Giá thịt heo giảm mạnh

Hải Vân Thứ Năm | 28/03/2019 08:04

Ảnh: TTO

20 ngày đầu tháng 3.2019, giá heo hơi trên cả nước đã giảm 5.000 – 8.000 đồng/kg so với cuối tháng 2.
Ảnh: TTO

Dịch tả lợn châu Phi (ASF) xâm nhiễm vào Việt Nam, cùng lượng thịt nhập khẩu gia tăng khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đang ảnh hưởng đến thị trường thịt lợn trong nước.

Giá thịt giảm mạnh

Một báo cáo của Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương, ghi nhận, tại nhiều nơi, lượng thịt heo tiêu thụ đã giảm 50% so với bình thường. Với diễn biến dịch bệnh như hiện tại, khả năng giá có thể giảm sâu trong thời gian tới.

Chỉ trong 20 ngày đầu tháng 3.2019, giá heo hơi trên cả nước đã giảm 5.000 – 8.000 đồng/kg so với cuối tháng 2, dù nguồn cung trong nước hiện nay vẫn được bảo đảm, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân và sản xuất, chế biến. 

Tại khu vực miền Bắc, giá heo hơi tại dao động ở mức 34.000 - 35.000 đồng/kg. Giá lợn tại công ty chăn nuôi lớn dao động trong khoảng 34.000 - 36.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên giá giao dịch trong mức 32.000 - 41.000 đồng/kg. Tại khu vực miền Nam, giá heo hơi dao động trong ngưỡng 39.000 - 45.000 đồng/kg.

Tổng cục thống kê, hồi tháng 2.2019, ghi nhận, tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi thời gian qua luôn ở mức 5 – 6%, góp phần duy trì mức tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp.

Tuy nhiên, số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang giảm xuống, chỉ còn 2,5 triệu hộ kể từ mức 3,4 triệu hộ năm 2016. Với tổng đàn đạt 13,8 triệu con, chiếm 49% tổng đàn, sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng từ chăn nuôi nông hộ chiếm khoảng 42% sản lượng thịt lợn hơi cả nước.

Đến nay, ASF đã xâm nhiễm đến mọi loại heo, tỷ lệ lợn chết lên đến 100%. Trong khi đó, xuất khẩu sản phẩm thịt heo dự báo sẽ gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch ASF.

Nguy cơ sán heo

Trưởng phòng Dịch tễ, Cục Thú y của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông Nguyễn Văn Long, cho biết, dịch bệnh đã xảy ra tại 447 xã, 84 huyện của 21 tỉnh, thành phố, với tổng số heo bệnh và tiêu hủy là 64.879 con.

Từ ngày 20.3, bệnh dịch tả lợn châu Phi có chiều hướng lan nhanh, trên phạm vi rộng, thậm chí xâm nhiễm vào trại có điều kiện chăn nuôi tốt hơn các hộ dân. Hộ chăn nuôi lớn ở xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên có tổng đàn 4.500, gồm 500 nái và 4.000 heo thịt đã bị bệnh.

Gia thit heo giam manh
 

Fred Unger, nghiên cứu viên cao cấp của Viện nghiên cứu chăn nuôi quốc tế (ILRI), điều phối viên Dự án an toàn thịt lợn Safe pork tại Việt Nam, bên lề Hội thảo: “Những thách thức ngành chăn nuôi lợn đối mặt tại các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương”, hôm 27.3, cho rằng: “Xâm nhiễm ASF tại Việt Nam không tới mức đáng báo động”.

“Chúng tôi đang làm việc với cơ quan của Chính phủ và các bên liên quan để cải thiện vấn đề này”, Fred Unger nói giữa lúc dịch bệnh đang tác động tiêu cực tới sự phát triển chung của ngành chăn nuôi heo của Việt Nam.

Theo Fred Unger, người tiêu dùng quan ngại về ô nhiễm hoá chất trên thịt hei nhưng báo cáo gần đây của Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho thấy, nguy cơ từ ô nhiễm vi sinh đáng lo ngại hơn ô nhiễm hoá chất.

Liên quan đến việc người tiêu dùng “quay lưng” với thịt heo, Fred Unger nói, do dịch tả lợn châu Phi đã bùng nổ ở Việt Nam và Trung Quốc, nhưng nhiều người tiêu dùng nhận thông tin nên đã ngừng ăn thịt lợn trong khi nguy cơ đó không thực sự ảnh hưởng tới sức khoẻ người tiêu dùng.

Thế nhưng, với trường hợp phát hiện bệnh sán dây lợn (Taenia Solium) ở nhiều trẻ em tại trường mầm non ở Bắc Ninh, phải truyền thông để người tiêu dùng nhận thức đầy đủ mối nguy hại của căn bệnh này.

“Chúng ta cần có nghiên cứu bài bản từ cơ quan chức năng để tìm hiểu kỹ về trường hợp sán heo ở Bắc Ninh”, Fred Unger nói. Ông cho biết, ILRI đã có một số nghiên cứu về sán dây lợn, một trong hợp phần của dự án an toàn thực phẩm Safe pork.

Theo các chuyên gia, bệnh sán dây lợn (Taenia Solium) có thể lây sang người qua hai đường. Thứ nhất, bệnh nhân ăn phải thịt heo gạo, loại thịt có nang sán dây như hạt gạo nằm giữa các thớ cơ đùi, cơ lưỡi, cơ tim, cơ hàm, chưa nấu chín kỹ. Thứ hai, ăn phải rau xanh có nhiễm các đốt sán già, ở Việt Nam còn được gọi là sán xơ mít, thải ra cùng phân của người bị bệnh.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày