M&A công sản: Tính chuyện mua vốn khôn ngoan

Hải Vân Thứ Hai | 24/12/2018 15:01

Vời thương vụ Sabeco, người Thái đang dẫn đầu việc mua lại công sản của Việt Nam. Ảnh: Bloomberg

Mua tài sản của nhà nước đã bớt khó nhưng các nhà đầu tư vẫn có thể mất sản nghiệp nếu không hiểu quy trình.
Vời thương vụ Sabeco, người Thái đang dẫn đầu việc mua lại công sản của Việt Nam. Ảnh: Bloomberg

Cơ hội lớn cho các nhà đầu tư khi quá trình bán vốn của Nhà nước diễn ra rất chậm, chỉ chiếm khoảng 8% trong số công sản nhà nước muốn bán, Giám đốc chương trình thạc sĩ Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam, ông Phạm Duy Nghĩa, cho biết tại Hội thảo: "Giao dịch M&A: Nhận diện rủi ro pháp lý, phòng ngừa và giải quyết tranh chấp", hôm 21.12. 

Lợi thế cho bên mua

Một tin tốt đến với thị trường M&A năm 2019 khi Bộ Tài chính xác nhận tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) diễn ra rất chậm, tính đến 18.11.2018 mới cổ phần hóa được 12 doanh nghiệp trong khi kế hoạch cho năm 2018 ít nhất là 85 doanh nghiệp.

Thêm nữa, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính, ông Đặng Quyết Tiến, mới đây đã cho biết, năm 2019 cổ phần hóa 18 DNNN, đảm bảo giai đoạn 2017 - 2020 cổ phần hóa 127 doanh nghiệp.

Thực ra, Nhà nước đang gặp nhiều cái khó khi DNNN trở thành vấn đề lớn, nắm giữ nhiều tài nguyên nhưng hoạt động không hiệu quả, không phải là chủ đạo của nền kinh tế. Trong khi đó, Nhà nước đang bị ép vào cạnh tranh khốc liệt hơn và “cuộc chơi” sòng phẳng hơn với khu vực tư nhân.

Thêm nữa, các thương mại tự do cũng siết chặt hơn các cam kết về kinh tế nhà nước. Việt Nam đã sẵn sàng tham gia CTTPP từ năm 2019, nếu vi phạm những quy định về DNNN tại Chương 17, Nhà nước có thể bị kiện như bị đơn trong các sung đột giữa các nhà đầu tư với chính quyền.

Với thực trạng của kinh tế Việt Nam, M&A công sản của Việt Nam được dự báo tiếp tục hấp dẫn dòng vốn mới trong năm 2019. Các nhà đầu tư kỳ vọng hàng loạt doanh nghiệp có giá trị lớn, như Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… sẽ sớm được cổ phần hóa.

Đến nay, người Thái đang dẫn đầu việc mua lại công sản của Việt Nam. Thương vụ kỷ lục thuộc về ThaiBev của Thái Lan, thông qua công ty con Vietnam Beverage mua lại 51% Sabeco, công ty bia lớn nhất tại Việt Nam, trị giá 5 tỉ USD vào năm 2017.

Thế nhưng, người Hàn Quốc đã không đứng ngoài cuộc, bỏ qua mảng thị trường béo bở này. Họ rốt ráo kết nối với các tổ chức trong nước, để nắm bắt càng nhiều, càng tốt những thông tin liên quan đến việc mua lại tài sản của các DNNN.

Không bóc tách riêng lượng vốn đổ vào công sản ở Việt Nam, nhưng ông Heehwan Kwon, Giám đốc Uỷ ban Trọng tài Thương mại Hàn Quốc (KCAB), cho biết, 11 tháng đầu năm 2018, đã có 1.735 số lượt góp vốn, mua cổ phần, với tổng giá trị đạt khoảng hơn 1,3 tỉ USD đến từ Hàn Quốc.

Dù vậy, việc có được những thành công trong giao dịch M&A công sản là không đơn giản. Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), ông Vũ Ánh Dương, cho rằng, các giao dịch liên quan đến một bên là Nhà nước, có những yếu tố đặc thù, tiềm ẩn nhiều rủi ro về chính sách.

Từ năm 1993 đến 10.12.2018, VIAC đã tiếp nhận và giải quyết được 159 vụ tranh chấp, trong đó có những vụ liên quan đến công sản. Phó Chủ tịch VIAC cảnh báo: “Quyền lợi hợp pháp của các bên sẽ bị ảnh hưởng nếu không đảm bảo tuân thủ đúng pháp luật”.

Mua vẫn không dễ

Quan sát quá trình gần 30 năm thực hiện cổ phần hóa DNNN của Việt Nam, Giám đốc chương trình thạc sĩ Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam, ông Phạm Duy Nghĩa, cho rằng, một tài sản công phải trải qua 10 bước mới có thể trở thành tài sản tư nhân.

Theo ông, từ bước số 1 đến số 4, những quy trình mang tính chính trị được quyết định bởi những người có quyền lực. Từ bước số 5 đến số 7, có sự xuất hiện của các luật sư với hồ sơ pháp lý, sổ hồng, sổ đỏ. Hai bước số 9 và 10 là công chứng, thu thuế, khi tài sản đã hiện hình.

Ông Nghĩa cho rằng, chính lỗi từ quy trình chính trị đã khiến khu “đất vàng” số 8 - 12 Lê Duẩn, Quận 1, TP.HCM, không tổ chức đấu giá công khai, không tổ chức đấu thầu để chọn nhà đầu tư. Sai phạm đó dẫn đến ông Nguyễn Thành Tài bị khởi tố và dự án này bị đình chỉ.

“Các nhà đầu tư muốn mua được công sản, cần lượng sức nếu không muốn bị mất sản nghiệp vào các bước từ 1 đến 4”, ông Nghĩa cảnh báo. Theo ông, phương thức trọng tài và tòa án nhiều khi không phù hợp với các bước số 1 đến số 4, khi chỉ có thể có thể lên tiếng về những rủi ro từ bước thứ 6 đến bước thứ 10.

“Các nhà đầu tư muốn mua được công sản, cần hiểu sự phức tạp của quy trình”, ông Nghĩa kết luận. Theo ông, những giao dịch này phải do bộ chủ quản quyết định, đồng thời phải có đủ ý kiến những người liên quan. Việc không tuân thủ quy trình thanh tra, như thiếu một trong những ý kiến liên quan, có thể làm cho quyết định của người đại diện DNNN đó không có hiệu lực.

Vị chuyên gia đến từ Fulbright Việt Nam cũng nhắc đến quá trình thẩm tra pháp lý, rất tốn kém, do buộc phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của Luật quản lý công sản và Luật Đầu tư. Điều này, giải thích nguyên nhân Dự án “Lavenue Crown” (Vương miện của đại lộ) ở số 8-12 Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM, phải mất tới 4 năm mới hoàn tất.

Thực tế các giao dịch M&A công sản là khác nhau. Ông Nghĩa cho rằng “sự tính toán phù hợp” cùng “một “khung để tư duy” là vô cùng cần thiết đối với mỗi một nhà đầu tư muốn mua lại tài sản của Nhà nước.

Hiện nay, tín hiệu Nhà nước muốn bán tài sản là thật, song ông Nghĩa nói rằng các nhà đầu tư vẫn cần xem xét nhiều yếu tố. Ví dụ, luật trên giấy và luật “ngoài đời”, cũng như kênh chính thức và phi chính thức. Mỗi một thương vụ với DNNN phải thương lượng với nhiều chủ thể, nhà đầu tư cần gom được nhiều nhất có thể sự cam kết của các cơ quan có thẩm quyền.

Một điểm ông Nghĩa nhắc các nhà đầu tư ghi nhớ là “chia sẻ với những người liên quan khác”. Ông cũng nói thêm, hậu cổ phần hóa cũng rất quan trọng, nên chiến lược của nhà đầu tư là “chia sẻ niềm tin, hợp tác với chính quyền”.

Thực tế cho thấy, đang có những hạn chế trong các quy định về M&A trong pháp luật Việt Nam. Ví dụ, Luật Cạnh tranh, Luật Doanh nghiệp đưa quy định về các giao dịch M&A: Từ 30-50% thị phần trên thị trường phải xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền, hay trên 50% thì không được phép, ngoài những trường hợp đặc biệt.

Luật sư Nguyễn Duy Linh, Công ty Luật Quốc tế Việt Nam (VILAF), nhận xét, về mặt văn bản, những quy định này “tưởng là cụ thể” nhưng tác động nặng nề đến các nhà đầu tư, khi không đóng được giao dịch, hay vượt quá 50% thị phần liên quan có thể bị phạt lên tới 10% doanh số, thậm chí phải chia tách những doanh nghiệp phải tham gia hoặc mua vào.

Thực tế đòi hỏi những quy định cụ thể về pháp lý, giúp các nhà đầu tư khi tham gia các giao dịch M&A biết trước và lường trước được về quyền và nghĩa vụ của mình. Thế nhưng, Luật sư Linh cho rằng, nhiều khái niệm M&A phổ biến trên thế giới chưa có trong pháp luật của Việt Nam. Ông dẫn chứng: “Quyền mua, quyền bán trong pháp luật Việt Nam, mới chỉ là những quy định rất chung”.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày