Ngân hàng và cuộc chơi cảng biển

Thứ Hai | 12/10/2015 08:30

Vì sao nhiều ngân hàng lại có chân trong ban lãnh đạo các cảng biển lớn? Đó là cả là một câu chuyện dài.

Đại diện ngân hàng VietinBank và VPBank cùng lúc tham gia Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát của Cảng Sài Gòn với tư cách nhà đầu tư chiến lược. Một số ngân hàng khác như Vietcombank, BIDV và Argibank cũng vừa công bố đầu tư vào cảng biển. Vì sao ngày càng nhiều ngân hàng nhảy vào lĩnh vực này?

Thoái vốn nhà nước khỏi cảng biển

Giảm tỉ lệ sở hữu của Nhà nước tại các cảng biển là chủ trương của Bộ Giao thông Vận tải, thể hiện qua lộ trình thoái vốn nhà nước tại 9 cảng biển lớn. Theo đó, Nhà nước sẽ chỉ nắm giữ 51% vốn của 4 cảng đầu mối quan trọng như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng và Sài Gòn, và nắm giữ 49% hoặc thoái toàn bộ vốn khỏi các cảng còn lại tại Cần Thơ, Nghệ Tĩnh, Cam Ranh... Theo Bộ Giao thông Vận tải, Nhà nước chỉ bán cho doanh nghiệp quyền khai thác, điều hành quản lý và vẫn nắm quyền kiểm soát cơ sở hạ tầng và giá.

Sau một thời gian dài loay hoay với tình trạng khó khăn và tái cơ cấu, hiện Vinalines vẫn còn là con nợ lớn của nhiều ngân hàng. Cổ phần cảng mà Vinalines chào bán suốt một năm qua không thu hút được nhà đầu tư và vẫn trong tình trạng ế. Để phá vỡ sự e ngại của tư nhân khi Nhà nước nắm giữ vốn quá cao, Vinalines đề xuất giảm tỉ lệ Nhà nước sở hữu vốn tại cảng Sài Gòn và cảng Hải Phòng chỉ còn 20%, thấp hơn nhiều so với lộ trình của Bộ.

Cảng biển Việt Nam được đầu tư quá nhiều và chỉ một số ít cảng thực sự tăng trưởng. Theo Cục Hàng hải, 6 tháng đầu năm nay, nhóm cảng biển khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh, TP.HCM và một số cảng Vũng Tàu chiếm tới gần 80% tổng sản lượng hàng thông qua cảng biển cả nước, đạt tăng trưởng từ 7-15% so với cùng kỳ năm 2014.

Trong lúc đó, một số cảng lại thua lỗ triền miên. Bắt đầu hoạt động từ tháng 8.2012 với tổng vốn đầu tư hơn 155 triệu USD từ Vinalines và đối tác nước ngoài, cảng Quốc tế Cái Lân, Quảng Ninh, hiện thua lỗ nghiêm trọng. Theo báo cáo mới nhất với Bộ Giao thông Vận tải, cả năm 2014, số lỗ lũy kế của cảng Cái Lân lên đến gần 270 tỉ đồng. Hai tháng đầu năm nay, cảng này lỗ thêm gần 40 tỉ đồng. Đến cuối năm 2014, cảng Cái Lân đã không có tiền để trả khoản nợ gần 6,7 triệu USD và phải chịu lãi suất phạt 2% trên khoản nợ gốc và lãi vay đến hạn chưa được thanh toán. Bên cạnh nguyên nhân chỉ hoạt động 20% công suất do giao thông không thuận tiện,  cảng này thua lỗ còn do cuộc chiến hạ giá. Vì thế, cảng Cái Lân ngày càng lún sâu vào nợ.

Ngoài ra, cảng liên doanh giữa Vinalines với nước ngoài như cảng SP-PSA, cảng CMIT và cảng SSIT ở khu vực Cái Mép - Thị Vải, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cũng đều thua lỗ nặng nề sau vài năm hoạt động.

Cho đến nay, việc đầu tư, quản lý và khai thác các cảng biển vẫn chủ yếu dùng nguồn vốn ngân sách. Mô hình này không còn phù hợp với tình hình mới trong thời kỳ hội nhập, thậm chí kiềm hãm sự phát triển. Vì thế, Bộ Giao thông Vận tải quyết định thoái vốn. Thực tế cho thấy, sau khi chuyển giao cho các thành phần kinh tế khác, nhiều cảng biển có lợi nhuận tăng lên nhiều lần so với khi Nhà nước còn sở hữu.

Ngân hàng tiếp nhận cảng biển

Sau khi Nhà nước công bố thoái vốn, đã có nhiều nhà đầu tư đăng ký mua gần hết cổ phần cảng Đà Nẵng, cảng Quảng Ninh và 49% cổ phần cảng Hải Phòng, với giá mua vào hầu hết cao hơn mức giá khởi điểm. Nhưng việc nhiều ngân hàng có chân trong ban lãnh đạo các cảng biển lớn lại là một câu chuyện dài.

Trước đây, các ngân hàng rất “hào phóng” cấp vốn cho Vinalines và các công ty con đóng tàu và đầu tư cảng. Nhưng sau khi vỡ nợ, Vinalines lại trở thành gánh nặng cho ngân hàng. Theo Công ty Chứng khoán HSC, dư nợ của Vinalines và các đơn vị liên quan tại VietinBank là 4.982 tỉ đồng, tương đương 1,3% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng này; trong đó, dư nợ của Vinalines là 2.051 tỉ đồng.

Ngân hàng VietinBank, VPBank có thể trở thành cổ đông lớn tại Công ty Cảng container quốc tế Cái Lân là vì Vinalines đã không còn tiền để tiếp tục đầu tư và đang tìm cách gán nợ ngân hàng bằng cổ phần. Trong đợt thoái vốn nhà nước tại cảng Đà Nẵng, VietinBank đăng ký mua 10% tỉ lệ vốn để cấn trừ nợ.

Ngoài VietinBank và VPBank, Vinalines còn nợ nhiều ngân hàng khác. Trong nước có Vietcombank, HSBC Việt Nam, TPBank, OceanBank, ACB… Ngoài nước có Natixis, Maybank, Bangkok Bank. Tổng giá trị sổ sách các khoản nợ là hơn 5.000 tỉ đồng. Với tình trạng không có tiền trả nợ như hiện nay, ngân hàng chỉ có thể lựa chọn lấy cổ phần cảng để trừ nợ hoặc bán nợ cho Nhà nước.

Bên cạnh gán nợ, ngân hàng tham gia vào lĩnh vực cảng biển còn vì mục đích đầu tư vốn phát triển. Cuối tháng 7 vừa qua, 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước là Vietcombank, VietinBank, BIDV và Argibank đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ vốn đầu tư xây dựng dự án cảng biển Trung tâm Điện lực Duyên Hải với tổng giá trị 5.500 tỉ đồng. Khoản vay này được Tập đoàn Điện lực Việt Nam đứng ra bảo lãnh nên Vietcombank ngỏ ý sẵn sàng tài trợ vốn cho giai đoạn sau của dự án, được Chính phủ phê duyệt mức vốn đầu tư 10.795 tỉ đồng.

Mai Hân


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày