PPP: Chìa khóa mở cánh cửa nông nghiệp bền vững tại Việt Nam

Vân Nguyễn Thứ Tư | 12/09/2018 13:33

Quy trình sản xuất rau sạch của Vineco.

Việt Nam đặt mục tiêu nhân rộng mô hình hợp tác PPP ra 10 mặt hàng chủ lực quốc gia.
Quy trình sản xuất rau sạch của Vineco.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông Nguyễn Xuân Cường, tại Diễn đàn Tăng trưởng châu Á 2018, sự kiện thuộc Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) đang diễn ra tại Hà Nội, cho rằng, “Nhóm công tác Đối tác công tư (PPP), một trong những "chìa khóa" quan trọng nhất nhằm thực hiện tầm nhìn kép cũng như tầm nhìn quốc gia bền vững”.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp cho biết, ngành nông nghiệp năm nay sẽ xuất khẩu đạt 40 tỷ USD. Ông tin rằng, nếu nước ta làm tốt chuỗi, từ vùng nguyên liệu đến tổ chức sản xuất và tiêu thụ, xâu chuỗi lại từ người nông dân đến các doanh nghiệp và tập đoàn thì giá trị xuất khẩu còn tiếp tục tăng lên nhiều lần so với hiện nay.

Tham gia sáng kiến “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp” từ năm 2010, Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa nhà nước và khối tư nhân thông qua các Nhóm công tác Đối tác công tư (PPP) ngành hàng trong Đối tác Phát triển Nông nghiệp Bền vững Việt Nam (PSAV.

Hợp tác với WEF trong nông nghiệp, đặc biệt là việc triển khai Sáng kiến “Tầm nhìn mới cho nông nghiệp”, Việt Nam đã triển khai thành công 7 Nhóm công tác PPP ngành hàng: cà phê, chè, rau quả, thủy sản, hồ tiêu và gia vị, lúa gạo và hóa chất nông nghiệp.

Đến nay, gần 220.000 nông dân đã được hỗ trợ tham gia các mô hình trình diễn kỹ thuật, được tập huấn và áp dụng các phương pháp canh tác tiên tiến, đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững.

Các vấn đề mà nông nghiệp Việt Nam cần giải quyết như: xây dựng các chuỗi giá trị liên kết bền vững, kết nối nông dân với các tổ chức chứng nhận quốc, nâng cao sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập, qua đó tăng xuất khẩu ra thị trường thế giới, đặc biệt là các thị trường có yêu cầu cao…

Việt Nam, một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực đặt Việt Nam trước nhiều thách thức, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, đưa nhận xét.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tập trung phát triển các chuỗi giá trị phân theo 3 trục sản phẩm: Chủ lực quốc gia với 10 sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chủ lực cấp tỉnh và đặc sản lợi thế vùng/miền.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn WEF/Grow Asia tiếp tục đồng hành cùng ngành nông nghiệp Việt Nam thúc đẩy việc đạt được các mục tiêu của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhất là việc xây dựng các chuỗi giá trị cho các ngành hàng nông sản Việt.

Việc phát triển các chuỗi giá trị này hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh, phát triển bao trùm và đảm bảo xanh, sạch. Do đó cần tăng cường phát triển các mô hình sản xuất và đầu tư theo hình thức PPP. 

PPP: Chia khoa mo canh cua nong nghiep ben vung tai Viet Nam

Theo Thứ trưởng Doanh, để đạt được các mục tiêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục phối hợp với WEF/Grow Asia củng cố và mở rộng thêm các Nhóm công tác PPP ngành hàng ra các mặt hàng khác, thu hút thêm sự tham gia của các tổ chức, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước.

Sáng kiến “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp” thuộc WEF đề ra mục tiêu nâng cao sản lượng nông nghiệp lên 20%, giảm lượng phát thải carbon 20% và giảm tỷ lệ đói nghèo xuống 20% sau mỗi thập niên cho đến năm 2050.

Tính đến nay, đã có 21 nước trên thế giới thử nghiệm mô hình PPP trong nông nghiệp, với sự tham gia của hơn 650 tổ chức, công ty và tập đoàn toàn cầu trên thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày