Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam lớn đến đâu?

Hoàng Hạnh Thứ Tư | 17/05/2017 08:00

“Bao nhiêu doanh nghiệp tư nhân đã tạo được thanh thế trên thị trường thực sự là tư nhân?”

Danh hiệu những người giàu nhất trên sàn chứng khoán chưa tuột khỏi tầm tay ông Đoàn Nguyên Đức của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Thế nhưng, những khó khăn đang tồn tại của doanh nghiệp này đã chỉ ra một số điểm đáng lưu ý trong sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.

Có thực sự là tư nhân?

Trong mấy năm qua, những người giàu nhất Việt Nam góp tên vào danh sách triệu phú, tỉ phú của thế giới được xem là tín hiệu vui. Doanh nghiệp tư nhân đã thể hiện được vị thế, thành tựu, đối lập với tình trạng ì ạch, thua lỗ, thất thoát của khối doanh nghiệp nhà nước. Thế nhưng, trao đổi với NCĐT, Thạc sĩ Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, đặt câu hỏi: “Bao nhiêu doanh nghiệp tư nhân đã tạo được thanh thế trên thị trường thực sự là tư nhân?”.

Chẳng hạn, theo ông Sơn, khi Nhà nước hoàn tất việc rút vốn, trở lại đúng nghĩa doanh nghiệp tư nhân, nhiều công ty tư nhân được coi là lớn nhất hiện nay có thể sẽ phải đối diện với ít nhiều khó khăn. Để thúc đẩy kinh tế tư nhân, Chính phủ đã đẩy mạnh việc thoái vốn tại một loạt các doanh nghiệp nhà nước lớn như Habeco, Sabeco, Vinamilk. Tuy nhiên, một vấn đề song hành là cần xem xét lại mô hình Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Theo đó, nên ưu tiên hàng đầu cho mục tiêu hiệu quả kinh doanh, xóa bỏ cơ chế quản lý hành chính, áp dụng các thông lệ quản trị tốt của thế giới.

Doanh nghiep tu nhan Viet Nam lon den dau?
 

Ông Sơn chỉ ra thực tế, rất nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam lớn mạnh nhờ khai thác những lợi thế về tài nguyên như rừng, khoáng sản, đất đai... Những lỗ hổng và sự chưa hoàn thiện trong cơ chế quản lý đã tạo cơ hội cho những doanh nghiệp loại này làm giàu một cách thần tốc. Mặt trái ở đây là khi nguồn tài nguyên cơ bản đã cạn kiệt, những cơn sốt đất đã qua, doanh nghiệp sẽ phải đối diện với thách thức thương trường thực sự trong khi nền tảng quản lý hội nhập chưa tương đồng với độ lớn của doanh nghiệp.

Điểm thứ 3 được ông Bùi Ngọc Sơn đặt ra là Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo. Dù có cho rằng FPT là doanh nghiệp hoàn toàn tư nhân, những thành tựu của công ty này xem ra vẫn rất khiêm tốn. Chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn nói thẳng: “FPT chỉ được lúc đầu, tới thời điểm này, họ cũng không có nhiều tăng trưởng trong lĩnh vực phần mềm. Trong lĩnh vực sản xuất điện thoại, sản phẩm của FPT khó có thể cạnh tranh vì không chủ động về linh kiện, phụ kiện’’. Theo ông, điều này cho thấy khiếm khuyết trong cơ cấu phát triển, mặt khác, biểu hiện sự yếu kém của doanh nghiệp Việt Nam và những thách thức vô cùng khó vượt qua cho mục tiêu hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp trên thế giới.

Hãy trở lại với câu hỏi “Doanh nghiệp tư nhân có thật sự tư nhân? Sẽ là bình thường nếu doanh nghiệp nhận được những ưu đãi từ phía các cơ quan quản lý khi đã chứng minh được năng lực và có sức ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế. Thế nhưng, nếu sự giúp đỡ đặc biệt chỉ đến với một vài doanh nghiệp từ trước khi chính thức hoạt động thì cơ hội của các doanh nghiệp khác sẽ không còn.

Đi tìm động lực mới

Theo số liệu phân tích của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong giai đoạn 2009-2011, doanh nghiệp muốn tạo ra 1 đồng lợi nhuận thì cần phải trả 0,7-1 đồng tiền chi phí không chính thức.

Cơ cấu đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân từ năm 2000 đến nay cho thấy không có nhiều sự đột phá. Tỉ trọng vốn đầu tư khu vực tư nhân chỉ đạt 39%, nhỉnh hơn không nhiều so với các mốc trước đó. Điều đó cho thấy không có sự tăng trưởng của khối doanh nghiệp tư nhân như kỳ vọng sẽ trở thành động lực chính của tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Trong số 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, số tập đoàn thực sự rất ít, quy mô nhỏ, các lĩnh vực hoạt động còn hạn chế, nhất là trình độ kỹ nghệ, công nghệ và quản trị còn cách xa các nước. Ngoại trừ những doanh nghiệp còn mối quan hệ sở hữu với Nhà nước, cũng không nhiều công ty mang vóc dáng một tập đoàn như Vingroup, Hòa Phát, TH True Milk, Masan, Trường Hải.

Doanh nghiep tu nhan Viet Nam lon den dau?
 

Theo đánh giá của Ban Kinh tế Trung ương, tổng doanh thu của doanh nghiệp tư nhân từ năm 2007-2015 cũng đã tăng mạnh 4,4 lần, từ 3,5 triệu tỉ đồng năm 2007 lên 15,5 triệu tỉ đồng năm 2015. Những thành phố lớn như TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ xây dựng đội ngũ doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững với số lượng ít nhất 500.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp quy mô lớn và khu vực kinh tế tư nhân sẽ đóng góp khoảng 65% GDP và đóng góp 64% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Tuy nhiên, “quy mô lớn” là lớn so với ai và lớn thế nào thì cũng chưa xác định. Trong khi đó, cũng theo Ban Kinh tế Trung ương, tỉ lệ doanh nghiệp thua lỗ, phá sản còn khá cao, bình quân giai đoạn 2007-2015 là 45%. Cơ cấu ngành nghề còn nhiều bất hợp lý, có đến 81% tập trung vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ, trong khi chỉ có 1% đầu tư vào nông nghiệp, số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo còn rất nhỏ.

Nhiều chuyên gia kinh tế khi trao đổi với NCĐT đều khẳng định, đầu tiên phải xóa đi khó khăn đặc thù của doanh nghiệp Việt, đúng như chủ trương và quyết tâm chống tham nhũng của các cấp quản lý từ trung ương tới địa phương. Song song đó, cần những bước đi bài bản, giống như các nền kinh tế phát triển tương đối lành mạnh trên thế giới. Trao đổi với NCĐT, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, doanh nghiệp tư nhân chỉ có thể có nội lực khi được hỗ trợ về kiến thức sản phẩm, thị trường, kiến thức quản lý nhân lực và sản xuất. Đặc biệt, phải cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp với mức lãi suất hợp lý, tương đương hoặc không chênh lệch nhiều so với mức lãi suất ở các nước trong khu vực.

Ở Mỹ, cơ quan Small Business Administration hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ từ khâu xây dựng đề án đến khởi nghiệp, phát triển và trưởng thành. Hệ thống ngân hàng thương mại đồng hành cùng doanh nghiệp từ khi bắt đầu hoạt động kinh doanh. Lợi thế của ngân hàng là luôn cập nhật thông tin mới về thị trường, công nghệ, quản lý tài chính, nhân sự... cùng với nhu cầu tìm khách hàng kinh doanh cho vay, khi kết hợp với doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ được giúp xây dựng, hoàn thiện kế hoạch kinh doanh từng thời kỳ và cung cấp nguồn tài chính đủ cho các mục tiêu đó. Đổi lại, nếu doanh nghiệp phát triển tốt, ngân hàng sẽ thu được lợi nhuận tốt và ổn định từ hoạt động cho vay của mình.

Mô hình trung tâm phát triển thị trường như Jetro (Nhật) hay Kotra (Hàn Quốc) cũng là một gợi ý tốt giúp doanh nghiệp phát triển thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài. Đây là những trung tâm do chính phủ thành lập, lãnh trách nhiệm xúc tiến các hoạt động ngoại thương và đầu tư nước ngoài, hỗ trợ hoạt động kinh tế đối ngoại của các doanh nghiệp nhỏ và vừa bằng các biện pháp từ kinh tế tới văn hóa, giáo dục.

Điều quan trọng nhất, theo ông Bùi Kiến Thành, không thể để doanh nghiệp phải vay mới mức lãi suất gấp nhiều lần thế giới như giai đoạn trước. Nếu không tiếp cận được nguồn tín dụng với lãi suất hợp lý, lại thua kém về công nghệ, khả năng tiếp cận thị trường, doanh nghiệp Việt không thể tạo ra sản phẩm có khả năng cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại của nước ngoài.

Một thông tin bên lề, những gợi ý nói trên, đặc biệt là vấn đề tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp đã được ông Bùi Kiến Thành đề xuất từ những năm 90 của thế kỷ XX khi vị chuyên gia này trở về Việt Nam với nguyện ước góp sức mình chấn hưng nền kinh tế. Đã ngoài tuổi 80, ông vẫn tiếp tục góp ý cho bất cứ ai muốn lắng nghe và hy vọng sẽ thay đổi được một điều gì đó.

Hoàng Hạnh


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày