Lạm phát trở thành thách thức lớn cho chính sách tiền tệ năm 2020

Kim Anh Thứ Sáu | 13/12/2019 09:03

Lạm phát, thách thức lớn cho chính sách tiền tệ 2020. Ảnh: Ttbd

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Bảo Việt, lạm phát có xu hướng tăng trở lại sẽ là thách thức lớn cho chính sách tiền tệ trong năm 2020 ...
Lạm phát, thách thức lớn cho chính sách tiền tệ 2020. Ảnh: Ttbd

Rạng sáng ngày 12/12/2019, sau 2 ngày họp, Ủy ban thị trường mở (FOMC) của Mỹ đã quyết định giữ nguyên lãi suất Fed fund rate* ở mức 1,5-1,75% với tỷ lệ phiếu ủng hộ là 10-0.

Kết quả này hoàn toàn nằm trong kỳ vọng của thị trường trước đó và lần đầu tiên kể từ cuộc họp tháng 5 cho thấy sự đồng thuận tuyệt đối như vậy. Ngoài ra, thông tin đáng quan tâm nhất là biểu đồ “dot plot” cho thấy lộ trình dự kiến của FED trong năm 2020 sẽ là giữ nguyên lãi suất.

Đồ thị
Đồ thị "dot plot" trong tháng 12. Nguồn: FT.

Điều này cho thấy các thành viên của FED tin tưởng rằng quá trình “điều chỉnh giữa chu kỳ” có thể đã kết thúc và tổng mức cắt giảm 0,75% tính đến nay là đủ để hỗ trợ nền kinh tế, ít nhất là trong thời điểm hiện tại.

Mặc dù vậy, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhấn mạnh rằng, biểu đồ “dot plot” này hoàn toàn có thể thay đổi theo từng kỳ họp cuối quý. Do vậy, mục tiêu giữ nguyên lãi suất đến hết năm 2020 không phải là mục tiêu “cứng” mà vẫn có thể thay đổi tùy theo kỳ vọng tại mỗi cuộc họp.

 

BVSC cho rằng chính sách tiền tệ của FED trong năm 2020 được đánh giá vẫn theo hướng hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế với kỳ vọng sẽ giữ nguyên như mức hiện nay, thậm chí vẫn có khả năng cắt giảm thêm nếu triển vọng kinh tế suy giảm với các rủi ro gia tăng.

Khả năng FED tăng lãi suất trở lại trong năm 2020 là rất thấp. Trên cơ sở đó, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung Ương (NHTW) các nước khác được nhận định sẽ không còn cắt giảm lãi suất đồng loạt như năm 2019 mà đa phần cũng sẽ “nương theo” FED, tạm dừng tiền trình giảm lãi suất. Tuy nhiên, một vài nền kinh tế hồi phục yếu mà dư địa còn nhiều vẫn có thể cắt giảm thêm lãi suất.

Riêng tại Việt Nam, mặt bằng lãi suất năm 2020 nhiều khả năng sẽ ổn định, không tăng thêm so với cuối 2019. Theo đánh giá của BVSC, mặt bằng lãi suất huy động nói chung sẽ vẫn duy trì ở mức như hiện tại, khó có khả năng giảm sâu tại các ngân hàng chưa đáp ứng được các yêu cầu về an toàn vốn cũng như lộ trình giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ mức 40% hiện nay về mức 30% kể từ 1/10/2022.

"Thách thức lớn cho chính sách tiền tệ năm 2020 đến từ xu hướng bật tăng trở lại của lạm phát", BVSC nhận định. Công ty chứng khoán này cho rằng dù chỉ số giá tiêu dùng CPI có thể sẽ không tăng cao lên mức quá rủi ro nhưng cũng là một trở ngại khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khó mạnh tay trong việc cắt giảm thêm các loại lãi suất điều hành như trần lãi suất huy động, lãi suất OMO, lãi suất tín phiếu…, nhất là trong quý I/2020.

Trong kịch bản lạm phát hạ nhiệt dần trong quý II/2020, NHNN sẽ có dư địa để xem xét cắt giảm các loại lãi suất điều hành nếu tăng trưởng GDP chậm lại đáng kể.

(*) Fed funds rate là tỉ lệ lãi suất các ngân hàng cho nhau vay trong khoảng thời gian 1 ngày để có được số tiền bằng đúng yêu cầu dự trữ bắt buộc. Mỗi tháng, Fed thông qua Ủy Ban Thị Trường Mở Liên Bang, xác định một mức Federal Funds Rate nhất định.

►FED sẵn sàng điều chỉnh chính sách tiền tệ nếu cần thiết

►Chính sách tiền tệ của Việt Nam được quốc tế khen ngợi

►Tăng trưởng tín dụng 4 tháng cuối năm vẫn lo lạm phát


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày