Thất nghiệp ở tuổi 35

Hoàng Hạnh Thứ Hai | 25/09/2017 12:30

Sơn Phạm

Có nơi tới 80% phụ nữ trên 35 tuổi làm việc trong các khu công nghiệp bị buộc phải nghỉ việc hoặc tự bỏ việc.
Sơn Phạm

Cảnh báo dân số chưa giàu đã già hóa ra vẫn là một cách đánh giá lạc quan khi thực tế đã ghi nhận ngày càng nhiều trường hợp, chưa già đã... thất nghiệp. Vấn đề này cần được nhìn nhận như thế nào?

Lao động bị vắt chanh bỏ vỏ?

Mới đây, vấn đề lao động nữ trên 35 tuổi bị mất việc đã chính thức được đề cập tại một diễn đàn của Quốc hội. Dù khoác dưới chiếc áo bình đẳng giới, những con số đáng giật mình cũng đã được đưa ra, phần nào giúp các nhà quản lý hình dung về thực trạng này.

Quả thật, quyết tâm về quyền có việc làm của người lao động đang vấp phải thực tế phũ phàng, theo khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có nơi tới 80% phụ nữ trên 35 tuổi làm việc trong các khu công nghiệp bị buộc phải nghỉ việc hoặc tự bỏ việc. Tình trạng doanh nghiệp FDI liên tục tuyển người trẻ rồi sa thải công nhân hiện có, một năm thay đến 40% lao động chắc chắn không chỉ tồn tại ở một vài doanh nghiệp sử dụng lao động. Đáng lo ngại hơn, theo điều tra của Viện Công nhân và Công đoàn năm 2016, tình trạng sa thải người lao động tùy tiện đang trở nên phổ biến, thậm chí có tình trạng, buổi sáng còn đi làm, buổi chiều đã nhận quyết định sa thải.

Bàn về nguyên nhân của thực trạng này, một kết luận chóng vánh về lương tâm và trách nhiệm của người sử dụng lao động rất dễ được đưa ra. Điều này không hẳn là không có lý nếu xét trên tiêu chí mối quan hệ giữa con người và con người. Không thể phủ nhận rằng, sẽ là vô đạo đức khi vắt kiệt sức lao động của công nhân trong những năm tháng thanh xuân, để rồi bỏ rơi khi họ mới chớm tuổi trung niên. Mặt khác, gánh nặng gia đình của những lao động trên 35 tuổi cũng khiến những người hành xử theo lương tâm không đành lòng ‘’vắt chanh bỏ vỏ’’ bởi lẽ tước đi việc làm của cha mẹ, đồng nghĩa, những đứa trẻ nhà nghèo sẽ càng thiệt thòi hơn.

That nghiep o tuoi 35

Tuy nhiên, mối quan tâm trên hết của doanh nghiệp là lợi ích tối đa trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Ngay cả ở các thiên đường lao động và sáng tạo như Google, Apple... tình thân ái và thấu hiểu giữa người làm công và ông chủ căn bản vẫn xuất phát từ mục tiêu lợi nhuận nói trên. Nhìn vào trường hợp của Việt Nam, lao động càng lớn tuổi, năng suất càng thấp, trong khi tiền lương và phúc lợi xã hội càng cao. Những kinh nghiệm, tay nghề hay sáng tạo dựa trên thâm niên... không được tính đến, đơn giản vì người Việt đang gia công ở mức độ quá giản đơn. Thảm đỏ FDI với những lời hứa về chuyển giao công nghệ hay đào tạo tay nghề cho người lao động hóa ra lại chủ yếu là những lời hứa ngọt. Khi đó, lựa chọn dễ hiểu với các doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài FDI vốn không có sự đa cảm về quê hương và đồng bào như các doanh nghiệp thuần Việt) là sa thải người cũ và tuyển người mới.

Trao đổi với NCĐT về vấn đề này, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tri, Viện phó Viện Xã hội học và Khoa học Quản lý, đưa ra 2 cách tiếp cận. Thứ nhất, từ khía cạnh đảm bảo quyền lợi cho người lao động thất nghiệp, có thể do chủ ý của chủ doanh nghiệp, Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm các nước để thành lập và vận hành quỹ thất nghiệp. Ông nêu ví dụ, Úc quy định chủ sử dụng lao động phải đóng góp vào quỹ thất nghiệp do nhà nước đứng ra bảo trợ. Đó sẽ là nguồn hỗ trợ cho lao động thất nghiệp, đồng thời, đầu tư cho họ học nghề, tiếp tục tìm được công việc mới.

Thứ hai, về mặt quản lý vĩ mô, đang có sự lệch pha giữa 3 bộ phận có liên quan mật thiết trong nền kinh tế: các đơn vị hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp. Doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI phát triển năng động theo đúng các nguyên tắc của kinh tế thị trường khiến hai khâu còn lại không theo kịp.

‘’Doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi ích tối đa, các thiết chế luật pháp phải phát triển tương ứng để ngăn chặn những rủi ro đối với người lao động, môi trường lao động và rộng hơn là môi trường xã hội. Phải có luật định làm cơ sở, làm trọng tài chứ không thể nói chuyện thông cảm, hay chia sẻ...”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tri thẳng thắn nhận định.

Đồng quan điểm, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương, Ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhấn mạnh, lẽ ra, khi có những dấu hiệu bất thường thì tổ chức công đoàn ở các doanh nghiệp phải lên tiếng, nếu không được thì báo lãnh đạo cấp trên. Không thể để tiếp tục xảy ra tình trạng, doanh nghiệp lách luật, loại trừ lao động Việt Nam như vậy.

Hệ lụy và giải pháp căn cơ                       

Việc làm là nền tảng căn bản cho phát triển, theo Báo cáo Phát triển Thế giới 2013 của World Bank. Đối với nền kinh tế Việt Nam, lãnh nhận sứ mệnh này là các doanh nghiệp thuộc khối nhà nước và ngoài nhà nước (bao gồm kinh tế hộ gia đình, doanh nghiệp tư nhân và khối doanh nghiệp FDI). Theo công bố của Tổng cục Thống kê, xét theo loại hình kinh doanh, năm 2014, các doanh nghiệp FDI chiếm 2,8% nhưng tạo ra đến 28,6% tổng số 12 triệu lao động trong khu vực công nghiệp. Như vậy, hiển nhiên, biến động việc làm theo hướng tiêu cực trong khối doanh nghiệp FDI có thể gây ra nhiều hệ lụy.

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tri, khi lao động trẻ không còn là lợi thế, những nguồn lực về chính sách và tài nguyên đã dành hết cho doanh nghiệp FDI, khả năng thu hút đầu tư sẽ giảm dần, tình trạng lao động không có việc làm sẽ ngày càng trầm trọng. Điều này sẽ gây ra những tác động ngược tới sự ổn định xã hội.

Bài toán chỉ có thể được giải bằng chính nội lực của nền kinh tế Việt Nam. Khi doanh nghiệp trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ của chúng ta trưởng thành và phát triển, có khả năng tạo thêm việc làm cho người lao động, áp lực phụ thuộc vào nguồn cầu lao động từ doanh nghiệp FDI sẽ giảm đi đáng kể. Viễn cảnh sẽ càng sáng sủa hơn nếu năng suất, chất lượng lao động được cải thiện, tiệm cận được mức trung bình của thế giới. Đến khi đó, Việt Nam mới có thể thực hiện đầy đủ ‘’quyền lựa chọn và mặc cả’’ với doanh nghiệp FDI mà không phải nhìn trước, ngó sau, canh chừng sự dằn dỗi của các ông lớn.

Tất nhiên, không thể không lắng nghe những nghi ngại, sẽ mất rất nhiều thời gian mới đạt được viễn cảnh nói trên và các nền kinh tế khác chắc chắn không dậm chân tại chỗ. Thế nhưng, đường thiên lý bước từng bước một. Sự nhận thức đầy đủ về vai trò động lực của nền kinh tế tư nhân phải được coi là một tín hiệu lạc quan. Lời hứa của đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương, sẽ đánh động vấn đề này tại diễn đàn Quốc hội càng khiến dư luận tin rằng, vấn đề chắc chắn sẽ được xem xét và giải quyết.

Hơn nữa, chúng ta cũng không cách nào khác ngoài hy vọng. Món quà dân số vàng, nguồn nhân lực giúp đất nước vươn mình sau hàng chục năm chiến tranh, chia cắt không thể chỉ để bị tận dụng và trả công bèo bọt. Ai cũng biết rằng, chỉ chưa đầy 20 năm nữa, Việt Nam sẽ qua thời kỳ dân số vàng này.

Hoàng Hạnh


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày