Nhật Bản xem xét viện trợ ODA cho dự án sân bay Long Thành

Thứ Ba | 21/07/2015 22:51

Đại dứ Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, Nhật Bản dành sự quan tâm lớn đến dự án CHKQT Long Thành. Phía Nhật sẽ xem xét viện trợ cho dự án.

Cổng TTĐT Bộ GTVT cho biết, ngày 21/7, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã có buổi tiếp và làm việc với ông Fukada Hiroshi Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Tại buổi tiếp, ông Fukada Hiroshi cho biết, Nhật Bản dành sự quan tâm lớn đến dự án CHKQT Long Thành. Phía Nhật sẽ xem xét viện trợ cho dự án. Theo đó, Nhật Bản mong muốn Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia vào dự án, đồng thời tạo điều kiện và cho phép JICA tiến hành nghiên cứu khả thi của dự án.

Đối với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, ông Fukada Hiroshi cho biết trong cuộc hội đàm mới đây của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, hai bên đã thống nhất xem xét hợp tác trong dự án này, đặc biệt là vấn đề nghiên cứu tính khả thi của dự án. Hiện JICA đang chuẩn bị nghiên cứu khả thi cho dự án trên cơ sở kế hoạch mới mà phía Việt Nam đưa ra.

Về dự án CHKQT Long Thành, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Quốc hội vừa thông qua chủ trương cho phép đầu tư dự án. Trong thời gian tới, Bộ GTVT phải lập báo cáo khả thi để trình Quốc hội lần nữa.

Để giảm tối đa tác động đến nợ công, Quốc hội thông qua chủ trương thực hiện sân bay Long Thành theo hình thức đối tác công tư. Trong cơ cấu vốn của dự án thì vốn ngân sách sẽ được dùng cho công tác giải phóng mặt bằng, vốn ODA dùng đầu tư cho khu bay (đường băng, sân đỗ), vốn doanh nghiệp tư nhân tham gia để đầu tư nhà ga hành khách.

Đồng thời, Bộ GTVT cũng cảm ơn JICA đã hỗ trợ Bộ GTVT trong việc nghiên cứu tiền khả thi của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và hoan nghênh việc JICA tiếp tục thực hiện nghiên cứu khả thi cho dự án này.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng cho biết, theo Chiến lược phát triển đường sắt mới phê duyệt, trong giai đoạn đầu sẽ đầu tư xây dựng với tốc độ từ 160 - 200km/h; sau đó mới nâng lên 350km/h. Chủ trương sẽ thực hiện trước một số đoạn tuyến, có thể là TPHCM - Nha Trang, Hà Nội - Vinh.

Nguồn Bộ GTVT


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày