, cả hai khoản phí chính thức và không chính thức đều đang góp phần làm suy yếu DN.

Trước thực tế này, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, điều kiện kinh doanh không phù hợp, môi trường thiếu minh bạch sẽ làm gia tăng gánh nặng chi phí cho DN. Điều này khiến DN không thể lớn lên và không thể cạnh tranh với DN các nước. Và hệ quả cũng sẽ kéo giảm năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh của một quốc gia suy giảm trên trường quốc tế, nhất là trong điều kiện hội nhập hiện nay.

Nguồn Thời báo ngân hàng


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày