Giá giảm, điện mặt trời còn sáng?

Kim Thùy Thứ Tư | 04/03/2020 14:00

Ảnh: TL

Bài toán tiếp tục phát triển điện mặt trời sau khi nguồn năng lượng này không còn nhiều ưu đãi.
Ảnh: TL

Bộ Công Thương đã đồng ý với đề xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc tiếp tục nhận và giải quyết các yêu cầu bán điện từ các dự án điện mặt trời áp mái với mức giá 1.916 đồng/kWh, tương đương 8,38 cent/kWh. Mức giá tuy có giảm 0,97 cent so với trước, nhưng cũng đã thúc đẩy sự trở lại của các dự án điện mặt trời sau hơn 6 tháng chờ tin.

Theo ông Phạm Minh Tuấn, Tổng Giám đốc BCG Energy, tính đến ngày 31.12.2019, cả nước đã có 89 dự án điện năng lượng mặt trời đi vào vận hành, với công suất khoảng 4.500MW. Trong đó, 377MW đến từ điện mặt trời trên mái nhà cao tầng. Cụ thể, khu công nghiệp thương mại chiếm 63% khoảng 237MW, còn lại chủ yếu là các khu nhà xưởng có diện tích mái lớn. Góp phần tăng nguồn cung đáng kể cho hệ thống điện quốc gia, đưa năng lượng mặt trời chiếm tỉ trọng từ dưới 1% đến gần 7% sản lượng tiêu thụ toàn quốc.

Việc lắp đặt hệ thống điện áp mái mang lại nhiều ưu điểm cho doanh nghiệp như gia cố mái nhà, giảm nhiệt độ trung bình từ 4-5oC, tiết kiệm năng lượng cho việc làm mát, được cấp các chứng chỉ liên quan về phát triển bền vững, tăng lợi thế cho hoạt động xuất khẩu, chủ động được nguồn năng lượng sản xuất. Tuy nhiên, muốn thu hút đầu tư điện mặt trời áp mái hiện nay không dễ vì các doanh nghiệp và nhà đầu tư vẫn còn lưỡng lự, khi xét đến bài toán chi phí, lợi nhuận và lợi thế công nghệ cạnh tranh.

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM, cho biết: “Lợi nhuận của điện áp mái không lớn, cách đây 2 năm chi phí đầu tư phải từ 10-12 năm mới hòa vốn, nhưng bây giờ công nghệ hiện đại thì chỉ cần 7-8 năm hoặc ngắn hơn tùy theo thiết bị sử dụng”. Muốn sử dụng dạng năng lượng này, nhà máy cũng cần phải bỏ vốn hoặc nhận đầu tư theo tỉ lệ tùy vào thỏa thuận hợp tác giữa hai bên. Thời gian thu hồi vốn lâu, giá cả không ổn định, trong khi tốc độ trượt giá công nghệ nhanh tạo ra nhiều khó khăn chung về doanh thu của hầu hết các dự án điện mặt trời.

Nếu như năm 2010, giá điện mặt trời thế giới là 36 cent/kWh, thì đến năm 2019 đã giảm xuống chỉ còn dưới 8 cent/kWh. Ở Việt Nam, giá cũng đã có sự giảm nhẹ sau mỗi lần điều chỉnh. Theo dự báo của Hội Khoa học công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VECEA), đến năm 2030 và 2035, giá điện mặt trời sẽ còn tiếp tục giảm sâu xuống khoảng 5,8 cent/kWh và 5,4 cent/kWh. Hơn nữa, từ năm 2025, dự báo giá điện mặt trời sẽ thấp hơn giá các nguồn điện hóa thạch. Điều đó cho thấy, tiềm năng lợi nhuận của các dự án này không thật sự hấp dẫn nhà đầu tư.

Câu chuyện sinh lời từ điện mặt trời áp mái có lẽ vẫn còn chưa lạc quan, nhưng năng lượng mặt trời là một trong những giải pháp bền vững để bù đắp những thiếu hụt điện từ các nguồn truyền thống. Nhất là khi các nước thượng nguồn như Thái Lan, Lào, Trung Quốc liên tục khai thác thủy điện thì chúng ta sẽ không đủ lượng nước để hoạt động nguồn phát điện này.

Theo tính toán của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), sản lượng thiếu hụt điện của Việt Nam năm 2021 khoảng 6,6 tỉ kWh, đến năm 2022 tăng lên khoảng 11,8 tỉ kWh, năm 2023 có thể lên đến 15 tỉ kWh (tương ứng 5% nhu cầu). Để giảm thiểu sự thiếu hụt điện và gia tăng nguồn cung, Chính phủ và EVN đã đưa ra nhiều giải pháp như khuyến khích phát triển điện mặt trời, điện gió, điện khí hóa lỏng, thậm chí còn nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc. Trong đó, Chính phủ đặc biệt quan tâm việc phát triển điện trên mái nhà vì khả năng kích thích việc tiêu thụ ngay tại khu vực phát, giảm áp lực cơ sở hạ tầng cho lưới điện trong thời gian đầu.

“Sử dụng năng lượng xanh vào sản xuất cũng là động lực phát triển và đổi mới quan trọng. Các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao đang có nhu cầu đổi mới công nghệ, nhất là ứng dụng công nghệ 4.0 ngay trong chất lượng sản phẩm và trong tổ chức sản xuất, quản trị rất cần phát triển năng lượng này”, ông Bé nhấn mạnh.

Thêm vào đó, điện mặt trời là nguồn năng lượng sạch, không phát thải khí nhà kính và các chất thải khác. Nhờ đó có thể góp phần giải quyết vấn đề đang rất thời sự hiện nay trên phạm vi toàn cầu là biến đổi khí hậu. Theo nội dung cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu thế giới COP 21, đến năm 2030, Việt Nam sẽ cắt giảm 8% lượng khí nhà kính. Công nghệ điện mặt trời sẽ là một trong các giải pháp tốt nhất để thực hiện hiệp ước này.

“Hiện tại, Chính phủ vẫn quyết tâm, cam kết tiếp tục hỗ trợ một cách mạnh mẽ hành lang chính sách về giá điện cho các dự án điện mặt trời áp mái trong năm 2020 vì đây là nguồn năng lượng quan trọng”, ông Phạm Minh Tuấn cho biết.

Bên cạnh đó, để điện mặt trời phát huy hiệu quả tốt hơn, Nhà nước cần phải tập trung xây dựng quy hoạch phát triển trên phạm vi quốc gia. Vai trò của Hiệp hội là phải giải thích cho doanh nghiệp hiểu, lợi tuy không lớn, nhưng mang giá trị bền vững về lâu dài. Đồng thời, cần tích cực rà soát tiến độ thực hiện và chất lượng của các dự án, cũng như hạn chế sự gia tăng của các dự án ảo trong tương lai


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày