Nhiều địa phương xây dựng đề án phát triển kinh tế ban đêm

Hà Linh Thứ Sáu | 26/07/2019 09:00

Ảnh: vietnamnet.vn

Nhiều địa phương đã có đề án phát triển các dịch vụ vui chơi giải trí về đêm như phố đi bộ, chợ đêm…để thu hút du khách, phát triển kinh tế.
Ảnh: vietnamnet.vn

Phát triển kinh tế về đêm là được xem là một phần không thể thiếu trong phát triển du lịch. Nhiều Thành phố trên thế giới phát triển với mệnh danh "thành phố không ngủ", tạo thu nhập cho dân đô thị, đồng thời thu hút du khách, doanh nhân đến làm ăn, đầu tư...

Tại Việt Nam, hiện các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội... đã dần hình thành hoạt động kinh tế ban đêm, trong đó TP.HCM nhộn nhịp nhất với nhiều hoạt động như phố đi bộ, phố ẩm thực, chợ đêm..., mới nhất là sự bùng nổ của hệ thống cửa hàng tiện lợi.

Cả nước có hơn 2.300 cửa hàng tiện lợi, trong đó khoảng 1.000 cửa hàng hoạt động 24/24 giờ, tập trung ở TP.HCM và Hà Nội.

Hàng loạt địa phương có đề án phát triển kinh tế về đêm

Tại TPHCM, Sở Công thương TP.HCM cho biết sau khi tiếp nhận chỉ đạo của Thủ tướng nghiên cứu về kinh tế ban đêm, Sở Công thương đang bắt tay vào đánh giá thực tiễn ở thành phố. "Thực tế hoạt động kinh tế về đêm của thành phố từ trước đến nay khá sôi động, từ chợ đêm, phố đi bộ... nhưng để đánh giá đúng và có quy hoạch cần phải nghiên cứu sâu" - đại diện sở cho biết.

Tại Nghệ An, mới đây Phòng Kinh tế - TP Vinh cho biết, đầu tháng 8/2019, TP Vinh sẽ triển khai phố đêm tại đường Cao Thắng. Dự kiến, các ngành hàng sẽ được phép kinh doanh tại phố đêm bao gồm: Hàng quần áo may mặc sẵn; hàng giày dép tổng hợp, đồ da, túi, cặp mũ các loại; đồ lưu niệm; hàng hóa đặc sản tại các địa phương; hàng giải khát, ăn nhẹ đường phố và một số ngành hàng khác đảm bảo yêu cầu.

Để khuyến khích các hộ tham gia kinh doanh vào phố đêm, thành phố sẽ có cơ chế hỗ trợ cho các hộ kinh doanh tại phố đêm Cao Thắng trong thời gian 3 tháng đầu.

Theo đó, trong 3 tháng đầu triển khai phố đêm tại đường Cao Thắng, thành phố sẽ miễn thu 1 số loại phí đồng thời kiến nghị miễn tiền thuế cho các hộ kinh doanh.

Cụ thể, đối với việc sử dụng mặt bằng để kinh doanh, TP.Vinh sẽ không thu tiền giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng đối với các hộ kinh doanh trong thời gian 3 tháng kể từ thời điểm bắt đầu kinh doanh. Các loại phí và lệ phí cũng được miễn hoàn toàn trong thời gian 3 tháng đầu.

Tại Vũng Tàu, UBND TP Vũng Tàu đã lập quy hoạch chi tiết 1/500 của trục đường Thùy Vân - bãi Sau. Theo quy hoạch chi tiết này, Vũng Tàu sẽ có khu dịch vụ du lịch phục vụ du khách và người dân vào ban đêm cũng như phố đi bộ. Quy hoạch này phù hợp với quy hoạch chung Vũng Tàu đến năm 2035 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nhieu dia phuong xay dung de an phat trien kinh te ban dem
TP Vũng tàu sẽ có phố đi bộ và chợ đêm trên đường Thùy Vân. Ảnh: trithucvn.net

Trao đổi trên báo Tuổi trẻ ông Vũ Hồng Thuấn - phó chủ tịch UBND TP Vũng Tàu - cho biết quy hoạch trên đã được thẩm định và đang trình Sở Xây dựng và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt. Theo đó, toàn bộ các công trình xây dựng dọc đường Thùy Vân ở mé bờ biển, nếu không phù hợp sẽ bị giải tỏa để tạo sự thông thoáng cho bờ biển. Các dịch vụ như vũ trường, quán bar, karaoke gây tiếng ồn sẽ được tập trung ở mé biển để tách khỏi khu dân cư và các khu vực có khách lưu trú. Đồng thời, sẽ có chợ đêm ở đường Thùy Vân, cũng như sẽ có bãi đậu xe ngầm, có quảng trường trung tâm, có các công trình điểm nhấn. Ở khu vực bãi Trước, TP Vũng Tàu cũng sẽ có tuyến phố đi bộ ban đêm gồm hai đường Trưng Trắc - Trưng Nhị đi thẳng ra khu tam giác bãi Trước - nơi đang có đường sách Vũng Tàu.

Tại Đà Nẵng, sau chợ đêm Sơn Trà Đà Nẵng và phố đêm Thanh Khê Tây, từ tháng 10/2019, phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng do Công ty CP Ngôi Sao Biển Sài Gòn làm chủ đầu tư bên sông Hàn cũng sẽ hoạt động từ 18h đến 2h hôm sau.

Theo đề án sơ bộ, phần vỉa hè phía đông đường Bạch Đằng, tiếp giáp ngay bờ sông Hàn sẽ là tuyến phố đi bộ ngắm cảnh cho người dân và du khách. Trên 370 gian hàng di động sẽ được lắp ghép, bố trí trên phố. Đây sẽ là tuyến phố đi bộ, kết hợp dịch vụ kinh doanh hàng hóa, đồ lưu niệm, ẩm thực và các hoạt động giải trí văn hóa nghệ thuật của địa phương.

►Các chuyên gia nói gì về chính sách kinh tế ban đêm

►Sôi động nền kinh tế ban đêm tại nhiều thành phố Trung Quốc

Tại sao cần phát triển kinh tế ban đêm?

Nhiều chuyên gia đánh giá, kinh tế về đêm có thể là một cơ hội mới cho Việt Nam. Hiện mỗi năm Việt Nam có thêm 1,5 triệu người gia nhập vào tầng lớp trung lưu, với mức sống từ 15 USD/ngày trở lên, đang dành nhiều tiền và thời gian để tận hưởng cuộc sống. Khảo sát của The Conference Board và Nielsen cho thấy 43% tiền nhàn rỗi của người tiêu dùng Việt Nam được sử dụng cho mục đích giải trí.

Theo ông Phạm Ngọc Hưng, phó chủ tịch Hội doanh nghiệp TP.HCM, kinh tế ban đêm là một hoạt động rất phổ biến, đặc biệt là những nước có nhiều khách du lịch. Khách du lịch qua Việt Nam họ rất thích đi chơi tới 2h đêm rồi về ngủ tới 9h sáng. Do đó, chúng ta phải nghiên cứu, quy hoạch các hoạt động kinh doanh buôn bán, dịch vụ giải trí về đêm phù hợp, đáp ứng nhu cầu cho du khách cũng như người dân địa phương.

Trong khi đó, chuyên gia Đinh Thế Hiển cho rằng, việc phát triển kinh tế ban đêm là hoàn toàn hợp lý. Do đó, những đô thị lớn phát triển về du lịch như Hà Nội, TP.HCM, Phú Quốc, Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Nẵng... muốn khai thác tối đa lợi ích kinh doanh thì phải tạo điều kiện, đầu tư phát triển những hạ tầng về dịch vụ ẩm thực giải trí như nhà hàng, quán bar, khu phố mua sắm về đêm để thu hút du lịch.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày