Sửa Luật Quản lý thuế: Doanh nghiệp mất động lực nếu chi phí thuế lớn

Vân Nguyễn Thứ Sáu | 21/09/2018 16:40

Với dự luật này, người nộp thuế có nhiều quyền hơn. Ảnh: Quý Hòa

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ giải trình rõ lý do gia tăng các nội dung giao Chính phủ hướng dẫn.
Với dự luật này, người nộp thuế có nhiều quyền hơn. Ảnh: Quý Hòa

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều 21.9 đã cho ý kiến về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, sau khi thẩm tra dự án luật, đã cơ bản đồng tình với nhiều nội dung Chính phủ trình. Tuy nhiên, Cơ quan thẩm tra cho rằng, dự thảo luật sửa đổi còn nhiều quy định chưa cụ thể so với luật hiện hành.

Thẩm quyền xóa nợ

Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) bao gồm 17 chương, 153 điều, về cơ bản có phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng như Luật Quản lý thuế hiện hành.

Thẩm quyền xóa nợ, một sửa đổi đáng chú ý của dự thảo này. Luật Quản lý thuế (sửa đổi) quy định tập trung thẩm quyền xóa nợ cho Bộ trưởng Bộ Tài chính và cơ quan quản lý thuế: Bộ trưởng Bộ Tài chính xóa nợ từ 5 tỷ đồng trở lên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xóa nợ từ 1 tỷ đến dưới 5 tỷ đồng.

Dự thảo Luật Quản lý thuế cũng bổ sung quy định phân cấp cho Cục trưởng Cục thuế và Cục trưởng Cục Hải quan xóa nợ đối với trường hợp nợ dưới 1 tỷ đồng.

Luật hiện hành có 20 điều giao Chính phủ quy định chi tiết, dự thảo luật lần này lại quy định 31 điều giao Chính phủ và 26 khoản giao Chính phủ, Thủ tướng quy định chi tiết.

Theo Thường trực Cơ quan thẩm tra, dự thảo luật đã bổ sung giao Chính phủ quy định chi tiết, trong khi luật hiện hành không giao Chỉnh phủ quy định chi tiết. Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần giải trình rõ lý do gia tăng các nội dung giao Chính phủ hướng dẫn.

Sua Luat Quan ly thue: Doanh nghiep mat dong luc neu chi phi thue lon

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ giải trình rõ lý do gia tăng các nội dung giao Chính phủ hướng dẫn, quy định chi tiết. Cạnh đó, Chính phủ cần chỉ đạo, đánh giá tình trạng nợ đọng thuế, làm rõ số nợ thuế không có khả năng thu hồi nhưng không xóa nợ theo các quy định của pháp luật và đề xuất cơ chế xử lý, để cụ thể hóa ngay trong dự thảo lần này.

Phải đi thận trọng

Trên thực tế, trong một văn bản luật, các quy định đưa ra phải phù hợp với thực tiễn để đảm bảo cho doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế, với thủ tục hành chính nhanh gọn, minh bạch, công khai, dự đoán trước được.

Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Đậu Anh Tuấn, nói với NCĐT rằng, sửa luật thuế lần này có thiết kế tương đối thân thiện, phù hợp các điều kiện kinh doanh cơ bản, mở ra những xu hướng cải cách tốt.

“Với dự luật này, người nộp thuế có nhiều quyền hơn, một số thủ tục rõ ràng hơn, ứng dụng công nghệ thông tin rõ nét trong các thủ tục hành chính về thuế”, ông Tuấn nói.

Theo Trưởng Ban pháp chế của VCCI, sửa luật thuế này được ban hành nhằm giải quyết những vấn đề mới, như với thương mại điện tử, trên nguyên tắc hoạt động kinh doanh, có lợi nhuận, phải nộp thuế, để đảm bảo môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng.

Thế nhưng, “việc đưa ra các quy định thuế với các hộ kinh doanh thương mại điện tử là cần, nhưng phải có những bước đi thận trọng, những đánh giá đầy đủ, tránh tình trạng những người càng kinh doanh đàng hoàng, minh bạch, càng chịu thiệt”, ông Tuấn nói.

Ông cho rằng, thị trường thay đổi nhanh, một đạo luật khó giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến thuế. Quản lý thuế, chỉ riêng Luật quản lý thuế là không đủ, nó còn liên quan đến Luật Kế toán, kiểm toán. Chính vì vậy, “luật quản lý thuế phải thân thiện, ít chi phí. Doanh nghiệp sẽ mất động lực nếu chi phí thuế quá lớn”.

Trên thực tế, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ. Ông Tuấn nói, việc xử lý những vấn đề liên quan giữa nhóm doanh nghiệp nhỏ với nhóm doanh nghiệp lớn là rất quan trọng, giúp hàng triệu hộ kinh doanh có động lực chuyển thành doanh nghiệp và điều này, có tác động rất lớn đến sửa luật lần này.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày