Mỗi lô tôm xuất sang Nhật Bản mất 6 lần kiểm kháng sinh

Thứ Tư | 19/12/2012 16:51

Để giữ thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất là Nhật Bản, nhiều doanh nghiệp đã chi hàng tỷ đồng mỗi năm để kiểm nghiệm kháng sinh các lô hàng.
Từ ngày 18/5/2012, Nhật Bản có quyết định kiểm tra Ethoxyquin trong tôm Việt Nam, khiến không ít doanh nghiệp tôm lâm vào tình cảnh lao đao vì Nhật Bản là thị trường chính tiêu thụ sản phẩm của họ.

Nhiều doanh nghiệp không dám mua tôm nguyên liệu, nhất là tôm nuôi theo phương thức công nghiệp do lo sợ nhiễm Ethoxyquin. Một số doanh nghiệp cố gắng duy trì xuất khẩu sang Nhật Bản bằng cách tăng mua tôm nuôi quảng canh, hoặc nhập khẩu tôm không nhiễm Ethoxyquin từ nước ngoài về chế biến. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế, không giải quyết được vấn đề.

Mặc dù năm nay xuất khẩu tôm sang Nhật Bản gặp không ít khó khăn nhưng đây vẫn là thị trường quan trọng nhất, chiếm 27,5% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam. Để duy trì xuất khẩu tôm sang thị trường khó tính này, nhiều doanh nghiệp đã và đang bỏ ra hàng tỷ đồng mỗi năm cho hoạt động kiểm nghiệm kháng sinh các lô hàng xuất khẩu của mình.

Được biết, trước khi xuất khẩu tôm đi Nhật, mỗi lô hàng tôm đang được cả doanh nghiệp và đại diện nhà nhập khẩu kiểm kháng sinh/vi sinh ít nhất 6 lần tại các phòng kiểm nghiệm đạt chuẩn và được chỉ định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Các bước kiểm tra bao gồm: kiểm tôm dưới ao trước khi thu hoạch, kiểm tôm nguyên liệu khi về đến nhà máy chế biến gửi kết quả cho phòng kiểm nghiệm của doanh nghiệp và cả bên ngoài, kiểm bán thành phẩm trên dây chuyền sản xuất, kiểm thành phẩm tại phòng kiểm nghiệm của doanh nghiệp (tự kiểm), kiểm thành phẩm gửi NAFIQAD (dạng dịch vụ), kiểm thành phẩm (kiểm cảm quan) bởi đại diện nhà nhập khẩu.

Mặc dù chi phí tốn kém, nhưng để giữ chỗ đứng trên thị trường và giữ uy tín sản phẩm của doanh nghiệp với đối tác Nhật Bản, từ lâu các doanh nghiệp tôm Việt Nam đã nỗ lực bằng mọi cách có thể, đặc biệt là việc tự kiểm tại các phòng kiểm nghiệm của doanh nghiệp hoặc dịch vụ, để đảm bảo sản phẩm có chất lượng tốt nhất.

Nhờ đó, chất lượng tôm xuất khẩu sang thị trường Nhật đã được cải thiện rất nhiều, nhất là đối với 2 chất Trifluralin và Enrofloxacin mà Nhật đã cấm từ năm 2011. Cảnh báo của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho thấy, số lô tôm Việt Nam nhiễm kháng sinh, hóa chất trong năm nay giảm rõ rệt, nhất là nhiễm Enrofloxacin.

f

Tuy nhiên, vướng mắc về Ethoxyquin - chất chống oxy hóa được dùng rộng rãi trong bảo quản bột cá – thành phần chính của thức ăn chăn nuôi, là chất mà doanh nghiệp chế biến khó có thể kiểm soát được, dù đã cố gắng hết khả năng, vì nó xuất hiện từ khâu thức ăn cho nuôi tôm.

Nếu không có sự quản lý, kiểm soát và hướng dẫn của các cơ quan quản lý nhà nước và chuyên môn cho người nuôi để hạn chế chất này, ngành tôm Việt Nam sẽ bị mất dần thị phần tại thị trường Nhật Bản và điều đó sẽ tạo cơ hội cho các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Indonesia chiếm lĩnh thị trường quan trọng này.

Nguồn Vasep


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày